Những trường hợp quan hệ cùng huyết thống như thế nào thì cấu thành tội loạn luân?

PL 15/11/2023 10:11

(Baonghean.vn) - Có phải trong tất cả các trường hợp quan hệ cùng huyết thống thì đều cấu thành tội loạn luân hay không? Mức hình phạt của tội loạn luân là bao nhiêu năm tù?. Vấn đề quan tâm của ông Lang Văn Ng. (Quế Phong, Nghệ An)

Trả lời: Hành vi loạn luân được xem là hành vi phạm tội ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội, xâm phạm đến quan hệ gia đình, truyền thống, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vậy nên, khách thể của tội loạn luân là sự phát triển lành mạnh của giống nòi và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Đã có rất nhiều những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, việc giao cấu cận huyết có khả năng dẫn đến nguy cơ sinh ra những đứa trẻ không khỏe mạnh, chậm phát triển, mang dị tật bẩm sinh rất cao… Bên cạnh đó, việc giao cấu cận huyết làm phá vỡ tôn ti trật tự, thuần phong, mỹ tục tại Việt Nam, tạo nên sự chồng chéo phức tạp giữa các mối quan hệ, gây nên tổn hại về thanh danh của cả gia đình, dòng họ.

Căn cứ vào Điều 184, Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2017 quy định:

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Về mặt khách quan của tội loạn luân là hành vi “biết rõ” người giao cấu với mình có cùng dòng máu trực hệ. Như vậy, tội loạn luân chỉ có thể xuất hiện và cấu thành khi cả 2 người tham gia giao cấu đều là tự nguyện và biết rõ người tham gia giao cấu là người cận huyết thống với mình.

Đồng thời, chỉ khi hành vi giao cấu xuất hiện thì mới cấu thành tội loạn luân. Mọi trường hợp khác như sống chung như vợ chồng, kết hôn,… mà không xuất hiện hành vi giao cấu thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân hay các loại tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân mà chỉ bị xử phạt hành chính.

Về mặt chủ quan của tội loạn luân là cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Nếu vô ý thực hiện hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì không cấu thành tội loạn luân vì người giao cấu không biết, “không biết rõ” người giao cấu với mình là người có cùng dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Chủ thể của tội loạn luân là những người có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau. Hành vi nói trên được thực hiện giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa cha mẹ kế với con riêng, giữa cha mẹ với con dâu hoặc rể tuy cũng bị xã hội coi là hành vi “loạn luân” và bị pháp luật về hôn nhân và gia đình cấm nhưng không phải là loạn luân với tư cách là tội phạm (không cấu thành tội loạn luân) và chủ thể có thể bị xử phạt hành chính chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, không phải mọi trường hợp khi giao cấu, quan hệ tình dục với người cùng huyết thống thì sẽ cấu thành tội loạn luân. Tùy vào từng trường hợp cụ thể để xác định tội danh cụ thể. Tuy nhiên, khi xác định tội danh loạn luân là khi thực hiện hành vi giao cấu thì hai bên phải tự nguyện. Đồng thời, một trong hai hoặc cả hai đều phải biết rõ đối phương là người có cùng dòng máu trực hệ với mình, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Mức hình phạt của tội loạn luân là từ 01 năm đến 05 năm tù.

Mới nhất

x
Những trường hợp quan hệ cùng huyết thống như thế nào thì cấu thành tội loạn luân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO