Giải Nhất Tiếng Anh quốc gia: Chưa hài lòng dù đã có thư mời của 4 trường đại học nước ngoài

Mỹ Hà 09/02/2020 13:30

(Baonghean.vn) - Nguyễn Thị Phương Hoa - Lớp 12C5 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là 1 trong 2 học sinh đem về giải Nhất Tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia cho tỉnh Nghệ An sau 10 năm. Nữ sinh này cũng vừa có thông báo trúng tuyển vào 4 trường đại học ở nước ngoài, trong đó có 3 trường ở Mỹ và 1 trường ở nước Đức.

Đầu Xuân mới, nữ sinh trường Phan cũng đã có những chia sẻ với Báo Nghệ An về kinh nghiệm học Tiếng Anh và cả những dự định trong tương lai.

“Không ngủ quên trên chiến thắng”

P.V: Đã rất lâu rồi, Nghệ An mới có lại giải Nhất ở cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh. Hãy chia sẻ những cảm xúc của em khi tham dự cuộc thi năm nay?

Nguyễn Thị Phương Hoa: Khi nhận kết quả, em thực sự hạnh phúc nhưng không quá bất ngờ bởi sau khi thi xong, kiểm tra và khảo bài với các bạn, em khá tự tin vào kết quả của mình. Kết quả này cũng là sự nỗ lực và cả sự “đánh cược” của em bởi năm học trước em đã tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, đã có giải Nhì và quyết định tham gia lại năm lớp 12 là một đánh đổi lớn.

Thực tế, ở trường Phan khoảng 10 năm nay, không có một học sinh nào chọn thi lại lần 2. Vì thế, khi quyết định thi, điều em cũng như các bạn và giáo viên chủ nhiệm băn khoăn nhất là làm sao phát triển và tăng khả năng Tiếng Anh của mình. Sở dĩ nói vậy bởi thông thường khi học Tiếng Anh ở một độ “chín” nào đó thì học sinh thường có xu hướng chững lại, cả về vốn từ, về phát âm và khả năng nghe nói. Vì thế, giáo viên đội tuyển rất áp lực khi phải trau chuốt từng câu nói của học sinh sao cho tốt nhất. Trong khi đó, đội tuyển năm nay lại có đến 3 bạn thi lại lần hai...

Riêng em, khi tham dự cuộc thi này cũng phải đối diện với khá nhiều khó khăn. Vì điểm yếu của em đó là khả năng nghe và vì thế em phải luôn luôn rèn luyện hàng ngày để không được kém hơn so với các bạn trong đội tuyển.

P.V: Được biết, so với năm trước, đề thi năm nay có sự thay đổi nhiều. Điều này là thuận lợi hay khó khăn đối với em?

Nguyễn Thị Phương Hoa: Khi bước vào cuộc thi, em thấy may mắn bởi so với năm ngoái, đề thi năm nay sáng tạo hơn và có nhiều bài tập với nhiều dạng khác nhau. Nhiều bài gắn với các đề tài “nóng” của xã hội nên khi làm bài đòi hỏi thí sinh ngoài các kiến thức cơ bản phải nắm thêm được các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Với đề thi này, em nghĩ không chỉ học sinh của Nghệ An mà nhiều học sinh ở đội tuyển khác sẽ khá bất ngờ.

Tuy nhiên, em thích kiểu đề thế này như ở câu hỏi về đề luận về “sự hòa nhập nhưng không hòa tan của văn hóa” và yêu cầu thí sinh “bày tỏ suy nghĩ của mình việc có nên học nhiều ngôn ngữ khác nhau hay chỉ nên học tiếng mẹ đẻ của mình để không bị mất bản sắc dân tộc”. Đây là một câu hỏi rất ấn tượng bởi mình có thể trả lời từ nhiều khía cạnh khác nhau. Bản thân em, trong bài viết của mình cũng nói rằng: “Bất kỳ học sinh nào, bất kỳ học sinh học ngôn ngữ nào cũng cần được động viên và thúc đẩy để học nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bởi ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu của văn hóa và nếu học thêm một ngôn ngữ thì mình sẽ hiểu thêm về một Quốc gia. Tuy nhiên, mình cũng phải giữ vững tiếng mẹ đẻ và những bản sắc văn hóa của dân tộc mình để không bị hòa tan...”.

Năm nay, ở phần thi nghe cũng có nhiều đổi mới và buộc học sinh phải nghe thông thạo các bản tin. Sau cuộc thi này, em cũng đã thay đổi nhiều vì trước đó ngày nào em cũng tập nghe bản tin và xem đó là một hình thức để giải trí và từ một người nghe khá kém em đã bắt được nhiều âm mới trong từ, kể cả những từ mới mình không biết và làm bài thi khá tốt.

P.V: Tôi được biết ngoài Tiếng Anh, em còn nói khá tốt Tiếng Nga và từng là học sinh chuyên Nga khi còn học THCS. Và em không phải là học sinh có đầu vào tốt nhất ở lớp chuyên Anh. Nhờ đâu mà một cô bé chuyên Nga lại có sự bứt phá xuất sắc như vậy?

Nguyễn Thị Phương Hoa: Đúng vậy, ngay từ đầu em không phải là một học sinh giỏi và chỉ đậu vào lớp nguyện vọng 2 của Trường THCS Đặng Thai Mai khi thi vào lớp 6, lớp chuyên Nga - Anh. Khi vào đội tuyển học sinh giỏi tỉnh lớp 9, em cũng chỉ đạt giải Ba và thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu kết quả của em cũng khá bình thường.

Tuy nhiên, dù khởi điểm không tốt nhưng em luôn có một phương châm là không bao giờ được chủ quan và ngủ quên trên chiến thắng của mình. Vì thế mỗi lần đặt ra một mục tiêu và chinh phục được nó em lại tự nhủ mình cần phải nhìn lên và không chỉ ở Nghệ An mà có nhiều bạn học khác ở trên cả nước giỏi hơn mình và mình phải không ngừng cố gắng. Ngoài học ở trường thì vào các dịp hè em thường tham gia các hội thảo hoặc tham dự các trại hè để được gặp nhiều bạn bè ở các tỉnh khác để hiểu hơn về cách học Tiếng Anh... Riêng để đạt mục tiêu “lọt” vào đội tuyển Quốc gia của trường em cũng đã phải tốn khá nhiều công sức, nhất là ở năm học trước khi “chỉ tiêu” dành cho học sinh lớp 11 chỉ có 50%.

Thường thì em sẽ gặp trực tiếp cô giáo để trao đổi về điểm yếu của mình và tìm cách khắc phục thì em sẽ thường xuyên lên mạng và các diễn đàn Tiếng Anh để tìm kiếm tư liệu và tự học. Từ hè lớp 10 lên lớp 11, em cũng đã tự làm các đề thi Quốc gia thật để biết được độ khó của đề và luyện sách với mức độ khó tương đương. Em nghĩ rằng cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia không giống như những cuộc thi Tiếng Anh bình thường, bởi em không chỉ phải làm đúng các bài tập và còn phải phát triển được các kỹ năng khác. Vì thế, cuộc thi là một sân chơi để mình biết được mức độ Tiếng Anh của mình với các bạn học sinh khác.

“Hãy học Tiếng Anh một cách đơn giản nhất, như một phần trong cuộc sống hàng ngày”

P.V: Không chỉ giải Nhất Quốc gia, Phương Hoa cũng là một học sinh rất có “duyên” khi đã từng giành được những học bổng ở các cuộc thi viết luận và còn là một chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh của trường. Em có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình khi tham gia những “sân chơi” thú vị này!

Nguyễn Thị Phương Hoa: Năm lớp 10 em đã đạt giải Nhất về cuộc thi viết luận và hè năm lớp 11 em đã đạt học bổng toàn phần trong chương trình trại hè do học sinh của Trường Đại học Havard được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Được tham gia những chương trình này là cơ hội để em được gặp các anh chị và các bạn cùng đam mê và cùng sở thích với mình để trò chuyện với họ, giúp mình nâng cao khả năng Tiếng Anh và để mình biết được con đường sau này của mình là gì.

Em cũng thấy rằng, mỗi một lần tìm kiếm học bổng cho các chương trình em đã trưởng thành rất nhiều, dù rằng không phải lần nào cũng thành công. Sau mỗi lần thất bại em thường suy nghĩ rất nghiêm túc về những nguyên nhân và chính điều đó cho em nhiều kinh nghiệm sau này.

Quan trọng hơn là sau mỗi cuộc thi em hiểu hơn bản thân mình muốn trở thành con người như thế nào. Như thời điểm này, khi tham gia phỏng vấn với các trường em thường gặp được câu hỏi điều gì khiến em đặc biệt và em có thể trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ.

P.V: Được biết Phương Hoa đã trang bị cho mình một hành trang khá dày trước khi bước vào giảng đường đại học như ELTS 8.0, SAT 1450 và em đã nhận được thư mời của 4 trường đại học như Jacobs University Bremen của nước Đức, Drexel University, Hollins University và Allegheny College của nước Mỹ. Em đã hài lòng với kết quả này chưa hay đang còn tìm kiếm những cơ hội khác?

Nguyễn Thị Phương Hoa: Từ nay đến khi kết thúc năm học thời gian khá còn dài và em vẫn đang tiếp tục chờ thêm các thư mời của các trường đại học khác để tìm kiếm một ngôi trường thích hợp cho mình và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Có thể là một trường có mức học bổng cao hơn so với những trường đã thông báo trúng tuyển.

Bản thân em em rất thích học các khóa học về truyền thông và em muốn chọn một ngôi trường phù hợp sau khi tham khảo các khóa học trên mạng. Điều em cần làm bây giờ đó là phải tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ xin học bổng và em nghĩ rằng ngoài thư giới thiệu, điểm tổng kết thì cái khó nhất chính là hồ sơ hoạt động ngoại khóa và bài luận cá nhân. Em hy vọng những kinh nghiệm trong thời gian em làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh, tham gia các hoạt động ngoại khóa và một bài luận được chuẩn bị khá công phu trong nhiều tháng thì em sẽ có thêm nhiều cơ hội khác may mắn hơn.

P.V: Những kết quả mà Phương Hoa đạt được thực sự là đáng khâm phục. Tôi cũng nghĩ rằng, rất nhiều phụ huynh muốn Hoa chia sẻ về bí quyết học Tiếng Anh của mình?

Nguyễn Thị Phương Hoa: Từ nhỏ em đã được bố mẹ cho đi học ở các trung tâm Tiếng Anh và bên cạnh giao tiếp em vẫn phải học ngữ pháp và các phần từ vựng khác. Việc định hướng này xuất phát từ chính bố mẹ của em vì cả hai cho rằng nếu chỉ học giao tiếp thì mình không thể truyền đạt hết suy nghĩ và quan điểm của mình và mình phải kết hợp cả hai yếu tố. Về sau, ngoài học Tiếng Anh ở trường em không học thêm nhiều. Điều này hơi lạ nhưng em chủ yếu dành thời gian để tự học nhiều hơn bằng các khóa học Tiếng Anh online trên mạng, học nhóm với các bạn để phát triển kỹ năng nói...

Em cũng thường gặp rất nhiều câu hỏi như phải làm hết bao nhiêu quyển sách mới giỏi Tiếng Anh và làm thế nào để đậu trường Phan. Em nghĩ rằng, điều này tùy thuộc vào mỗi người và mong mọi người hãy học Tiếng Anh như một phần trong cuộc sống hàng ngày.

P.V: Cảm ơn Phương Hoa và chúc em sẽ có nhiều thành công hơn trong chặng đường sắp tới!

Theo Ảnh: Đức Anh </br>Kỹ thuật: Thành Cường
Copy Link

Mới nhất

x
Giải Nhất Tiếng Anh quốc gia: Chưa hài lòng dù đã có thư mời của 4 trường đại học nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO