Hai cô gái xinh đẹp truyền cảm hứng sống với 1 chân còn lại

Hai cô gái xinh đẹp đã vượt qua hoàn cảnh, tự tin trong cuộc sống với một chân còn lại. Đó là Nguyễn Thị Lệ Thu ở Bắc Giang và Bế Thị Băng ở Cao Bằng. Các cô là những người truyền cảm hứng về nghị lực sống cho nhiều người khuyết tật.

Cụt 1 chân, chống nạng đi xin việc

Cho đến bây giờ, nhiều đồng nghiệp của Nguyễn Thị Lệ Thu (Bắc Giang) vẫn còn nhắc lại cái ngày đầu tiên thấy một cô bé cụt chân chống nạng xông thẳng vào phòng ‘sếp’ để phỏng vấn xin việc.

Video Nguyễn Thị Lệ Thu đi xe đạp với 1 chân. Clip vnn

Lúc ấy, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô bé khuyết tật có dáng người nhỏ bé, vừa mới ra trường mà ‘không hiểu sao lấy đâu ra nhiều tự tin thế’.

3 năm làm việc ở đây, bây giờ hình ảnh của Thu trong mắt các đồng nghiệp không còn là một cô bé cụt chân như ấn tượng ban đầu. Nhắc đến tên Thu, mọi người sẽ nghĩ đến một cô kế toán lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng, hay cười hay nói.

Sinh năm 1994, một ngày cuối năm học lớp 5, Nguyễn Thị Lệ Thu gặp nạn. Đó là một ngày mùa đông, bố em đi làm thợ xây ở xa, mẹ đi bẻ ngô ngoài đồng.

Sáng hôm đó, cùng với đám bạn, Thu bế em gái mới 8 tháng tuổi leo lên bãi đất cao để xem người ta xúc đất. Không may, chiếc máy xúc bị lật. Đám bạn nhanh chân nhảy xuống. Lúc đó em ngờ nghệch lắm, không như bọn trẻ 10 tuổi bây giờ. Em chỉ nghĩ đơn giản là mình nhảy xuống thì em mình bị đau. Em chấp nhận đứng nguyên tại chỗ để thà máy đè lên mình để đau thay cho em. ‘Em cũng không nghĩ mình có thể mất mạng vì điều đó’.

Sau 2 tiếng tìm cách giải cứu, em được chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức. Ngày hôm sau tỉnh dậy, em đã thấy chân phải bị cắt cụt lên tới đùi.

Cô gái một chân tốt nghiệp bằng giỏi, tự tin mình đẹp theo cách riêng
Nguyễn Thị Lệ Thu (quê Bắc Giang), sinh năm 1994 đang là kế toán cho một công ty tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo

Câu hỏi đầu tiên của em là ‘chân con đâu?’, nhưng kỳ thực cô bé Thu 10 tuổi lúc ấy chỉ coi việc mất chân giống như mất một món đồ.

Mãi cho đến một ngày, đứa cháu của em hỏi các bác: ‘Dì mất chân rồi có mọc lại được nữa không’. Các bác bảo: ‘Chân mất rồi thì không mọc lại được nữa’. Nghe thấy vậy, em trùm chăn òa khóc. Lúc ấy, em bắt đầu nhìn thẳng vào sự thật.

Hai cô gái xinh đẹp truyền cảm hứng sống với 1 chân còn lại ảnh 2
Mất một chân nhưng Thu vẫn sống, làm việc và tham gia mọi hoạt động như những người bình thường khác. Ảnh: NVCC

Thời gian đầu, em phải bò lê vì chân trái cứng đơ. Rồi em nghĩ nếu cứ như thế này thì mình sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Em nén đau, tập co duỗi chân mỗi ngày một chút.

Chỉ 1-2 tháng sau, Thu đã đòi đi học. Bố mẹ thay phiên nhau chở em đi học bằng xe đạp. Em lại nghĩ, nếu thế này bố mẹ sẽ phải phục vụ mình suốt đời. Em lại quyết tâm tập đi xe đạp bằng một chân.

Suốt 7 năm học sau đó, em đã tự đi xe đạp một mình đến trường.Thu nhớ, đường đến trường cấp 3 chỉ dài 2 km nhưng có một đoạn dốc. Cứ mỗi lần lên dốc là các bạn lại ríu tay em kéo lên.

Năm 2012, em đỗ vào Đại học ở Hà Nội, chuyên ngành Kế toán. Suốt 4 năm đại học, năm nào em cũng giành được học bổng. Thu cũng là một trong 4 sinh viên có điểm luận văn tốt nghiệp cao nhất khoa và tốt nghiệp bằng giỏi.

Từ năm thứ 2, em vừa học vừa đi làm thêm từ gia sư cho tới marketing online. Đến khi ra trường được 6 tháng, em đã tự mua cho mình chiếc xe máy 3 bánh có giá 24 triệu đồng.

‘Lúc nào em cũng trong trạng thái phải nỗ lực hơn người khác’ – Thu nói.

Thu tâm sự, từng có 2 chàng trai yêu thương em, nhưng cũng vì khiếm khuyết cơ thể mà gia đình bên kia phản đối. Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của bố mẹ em bây giờ.

‘Nhiều khi bố mẹ em cười mà ra nước mắt. Có những lúc mọi người khen ‘con bé xinh xắn, học giỏi thế mà…’.

Bây giờ, bằng thái độ sống tích cực của mình, Thu còn truyền động lực sống cho những người khác cùng cảnh ngộ. Em trò chuyện, làm clip đăng tải trên kênh Youtube riêng. Những video giản dị chia sẻ cách Thu đi xe đạp, giặt quần áo, trồng cây… khiến nhiều người cảm phục.

Điều đặc biệt nhất là Thu luôn làm mọi việc với nụ cười trên môi cho dù cuộc đời không hề mỉm cười với em.

Cô gái một chân tốt nghiệp bằng giỏi, tự tin mình đẹp theo cách riêng
'Em tin mình đẹp theo cách riêng' - Thu nói. Ảnh: NVCC
Cô gái múa với 1 chân

Trong cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết diễn ra tại Hà Nội (4/2019), cô gái Bế Thị Băng (32 tuổi) đã khiến mọi người sững sờ với điệu nhảy quyến rũ, mê hồn ở phần thi tài năng, dù chỉ có một chân. 

Cô gái đặc biệt và đầy nghị lực đó sinh năm 1987 tại Cao Bằng. Nhắc tới bước ngoặt đầy bi kịch của cuộc đời vào năm 2012, chị không ngại chia sẻ và cho đó là thời điểm chị phải lấy hết nghị lực để tiếp tục đứng lên chiến đấu.

Băng nhận giải nhất cuộc thi vầng trăng khuyết
Bế Thị Băng nhận giải Nhất cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.

Còn nhớ năm ấy, Băng mới 24 tuổi, trong một lần đi thăm người bạn bị ốm thì gặp tai nạn giao thông. Chiếc xe container vô tình đâm vào đuôi xe máy, khiến chị ngã xuống đường và bị kéo đi thêm 3m nữa. Cấp cứu tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cô gái trẻ bị đa chấn thương, đứt động mạch chủ và buộc phải tháo khớp háng một bên chân để bảo toàn tính mạng.

Sau một thời gian làm quen với việc mình chỉ có 1 chân, cũng khéo léo hơn trong việc di chuyển bằng chiếc nạng, Băng bắt đầu có ý tưởng sẽ tập múa.

Dần dần chị tập cách xoay người và cũng đã không ít lần bị ngã xuống nền đất, tím cả vai, hông vì chưa giữ được thăng bằng. Không muốn mọi người lo lắng, chị chọn cách tập múa trong nhà vệ sinh để "trốn" mọi người.

Băng trở thành vũ công với 1 chân còn lại.
Băng trở thành vũ công với 1 chân còn lại.

Ban đầu, chị Băng chỉ nghĩ tập múa để rèn luyện cho bên chân còn lại được khỏe mạnh hơn. Chị tự biên đạo, nghĩ ra những động tác phù hợp với mình. Dần dần, nhảy múa trở thành một niềm đam mê, là phương tiện để người con gái có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài múa, chị Băng còn tập luyện thêm các bộ môn thể thao khác như võ, ném đĩa, lặn, bơi, nhảy dây, đi xe đạp,... để rèn luyện sức khỏe.

Thời điểm cuối năm, cô gái sinh năm 1987 thường xuyên có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, tham gia biểu diễn nhằm gây quỹ cho các bệnh nhân mổ tim. Trước đó, chị Băng cũng đã biểu diễn nhiều chương trình thiện nguyện khác như Tiếp sức đến trường hay Trái tim cho em.

Băng tự tin xuất hiện tại Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội
Băng tự tin xuất hiện tại Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội

Công việc chính hiện nay của chị Băng là làm kinh doanh. Ngoài ra, chị cũng lập một kênh YouTube riêng, chuyên đăng tải các video truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là những người có khiếm khuyết hay gặp vấn đề khó khăn. Số tiền thu được từ kênh này, chị Băng dùng toàn bộ để làm từ thiện.

Hiện chị Băng đã có chồng là người Đức.

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.