Gia trại sản xuất trứng gà ác chuẩn VietGAP quy mô lớn của Nghệ An
Đó là cơ sở chuyên sản xuất trứng gà ác của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thắng và chị Cao Thủy Linh tại xã Văn Kiều. Đây là mô hình sản xuất trứng gà ác quy mô lớn đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn VietGAP.
Chọn lối đi riêng
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Nghi Lộc, không giống nhiều bạn bè đồng trang lứa, sau khi học xong phổ thông, Nguyễn Hữu Thắng (SN 1992) quyết định lập nghiệp tại Nghi Văn (nay là xã Văn Kiều).
Cuộc sống gắn bó với đồng ruộng nên khi nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp, Thắng chỉ có suy nghĩ là chọn các con giống về nuôi thả. Thế nhưng, làm nông nghiệp, nhất là nuôi trồng quy mô lớn khó hơn Thắng nghĩ. Thời gian đầu, gia trại của anh thất bại nhiều hơn thành công.

Tuy vậy, điều đáng quý là sau mỗi lần thất bại, Nguyễn Hữu Thắng không nản chí. Năm 2020, tình cờ tham gia một chương trình khuyến nông, anh đặc biệt chú ý đến mô hình sản xuất trứng gà ác độc đáo ở Long An. Không quản ngại xa xôi, Thắng vào tận nơi học hỏi kinh nghiệm.
Thách thức là giống gà ác chỉ do một cơ sở sản xuất tỉnh Long An cung cấp giống độc quyền, gà khó thích nghi với khí hậu miền Bắc và muốn nuôi phải có gia trại đạt chuẩn.
Nhận rõ khó khăn này, Thắng trở về bàn bạc với gia đình và sau đó thuê đất, vay gần 1 tỷ đồng làm chuồng trại. Từ năm 2021, Thắng nhập gần 10 ngàn con gà giống về nuôi ươm. Sau khi bỏ hàng tỷ đồng làm chuồng trại và suốt hơn 5 tháng nuôi hậu bị, vợ chồng Thắng sống trong hồi hộp và chỉ khi gà lên lồng, bắt đầu đẻ trứng mới thở phào nhẹ nhõm.

Lứa gà đầu tiên có tỉ lệ 95% đẻ trứng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng, vợ chồng Thắng phấn khởi và vận động thêm kinh phí từ gia đình nội ngoại để xây thêm chuồng trại. Từ đó đến nay, mỗi năm Thắng nhập trên 10 ngàn con giống để thay thế. Mới đây nhất, để chuẩn bị cho vụ Tết sắp tới, Thắng nhập thêm 13.000 con gà ác từ Tiền Giang ra.
Sau hơn 4 năm lăn lộn, Nguyễn Hữu Thắng đã thành thạo đặc điểm, tập tính từng lứa gà, giờ ăn cũng như các loại vắc xin cần thiết…

Hiện, gia trại của vợ chồng Thắng - Linh có diện tích gần 3ha, gồm 2 chuồng trại nuôi 35.000 con, trong đó 20 ngàn gà đẻ và 13 ngàn gà con nuôi hậu bị. Ngoài 4 lao động phụ giúp, gia trại thường xuyên có có 2 - 3 kỹ sư thú y, chuẩn bị nguồn thức ăn hỗ trợ và ông chủ trẻ có nhiều thời gian lo đầu ra cho sản phẩm hơn.
Xây dựng thương hiệu uy tín
Đặc thù nuôi gà ác tập trung nên điều kiện vệ sinh chuồng trại khá gắt gao. Trong đó, hệ thống nước và quạt làm mát chuồng, nước uống cho gà đều có hệ thống riêng và được thu gom xử lý tuần hoàn.
Anh Thành - kỹ sư thú y tại gia trại cho biết: Nước uống cho gà trên lồng đi theo 1 hệ thống riêng, dẫn vào từng khay theo chế độ cài van tự động, nước cho gà uống nếu bị rơi xuống thì sẽ rơi vào máng để thu gom về một đầu mối, không chảy tràn xuống nền nên chuồng luôn khô ráo. Định kỳ, chất thải của gà được các HTX nông nghiệp, công ty nông nghiệp lớn mua về để bón chè, trồng cây ăn quả, trồng rừng… Vì thế, dù nuôi quy mô lớn, nhưng trang trại khá thoáng mát và không có mùi hôi.

Để giữ sự phát triển ổn định, ngay sau khi thành lập gia trại, Nguyễn Hữu Thắng đã mời chuyên gia tư vấn về quy trình sản xuất trứng gà theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời thuê đơn vị thiết kế nhãn hiệu gửi Cục Sở hữu trí tuệ, tích cực xây dựng hồ sơ theo chuẩn OCOP… Nhờ vậy, chỉ sau 5 năm thành lập, gia trại Thắng Linh đã đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 1/2022; đến tháng 5/2023 được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu sản phẩm; đầu năm 2025 được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn VietGAP lần 2.
Nguyễn Hữu Thắng cho hay: Mặc dù có được chỗ đứng nhưng cũng như các gia trại quy mô nhỏ khác, dịch bệnh và đầu ra luôn là nỗi lo thường trực. Vừa qua, ngay sau khi có thông tin trứng gà giả trên thị trường đã khiến giá trứng gà giảm mạnh; để giữ uy tín, mỗi chuyến hàng, gia trại phải kèm hồ sơ chứng minh nguồn gốc và chất lượng.

Ông chủ trẻ chia sẻ thêm, chu kỳ khai thác khoảng 11 tháng, trong đó 5 tháng đầu nuôi hậu bị phải chấp chi phí bỏ ra nhưng không có doanh thu. Vì thế, cần phải tính toán thời điểm nhập giống về để khi gà đẻ "gặp" đúng dịp thị trường có nhu cầu.
Hiện nay, mỗi ngày, riêng chi phí thức ăn cho đàn gà khoảng 20 triệu đồng, trong khi doanh thu trứng chỉ khoảng 30 triệu (10.000 quả trứng), nên chỉ cần trứng ế đọng hoặc bán giá thấp là lo âu.
Để thích ứng, một mặt, Nguyễn Hữu Thắng cũng nuôi gà ác bán thịt; đồng thời mua 1.000 gà đẻ trứng Nam Mỹ về nuôi thử từ đầu năm 2025. Sau 5 tháng, gà đã đẻ trứng và giá cao gấp đôi giá trứng gà ác, dự kiến, nếu hiệu quả thì sẽ mở rộng thêm.

Đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khu vực Nghi Lộc cho biết: Để tạo được vị thế độc quyền như hôm nay, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, gia trại Thắng Linh rất chịu khó học hỏi và tìm kiếm thị trường. Chủ gia trại đã thành công đưa trứng vào các siêu thị và chợ ở Hà Nội, gần như bất cứ cơ sở nào ở Nghệ An có nhu cầu, vợ chồng Thắng - Linh đều tìm đến giới thiệu và bỏ hàng mẫu.
Từ trải nghiệm tìm đầu ra, Nguyễn Hữu Thắng nhận thức được để trở thành nhà cung cấp thực phẩm cho các đơn vị, khách hàng lớn thì phải có hồ sơ chất lượng, nhãn hiệu uy tín; quy trình sản xuất phải minh bạch, an toàn...

Ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Văn Kiều cho biết: Trong số mô hình kinh tế vườn đồi của xã, gia trại gà ác đẻ trứng Thắng Linh là mô hình lớn và hiệu quả vì có sự độc đáo. Mỗi năm, gia trại sản xuất khoảng 4 triệu quả trứng, góp phần đưa Văn Kiều trở thành điểm sáng về kinh tế trang trại của tỉnh. Ngoài tích cực phát triển kinh tế, gia đình còn nhiệt tình đóng góp cho cộng đồng, hỗ trợ hàng chục triệu đồng mỗi năm giúp đỡ người dân khó khăn trên địa bàn.