Dự án chưa đáp ứng kế hoạch tiến độ
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông) có chiều dài 49,3 km, trong đó, đi qua địa bàn Nghệ An 44,46 km và đi qua tỉnh Hà Tĩnh 4,84 km.
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina 2. Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng. Tổng mức đầu tư là 13.339 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 3 năm, khởi công ngày 22/5/2021. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 5/2024.
Tại Phiên họp lần thứ 8, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Dự án phải hoàn thành trước ngày 30/4/2024.
Tại Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 01/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn “tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa khô năm 2024, trách nhiệm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa đáp ứng các kế hoạch tiến độ đề ra. Trước tình hình đó, ngày 15/01/2024, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn ký ban hành Công văn số 533/BGTVT-CQLXD về việc khẩn trương thực hiện hoàn thành Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Công văn số 533/BGTVT-CQLXD nêu: “Năm 2023, Dự án đã đạt được một số kết quả nhất định (sản lượng bình quân đạt khoảng 315 tỷ đồng/tháng), tuy nhiên, tiến độ chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra (đến nay mới đạt 5.720,40 tỷ đồng, tương đương 66,55% giá trị Hợp đồng dự án). Hiện nay, thời gian thực hiện dự án còn khoảng 4 tháng, với sản lượng còn lại khoảng 2.660 tỷ đồng (chưa bao gồm 214,65 tỷ đồng ITS) thì bình quân mỗi tháng dự án phải đạt 665 tỷ đồng (tương đương 7,74% giá trị Hợp đồng dự án); như vậy, các nhà thầu phải tập trung nguồn lực hơn năm 2023 là khoảng 2,12 lần mới có thể đáp ứng tiến độ dự án, đặc biệt là Công ty Hòa Hiệp sản lượng còn lại khoảng 1.291/2.660 tỷ đồng, chiếm 48,53% phần khối lượng xây lắp còn lại của Dự án".
Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình doanh nghiệp dự án không quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai các hạng mục đường găng đáp ứng tiến độ chung của Dự án; chậm xây dựng kế hoạch triển khai các hạng mục hoàn thiện như móng, mặt đường, ATGT, trạm thu phí,…; tiến độ chậm nhưng chưa có giải pháp, kế hoạch thi công liên tục theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 01/01/2024 để bù tiến độ; chưa chủ động giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các điều chỉnh thiết kế phát sinh theo quy định của Hợp đồng dự án.
Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành Dự án trước ngày 30/4/2024, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu: Ban QLDA 6, doanh nghiệp dự án rà soát quy định của hợp đồng xây lắp để khẩn trương xử lý theo quy định của hợp đồng đối với các nhà thầu (Công ty Hòa Hiệp, Thái Yên, 456 và Vina2) thi công chậm trễ, không quyết liệt tập trung nguồn lực để khắc phục kịp thời tiến độ các hạng mục bị chậm; Liên danh nhà đầu tư rà soát lại từng vị trí nhân sự của doanh nghiệp dự án, xem xét điều chỉnh, thay thế để tăng cường năng lực điều hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ Dự án…
Tiếp đó, ngày 26/1/2024, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ban hành Công văn số 1028/BGTVT-CQLXD gửi Ban Quản lý dự án 6 và Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) về việc khẩn trương tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực thi công hoàn thành dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
Ban Quản lý dự án 6, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, gần đây nhất là Văn bản số 533/BGTVT-CQLXD ngày 15/01/2024. Trong đó, tập trung hoàn thành đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Quốc lộ 46B và các đoạn không chờ lún xong trước ngày 30/4/2024, các đoạn còn lại yêu cầu nhà thầu thi công triển khai các giải pháp để hoàn thành theo đúng kế hoạch, tiến độ đã được Doanh nghiệp dự án phê duyệt.
Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung lập kế hoạch thi công “3 ca, 4 kíp” đối với tất cả các hạng mục (trừ các đoạn đang chờ lún) để bù lại tiến độ đã bị chậm.
Doanh nghiệp dự án tăng cường kiểm tra, giám sát thi công các hạng mục công trình đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác thi công lao lắp dầm các trụ cầu có chiều cao lớn; quan trắc, tính toán xác định thời gian dỡ tải tại các đoạn nền đường xử lý đất yếu theo quy định, giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu cấp phối đá dăm, cấp phối CTB, BTN, công tác bảo dưỡng CTB, công tác ủ ẩm cấp phối đá dăm…
Doanh nghiệp dự án cần chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án 6 và chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh về thiết kế, mặt bằng và giải ngân của dự án.
Việc dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến tính chất của một công trình trọng điểm quốc gia mà còn gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện giao thông đi lại, nhất là tại các công trình cầu cống, đường ngang cao tốc vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.