Kinh tế

Dự án hồ Khe Lại - Vực Mấu: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Văn Trường 30/09/2024 16:51

Dự án “Hệ thống Thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu” xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ.

Clip: Văn Trường

Còn nhiều vướng mắc

Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu được phê duyệt vào tháng 6/2009, khởi công năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 227,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là về nguồn vốn nên dự án phải tạm dừng thi công vào năm 2017.

Để tiếp tục xây dựng dự án này, ngày 29/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 4228/QĐ-BNN về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư là 627 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp khoảng 198 tỷ đồng, chi đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 373 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: Tính đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đã hoàn thiện công tác trích đo, phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án.

van truong 1
Thi công thân đập hồ chứa Khe Lại. Ảnh: Văn Trường

Đã hoàn thành công tác kiểm kê, kiểm đếm ngoài thực địa đối với 100% số thửa đất bị ảnh hưởng, hoàn thành công tác rà soát bổ sung, phê duyệt điều chỉnh phương án tổng thể giải phóng mặt bằng của dự án... Đồng thời, đã ban hành 23 quyết định thu hồi đất với diện tích 219,41 ha, đạt tỷ lệ 60% tổng khối lượng cần giải phóng mặt bằng (trong đó: thu hồi trước năm 2016 là 91,32 ha; thu hồi từ năm 2023 đến nay là 128,054 ha/268 thửa đất/79 hộ dân).

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng đang có một số vướng mắc, khó khăn như: Hiện UBND tỉnh chưa có Quyết định thay thế Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND để có cơ sở triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ. Có 32,11 ha đất rừng tự nhiên đang được UBND xã Tân Thắng hoàn thiện thủ tục đấu giá, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có Quyết định cho phép tổ chức đấu giá của UBND tỉnh.

Chưa có ý kiến về vấn đề hỗ trợ khác đối với các trường hợp không có giấy tờ sử dụng đất, nhận chuyển nhượng sau ngày 01/8/2008; hỗ trợ khác đối với việc trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; Tổ công tác liên ngành của tỉnh chưa có kết luận cụ thể đối với hộ ông Hà Văn Luận và ông Vi Văn Tặm ở xóm Nam Việt, xã Tân Thắng, để UBND huyện có cơ sở tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến công tác bồi thường và di dời các hộ dân trong khu vực lòng hồ đến nơi an toàn.

van truong 3
Cán bộ Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Quỳnh Lưu đang kiểm tra các thủ tục cho các hộ dân vùng lòng hồ. Ảnh: P.V

Hiện còn 139,93 ha chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (trong đó: 0,42 ha đất ở/14 hộ/14 thửa đất; 102,04 ha đất sản xuất nông nghiệp/96 hộ/207 thửa đất; Đất rừng 37,48 ha đất rừng (26 hộ/35 thửa đất). Hiện tại, UBND xã Tân Thắng đã xác định được nguồn gốc 70/99 thửa đất, còn lại 29 thửa đất đang trong quá trình điều chỉnh nguồn gốc đất.

Nguyên nhân còn vướng mắc giải phóng mặt bằng là dự án triển khai đã hơn 15 năm (bắt đầu từ năm 2010 đến nay), có thời gian dài bị ngừng không triển khai do không có vốn và không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh dự án (ngừng thực hiện 6 năm từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2022)... nên hiện trạng, cơ sở pháp lý, quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, bất cập như Luật Đất đai 2024 thay Luật Đất đai 2003.

Từ năm 2016 đến năm 2022, không bố trí vốn nên không triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2022, sau khi bố trí kinh phí thì điều chỉnh cao trình ngập nước từ + 47.33m xuống còn + 46.25m. Buộc phải thực hiện lại đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính bổ sung kế hoạch sử dụng đất mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đến nay, xã Tân Thắng chưa thực hiện giao đất theo Nghị định 64, Nghị định 81, Nghị định 02, Nghị định 163; chưa được đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ quản lý đất đai trước thời điểm thực hiện dự án Khe Lại. Khu vực phải thu hồi đất để thực hiện dự án nằm ở vùng cao, vùng xa; đối tượng bị thu hồi đất chủ yếu là đồng bào dân tộc và các Đội viên Tổng đội Thanh niên xung phong Quỳnh Lưu. Dự án kéo dài đã hơn 15 năm, trong đó, có 6 năm bị dừng không triển khai nên nhiều trường hợp người dân (chủ yếu là các hộ dân tộc thiểu số) đã buộc phải tự di chuyển chỗ ở đi nơi khác, làm nhà ở sau khi lập gia đình, tách hộ...

Vì vậy, đã gây khó khăn rất lớn cho công tác xác định đối tượng, chủ sử dụng đất và nguồn gốc, quá trình sử dụng đất. Tại khu vực thực hiện dự án có 32,11 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chưa giao đất, giao rừng; quy trình và thủ tục thanh lý rừng, hỗ trợ canh coi, bảo vệ rừng có nhiều nội dung vướng mắc.

Chưa kể công tác quản lý đất đai tại địa phương còn hạn chế, để tình trạng mua bán, chuyển nhượng hoặc tự khai hoang làm thay đổi hiện trạng ban đầu, tự chuyển đổi, trồng cây nông nghiệp trên đất có nguồn gốc, quy hoạch lâm nghiệp đất nông nghiệp. Xây dựng trái phép các công trình sau khi có thông báo thu hồi đất không được xử lý, ngăn chặn kịp thời, gây khó khăn cho công tác xác định chủ sử dụng, xác định điều kiện bồi thường, hỗ trợ để lập hồ sơ giải phóng mặt bằng.

Cần sớm được tháo gỡ

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo UBND xã Tân Thắng tiếp tục thực hiện công tác xác định nguồn gốc đất. Trình xin ý kiến UBND tỉnh xem xét có chủ trương hỗ trợ khác đối với các trường hợp không có giấy tờ sử dụng đất, nhận chuyển nhượng sau ngày 01/8/2008.

van truong 2
Toàn cảnh khu vực lòng hồ Khe Lại. Ảnh: Văn Trường

Có chủ trương hỗ trợ khác đối với việc trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp (quy hoạch rừng sản xuất); Có chủ trương cho phép đối với việc bán đấu giá tài sản là gỗ rừng tự nhiên từ khai thác tận dụng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

UBND huyện Quỳnh Lưu mong muốn các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn để huyện có cơ sở triển khai thực hiện các nội dung theo đúng quy định, đồng thời, hoàn thiện báo cáo cụ thể liên quan đến công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng dự án để sớm thi công đảm bảo tiến độ.

Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu đưa vào sử dụng sẽ cấp nước tưới cho 1.524 ha đất canh tác, bao gồm cả lúa và cây công nghiệp; đồng thời, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người dân quanh vùng, bổ sung nguồn nước cho hồ Vực Mấu với trữ lượng 13,4 triệu m3/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai, cũng như góp phần cải thiện môi sinh, môi trường vùng dự án.

Mới nhất
x
x
Dự án hồ Khe Lại - Vực Mấu: Những vướng mắc cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO