Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Cân nhắc tính khả thi của chính sách mới

Phương Thảo 17/10/2018 18:14

(Baonghean.vn) - Chiều 17/10, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều, được xây dựng nhằm đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Thảo
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Thảo

Trên cơ sở phân tích cơ sở khoa học, pháp lý cũng như những bất cập còn tồn tại hiện nay trong ngành Giáo dục, các đại biểu dự hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đi sâu mổ xẻ nhiều khía cạnh khác nhau của dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng cần đặc biệt cân nhắc đến tính khả thi của 2 chính sách mới. Thứ nhất là, chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Thứ hai là chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Các đại biểu cho rằng, cần tính đến nguồn lực bảo đảm trong tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo cũng như điều kiện thực tế tại các trường để xem xét việc áp dụng 2 chính sách trên có hoàn toàn phù hợp hay không.

Tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập tại hội nghị. Ảnh: Phương Thảo
Tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập tại hội nghị. Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, liên quan đến giáo dục đào tạo còn có Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học, do đó Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ nên tập trung đến bậc học phổ thông để tránh trùng lặp. Một số ý kiến khác đồng tình với việc trong dự thảo Luật cần chú trọng hơn tầm quan trọng của giáo dục thể chất đối với học sinh, nhất là ở bậc tiểu học để học sinh có nền tảng phát triển toàn diện.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tích cực đóng góp ý kiến liên quan đến chính sách tiền lương đối với nhà giáo, công tác quản lý nhà nước về giáo dục, việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, dạy thêm, học thêm… Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng nên có sự điều chỉnh, lý giải các thuật ngữ một cách chính xác hơn, đảm bảo tính chuẩn mực của văn bản luật khi ban hành.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những ý kiến góp ý dự thảo Luật của các đại biểu. Ảnh: Phương Thảo
Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những ý kiến góp ý dự thảo Luật của các đại biểu. Ảnh: Phương Thảo.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Mới nhất

x
Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Cân nhắc tính khả thi của chính sách mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO