Hiệu quả của Nghị quyết khai thác vùng đất bãi ở Nam Đàn

10/07/2016 15:40

(Baonghean.vn) - Thực hiện nghị quyết 09 của Ban thường vụ Huyện ủy Nam Đàn về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả trên vùng đất bãi ven sông Lam sang trồng các loại rau màu làm hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng bí đỏ Đông Anh ở xã Nam Trung cho thu nhập cao bình quân 1 ha ta bà con thu về 120 triệu đồng.
Mô hình trồng bí đỏ Đông Anh ở xã Nam Trung cho thu nhập cao bình quân 1 ha bà con thu về 120 triệu đồng.

Vụ hè thu 2016, đảng ủy xã Nam Tân chủ trương đưa vào sản xuất 3 ha dưa đỏ tập trung ở vùng ven bãi Sông Lam. Theo đó, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm - xóm 4, sản xuất 4 sào, nhờ chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên bước vào thu hoạch năng suất đạt cao, bán được giá. Với 4 sào dưa đỏ, gia đình chị thu về gần 30 triệu đồng lãi ròng. Chị Tâm cho biết: "Gia đình trồng dưa đỏ cũng được vài ba năm. Nói chung trồng dưa đỏ thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, thu nhập 6-7 triệu đồng/ sào.”

Không chỉ có Nam Tân mà các địa phương có diện tích đất bãi lớn như: Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc, Hồng Long, Xuân Lâm và các xã vùng 5 Nam, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng đất bãi phát triển mạnh, nhờ đó đã hình thành những khu vực chuyên canh hàng hóa, từng bước hình thành thị trường hàng hóa tại chỗ như các mô hình lạc xuân, dưa đèo hè thu, ngô và rau màu vụ đông. Tiểu biểu như mô hình trồng dưa hấu, khoai tây, cà rốt trên vùng đất bãi xã Nam Tân, mô hình trồng bí đỏ Đông Anh ở xã Nam Trung, ớt cay Khánh Sơn, Nam Cường...

Bí đỏ trồng trên vùng đất bãi cho hiệu quả cao
Bí đỏ trồng trên vùng đất bãi cho hiệu quả cao

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sản xuất, khai thác tiềm năng vùng đất bãi trên địa bàn còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư; chất lượng, khối lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm tổ chức chưa tốt làm giảm hiệu quả sản xuất. Sự kết hợp giữa người sản xuất và nhà phân phối, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Vì vậy, để nghị quyết tiếp tục có hiệu quả cao hơn trong thực tiễn thì rất cần sự đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, hàng hóa tập trung với quy mô lớn; những vùng có điều kiện về thị trường, kinh nghiệm sản xuất cần đầu tư phát triển trồng các cây có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.


Hồng Sương

Đài Nam Đàn.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả của Nghị quyết khai thác vùng đất bãi ở Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO