Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đối thoại với 200 cán bộ, giáo viên vùng cao

Mỹ Hà 25/10/2019 13:00

(Baonghean.vn) - Hơn 200 cán bộ, giáo viên 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong đã lần đầu tiên tham gia buổi đối thoại với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn đã được các giáo viên phản ánh.

Sáng 25/10, tại huyện Quế Phong, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An với cán bộ, nhà giáo, người lao động trên địa bàn 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Cùng dự buổi đối thoại có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Nhiều bất cập trong bố trí cán bộ giáo viên

Hội nghị lần này đã thu húthơn 200 đại biểu là đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo; công đoàn, giáo viên, cán bộ công nhân viên của các trường học trên địa bàn 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị đối thoại với người lao động được ngành giáo dục tổ chức. Ảnh: Mỹ Hà
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Tại cuộc đối thoại, với tinh thần thẳng thắn, rất nhiều ý kiến đã được đại diện các đơn vị đưa ra, trong đó tập trung nhiều vào công tác cán bộ, giáo viên và những bất cập trong bố trí cán bộ giáo viên, nhân viên biệt phái ở các Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, các ý kiến cho rằng: Hiện nay, các trường tiểu học ở các huyện miền núi đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Theo hướng dẫn của UBND tỉnh, đối với các trường thuộc vùng khó, tỉnh sẽ bố trí đủ giáo viên tối thiểu là 1,5 giáo viên/lớp nhưng trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên lại diễn ra khá trầm trọng.

Chẳng hạn, như ở Quế Phong, hiện giáo viên tiểu học chỉ mới được bố trí 1,34 giáo viên/lớp (kể cả tổng phụ trách đội), khiến cho việc tổ chức dạy học gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo quy định, các huyện vùng khó lại không được thu tiền học thêm, dạy thêm nên giáo viên dạy thêm phải chịu nhiều thiệt thòi vì các trường không có kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Thông Thụ 2 - Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Thông Thụ 2 - Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Hay như với giáo viên biệt phái, hiện hầu hết các phòng giáo dục đều đang thiếu cán bộ, nhân viên. Thế nhưng việc điều động giáo viên biệt phái gặp nhiều khó khăn vì cơ chế, chính sách chưa hợp lý. Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - ông Lê Văn Giáp cũng cho rằng: Những bất cập hiện nay cần phải tháo gỡ kịp thời bởi qua các đợt thanh tra, kiểm toán, các văn bản mâu thuẫn nhau. Cán bộ biệt phái đều là những người có năng lực nhưng khi điều động về phòng các chế độ phụ cấp bị cắt giảm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên. Về phía huyện sẽ khó khăn trong việc điều động giáo viên về phòng.

Một vấn đề khác được nhiều giáo viên quan tâm, đó là việc điều động, thuyên chuyển giáo viên đầu năm học. Nhiều giáo viên cho rằng, hầu như năm nào các huyện cũng thuyên chuyển giáo viên giữa các trường gây bất an cho giáo viên. Vì thế, ngành giáo dục cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để đưa ra các tiêu chí khi điều động, luân chuyển và để đảm bảo công bằng cho giáo viên.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong nêu ý kiến tại hội nghị về vấn đề thiếu giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Hội nghị cũng đã có 33 ý kiến góp ý bằng văn bản và hơn 20 kiến nghị trực tiếp khác đã được đưa ra tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính đó là công tác tổ chức bộ máy, công tác sắp xếp, tinh giản biên chế; công tác tài chính, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ nhà giáo người lao động; việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; công tác thi đua khen thưởng và các vấn đề về xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, công tác kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia; công tác quản lý, đánh giá trong chấm sáng kiến kinh nghiệm...

Tránh tình trạng các trường ngồi tự khen nhau

Đây là lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, so với các vùng khác, giáo dục miền núi Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong khi ở miền xuôi, ngành lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực phát triển thì các huyện miền núi, nhiệm vụ trước mắt là lấy hiệu quả làm động lực phát triển giáo dục.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Để chuyển biến toàn ngành thì việc dạy và học cần phải thực chất, không chạy theo bệnh thành tích. Điều đó cũng có nghĩa là “các trường không tự khen nhau, thông qua kết quả ở một số kỳ thi học sinh giỏi” mà phải được thể hiện qua chất lượng giáo dục toàn diện. Từ thực tế này, thông qua hội nghị, lãnh đạo Sở mong muốn lắng nghe những ý kiến thẳng thắn ở cơ sở. Để từ đó, ngành sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng những chính sách giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở được thuận lợi và hiệu quả hơn.


Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.

Đối với việc bố trí giáo viên, hiện toàn tỉnh đang thiếu hơn 4.000 giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non. Do đó, hiện nay, quan điểm của ngành là không tinh giản giáo viên đang dạy học ở các nhà trường. Song song với đó, ngành cũng đang tham mưu với tỉnh và Sở Nội vụ để năm 2020 bố trí thêm khoảng 1.400 giáo viên tiểu học để đảm bảo đủ dạy học 2 buổi/ngày và không phải thu thêm tiền của học sinh, phụ huynh.

Về vấn đề thu chi đầu năm học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, hiện nay công tác này đang nhiều bất cập và có nhiều trường thực hiện chưa đúng, còn lạm thu.

Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở sẽ trực tiếp làm việc với các phòng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh để quán triệt lại vấn đề này; và từ năm học tới yêu cầu các trường phải sớm trình kế hoạch kêu gọi vận động tài trợ, không tổ chức thu cào bằng.

Về đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, Sở cũng sẽ có trách nhiệm để lên kế hoạch, trong đó ưu tiên các trường vùng khó và các trường đang xây dựng trường chuẩn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn như hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã đánh giá cao việc tổ chức hội nghị đối thoại của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây là một xu thế tất yếu nhằm giúp người lao động được bày tỏ các ý kiến và để sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh, cũng xem đây cũng là một kênh quan trọng để lắng nghe các ý kiến từ cơ sở và cam kết sẽ cùng đồng hành, phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo để bảo vệ quyền lợi người lao động và có những hỗ trợ tích cực về đời sống vật chất tinh thần; quyền, lợi ích hợp pháp theo đúng các quy định của pháp luật.

Dự kiến, sau hội nghị với cán bộ, giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với học sinh của tỉnh nhà.

Mới nhất
x
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đối thoại với 200 cán bộ, giáo viên vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO