Giữ chắc vùng xanh, đảm bảo an sinh, tạo ổn định để phát triển

Thanh Sơn - Thành Cường 26/09/2021 07:49

(Baonghean.vn) - Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Con Cuông và dự báo tác động tiêu cực sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Huyện đã và đang cố gắng thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an sinh, tạo sự ổn định để phát triển. Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trao đổi cùng Báo Nghệ An.

PV: Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp theo hướng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân nói chung. Ở một huyện miền núi như Con Cuông, dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng như thế nào đến tình hình an sinh xã hội?

Ông Lương Đình Việt: Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động trong đời sống của người dân ở huyện. Cụ thể, khi dịch bệnh xảy ra việc sản xuất đã vốn khó thì nay ngay cả khâu tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp cũng có những khó khăn không kém.

Ví dụ như các sản phẩm đặc trưng ở huyện như bí, chè, cam... đã không bán, tiêu thụ được. Khi mà việc vận chuyển các sản phẩm này ra khỏi địa bàn tới thị trường là rất ngặt nghèo bởi nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp, tư thương không thể tìm về Con Cuông để thu mua nông sản và có thu mua được cũng khó đưa các sản phẩm này đi tiêu thụ, chế biến. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chưa có nhà máy chế biến các loại sản phẩm này; không có doanh nghiệp, tư thương thu mua lớn. Các sản phẩm làm ra đều ở dạng nguyên liệu thô. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm bà con làm ra chỉ bán được giá rất thấp... Tương tự, trong phát triển du lịch cũng vậy, đại dịch Covid-19 đã làm “đóng băng” hoạt động này.

Bí xanh là một đặc sản của Con Cuông. Ảnh: PV

Tác động của đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp lên những người dân ở vùng sâu, vùng xa tại huyện miền núi - là những người yếu thế trong xã hội. Họ vốn đã khó khăn về mặt sinh hoạt, đi lại, nơi ở, được chăm sóc y tế, nguồn vốn sản xuất, phương thức sản xuất, điều kiện cập nhật thông tin và kiến thức... Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì Con Cuông có thể tập trung đầu tư giúp đỡ họ. Nay các nguồn lực phải ưu tiên cho công tác chống dịch thì những người yếu thế không còn nhận được sự hỗ trợ như trước.

Trên địa bàn huyện, đã có rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Con Cuông đã thực hiện thống kê, làm hồ sơ để các đối tượng này được nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng các đối tượng như tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ lại rất khó nhận được sự hỗ trợ bởi theo quy định thì các đối tượng này cần phải có hợp đồng lao động, bảo hiểm..., trong khi hầu hết họ đều là lao động giản đơn, không hợp đồng, bảo hiểm nên khó có thể chứng minh thu nhập, thiệt hại để được chi trả.

Con Cuông chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Ảnh: PV
PV: Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư này, ở nhiều địa phương của Nghệ An ghi nhận hiện tượng các lao động hồi hương. Việc lao động hồi hương có tạo nên những áp lực cho huyện Con Cuông hay không?

Ông Lương Đình Việt: Dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam bùng phát, có trên 3.000 lao động của địa phương đi làm ăn ở tỉnh này đã trở về quê hương. Phải nói rằng, áp lực dồn lên Con Cuông là rất lớn, từ việc những lao động này rất có thể mang theo dịch bệnh về tới quê nhà, cho đến áp lực giải quyết việc làm, áp lực về đời sống dân sinh, đời sống văn hóa, cho đến an ninh trật tự.

Để giải tỏa áp lực, huyện Con Cuông đã thành lập chốt kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 để hỗ trợ công dân trở về; tăng cường công tác giám sát, thống kê, quản lý, phân nhóm các lao động đi từ các vùng có dịch trở về địa phương để cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định. Tiếp đó, huyện đã tìm cách ổn định đời sống cho các lao động này bằng cách hỗ trợ họ phát triển sinh kế bằng các ngành nghề truyền thống địa phương là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Đây là giải pháp trước mắt, mang tính cầm cự.

Huyện Con Cuông bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường người về từ vùng dịch. Ảnh: PV

Nhận định tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, rất khó để các lao động hồi hương sớm quay trở lại nơi làm ăn cũ nên Con Cuông đã giao cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch dài hơi nhằm giúp đỡ các lao động này có việc làm ngay chính trên địa bàn huyện nhà. Trong đó, điều kiện tiên quyết là gắn kết được với các doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp cho địa phương giải quyết việc làm cũng như đầu ra các sản phẩm, từng bước ổn định được đời sống cho người lao động về trên địa bàn. Đây chính là điều kiện lý tưởng nhất, bởi các lao động trở về này vốn đã quen với phương thức, tư duy sản xuất ở các khu công nghiệp, nhà máy. Song phải nói rằng điều này là rất khó khi các doanh nghiệp chưa mặn mà về đầu tư tại địa phương.

PV: Những năm qua, Con Cuông đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gần như “đóng băng” hầu hết các hoạt động du lịch. Để có thể duy trì lĩnh vực du lịch, địa phương đã thực hiện giải pháp nào?

Ông Lương Đình Việt: Những năm gần đây, du lịch Con Cuông vừa mới chỉ được hình thành và có sự khởi sắc bước đầu. Dẫu hiệu quả kinh tế còn khiêm tốn song đã tạo nên một hướng đi mới. Điều không may đã đến, dịch Covid-19 đã làm cho du lịch Con Cuông chùng xuống. Do việc hạn chế đi lại, lượng du khách về địa phương đã giảm sút nghiêm trọng.

Gây dựng nên trào lưu phát triển đã vốn khó, duy trì được hoạt động du lịch đã là bài toán khó đặt ra cho Con Cuông! Để giải bài toán này, Con Cuông đã cố gắng kiểm soát, khống chế dịch trên địa bàn; chung tay, góp sức để khống chế dịch trong tỉnh. Khi mà dịch lắng xuống, các biện pháp giãn cách, cách ly không còn áp dụng thì mới có du khách về.

Thứ đến, Con Cuông vẫn cố gắng duy trì các dịch vụ, cơ sở, hoạt động du lịch ở quy mô nhỏ. Các cán bộ chuyên trách lĩnh vực du lịch phải thường xuyên khâu nối, động viên các tổ, đội, công ty, nhóm hộ làm du lịch cộng đồng; chỉ đạo xây dựng các gói, sản phẩm mang tính an toàn. Ngoài ra, huyện vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền các điểm đến. Và khi có du khách thì khâu nối, giới thiệu, liên hệ đến các tổ đội, nhóm hộ, công ty... qua sự trợ lực này thì hy vọng “nghề làm du lịch” không bị mai một.

PV: Ngoài câu chuyên riêng về du lịch, thì giữa muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, Con Cuông đã làm gì để đảm bảo sự ổn định trong đời sống kinh tế nói chung?

Ông Lương Đình Việt: Lâu nay, kinh tế ở địa phương vẫn nhìn vào việc sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Đại dịch Covid-19 tạo nên những khó khăn trong khâu tiêu thụ đã nêu. Giải bài toán này, huyện đã có sự kết nối với Sở Công Thương để hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm như cam, chè, mía... khi mà người dân đến giai đoạn thu hoạch. Chính nhờ sự kết nối này mà phần lớn các sản phẩm đã được tiêu thụ, giúp cho huyện giữ được sự ổn định.

Về phía nội tại, huyện Con Cuông cũng đã lên phương án khi mà các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp không thể đưa ra khỏi địa bàn do dịch Covid-19 bất khả kháng. Lúc này, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn phải chung tay ủng hộ tiêu thụ giúp các sản phẩm này... giúp cho người dân có động lực, đồng vốn để tái đầu tư sản xuất trong các vụ tiếp theo.

Tạo nền tảng ổn định lâu dài, Con Cuông cũng đã cố gắng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, ngô; chuyển đổi các loại giống cây trồng; làm tốt công tác thủy lợi... nhằm đảm bảo tốt an ninh lương thực. Chính nhờ sự chăm lo sản xuất, cộng thêm “mưa thuận gió hòa” nên 2 năm qua các vụ sản xuất của huyện đều được mùa, đảm bảo tốt cung ứng lương thực, không để và không có hộ dân thiếu đói.

Và cần phải nhắc lại một điều kiện tiên quyết cho sự ổn định đó là Con Cuông phải tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 thật tốt. Cả hệ thống chính trị, người dân cần phải vào cuộc chung tay chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Mỗi xã, thị phải là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, trong đó, công tác quản lý tốt biến động dân cư là then chốt.

Về lâu dài, Con Cuông được quy hoạch trở thành một thị xã sinh thái du lịch. Vậy nên, để “cất cánh” huyện tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề dịch vụ, sản xuất thân thiện với môi trường như du lịch, chế biến sản phẩm nông, lâm, nghiệp hay may mặc. Trên quan điểm này, huyện cũng đã phân vùng một cách rõ ràng... Song như đã nói thì vẫn chưa có những công ty, doanh nghiệp lớn về với địa phương. Điều này xuất phát từ những khó khăn mang tính đặc thù của địa phương như điều kiện giao thông, khoảng cách vận chuyển hàng hóa, thiếu diện tích mặt bằng lớn và đặc biệt là hạn chế về nguồn nhân lực.

Huyện Con Cuông đang nỗ lực phòng, chống dịch để ổn định tình hình, phát triển kinh tế. Ảnh: PV

Để thay đổi cục diện, tạo tiền đề cho sự phát triển, Con Cuông đang cố gắng thực hiện phân luồng giáo dục sớm; xây dựng yếu tố con người văn minh, hiện đại; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động; thay đổi tập quán, phương thức sản xuất; phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư. Mưa dầm thấm lâu, chắc chắn Con Cuông sẽ có những sự thay đổi, chất lượng nguồn nhân lực nâng cao, giúp cho địa phương vươn lên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Kỹ thuật: Diệp Thanh
Copy Link
Mới nhất
x
Giữ chắc vùng xanh, đảm bảo an sinh, tạo ổn định để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO