'Giải mã' tín hiệu trên bán đảo Triều Tiên

Diệp Khanh 31/07/2019 19:33

(Baonghean) - Đúng như dự đoán của giới phân tích, sát ngày Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự mới mang tên Đồng Minh, Triều Tiên sáng 31/7 lại tiếp tục phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.

Vậy là chỉ chưa đầy 1 tuần, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện 2 lần thử tên lửa, và nhiều khả năng, hành động này sẽ còn lặp lại cho tới sau khi cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc kết thúc.

Triều Tiên thử 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại bờ biển phía Đông vào sáng ngày 31/7. Ảnh: Reuters
Triều Tiên thử 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại bờ biển phía Đông vào sáng 31/7. Ảnh: Reuters

Thông điệp “kép”của Triều Tiên

Triều Tiên không bao giờ thử tên lửa mà không mang theo thông điệp - đó là điều đã được chứng minh rất nhiều lần trong quá khứ. Đương nhiên, sẽ không có ngoại lệ cho 2 lần phóng thử tên lửa vào ngày 25/7 và 31/7 vừa qua với những tên lửa được cho là vũ khí thế hệ mới, có đặc điểm tương tự với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander do Nga phát triển.

Triều Tiên cũng không “úp mở” về lời cảnh báo muốn gửi đến Mỹ và Hàn Quốc khi 2 nước chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quân sự mới mang tên Đồng Minh thay cho các cuộc tập trận thường niên lớn trước đó là Đại bàng non và Giải pháp then chốt. Dù cuộc tập trận Đồng Minh có quy mô giảm đi rất nhiều so với Đại bàng non và Giải pháp then chốt, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn coi đó là sự vi phạm cam kết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hồi tháng 6/2018 tại Singapore.

Gọi cuộc tập trận Đồng Minh là “nghiêm túc và rầm rộ”, ông Kim Jong-un coi đây là biểu hiện của chính sách thù địch đối với Triều Tiên, và tất nhiên sẽ nhận được sự đáp trả xứng đáng của quốc gia này. Thử tên lửa trước, trong và sau các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, đó là phản ứng đã quá quen thuộc của Triều Tiên. Vì vậy, không loại trừ khả năng, sau lần phóng thử tên lửa vào ngày 31/7, Triều Tiên sẽ còn lặp lại hành động này song song với cuộc tập trận Đồng Minh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử tên lửa. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Nhưng theo giới phân tích, bên cạnh việc “đáp trả xứng đáng” cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc như cách nói của Triều Tiên, quốc gia này còn muốn gửi một thông điệp khác tới Mỹ trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du châu Á và có thể sẽ gặp gỡ với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho bên lề diễn đàn an ninh Đông Nam Á mở rộng tại Bangkok, Thái Lan. Cho đến nay, cả hai bên vẫn chưa xác nhận chính thức về cuộc gặp, nhưng nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên hai bên có một cuộc gặp cấp cao kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau đầy thân thiện tại Khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên hồi tháng trước.

Với Triều Tiên, những cái bắt tay thân thiện, những lời nói có cánh ca ngợi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho ông Kim Jong-un có lẽ là không đủ, mà Triều Tiên cần những bước tiến thực chất hơn thế. Những lần thử tên lửa của Triều Tiên gần đây được khá nhiều người diễn giải bằng sự mất kiên nhẫn của nước này trước chiến thuật “câu giờ” của Mỹ khi không xúc tiến các cuộc đàm phán thực chất, với mong muốn rất lớn là được nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên. Vì thế, có thể Triều Tiên đang muốn gây sức ép để buộc ông Mike Pompeo phải mang tới Thái Lan một số tín hiệu tích cực nào đó nếu diễn ra cuộc gặp giữa ngoại trưởng 2 nước.

Những “nước cờ” nhiều toan tính

Sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa liên tiếp, đã có không ít ý kiến lo ngại về khả năng “tăng nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên, về nguy cơ những thành quả tạm thời đạt được trong suốt hơn 1 năm qua có thể bị xói mòn. Nhưng trái với sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, Mỹ - “tay chơi chính” trong “ván cờ Triều Tiên” lại tỏ ra hết sức bình thản.

Khi Triều Tiên thử tên lửa vào ngày 25/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ động xoa dịu tình hình khi nói rằng ông không hề lo ngại vì Triều Tiên “chỉ thử các tên lửa tầm ngắn” - điều mà nhiều quốc gia khác tiến hành khá thường xuyên, và rằng các vụ phóng thử tên lửa không vi phạm cam kết mà Triều Tiên từng đưa ra và cũng không gây đe dọa cho nước Mỹ. Đến vụ thử tên lửa hôm 31/7, phía Mỹ cũng chỉ thông báo “sẽ tiếp tục theo dõi”, và đáng chú ý là ông Donald Trump còn vừa gửi cho ông Kim Jong-un những bức ảnh được chụp tại Khu phi quân sự hồi tháng trước như một sự nhắc nhở về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa 2 nhà lãnh đạo.

Dù việc Triều Tiên “sốt ruột” với Mỹ về sự đình trệ trong đàm phán song phương là có thật, nhưng giới phân tích cho rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều không muốn phá bỏ những thành quả đã đạt tới thời điểm này. Việc Mỹ tiến hành tập trận với Hàn Quốc, hay Triều Tiên phóng thử tên lửa đáp trả được cho là những bước đi mang tính đối nội nhiều hơn của cả hai bên. Với Tổng thống Donald Trump, ông đang rất cần “ghi điểm” trước cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới. Việc giữ được bầu không khí khá yên bình trên bán đảo Triều Tiên suốt hơn 1 năm qua được đánh giá là một thành tựu của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Tuy nhiên, ông vẫn cần thuyết phục thêm những người theo đường lối cứng rắn - những người luôn cho rằng Mỹ đã quá nhún nhường với Triều Tiên trong thời gian qua. Bởi thế, một cuộc tập trận quy mô vừa phải, không quá tốn kém, không quá “gây hấn” với Triều Tiên là một giải pháp chấp nhận được. Một khi Triều Tiên chưa thử tên lửa đạn đạo tầm xa hay thử hạt nhân, mọi thứ sẽ vẫn suôn sẻ như tính toán của ông Donald Trump.

Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo vẫn là nhân tố quan trọng giữ tình hình trên bán đảo Triều Tiên tạm thời yên ổn. Ảnh: ABC News
Mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo vẫn là nhân tố quan trọng giữ tình hình trên bán đảo Triều Tiên tạm thời yên ổn. Ảnh: ABC News

Ở phía Triều Tiên, 2 cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Donald Trump đã mang lại uy tín rất lớn cho ông Kim Jong-un, và một cuộc gặp lần thứ 3 - nếu có thể diễn ra - đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới quan chức nước này. Vì vậy, việc thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn vừa đủ để Triều Tiên thực hiện đúng nguyên tắc “có đi có lại”, vừa giúp củng cố tinh thần của các lực lượng quân đội của Triều Tiên về cam kết bảo vệ quốc gia trước các mối đe dọa an ninh, vừa đáp ứng yêu cầu của những người theo đường lối cứng rắn vẫn luôn thúc giục nhà lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi cách tiếp cận mới nếu như Mỹ không giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Việc chỉ thử tên lửa tầm ngắn cũng là một tính toán của Triều Tiên nhằm tránh đẩy chính quyền Mỹ phải đưa ra những phản ứng ngoài tầm kiểm soát. Ông Kim Jong-un hiểu rằng nếu hoạt động thử tên lửa quá nhiều với tầm bắn quá xa, các quan chức theo trường phái “diều hâu” của Mỹ sẽ buộc Tổng thống Donald Trump đảo ngược tiến trình đàm phán hiện tại để tiến hành các bước đi thực sự cứng rắn.

Với những tính toán của cả hai phía, giới phân tích cho rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa thể chuyển biến xấu trong thời gian ngắn trước mắt. Mỹ - Hàn có thể sẽ vẫn tập trận, Triều Tiên có thể sẽ vẫn thử tên lửa, nhưng song song với đó sẽ vẫn là những nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía để không đóng sập cánh cửa đàm phán, thậm chí không có lý do gì để loại trừ khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 trong thời gian tới.

Mới nhất
x
'Giải mã' tín hiệu trên bán đảo Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO