Suốt một thời gian dài, tôi lao đầu vào làm việc như thiêu thân, chẳng nghĩ gì cho bản thân, chẳng để ý, chăm sóc chính mình. Cả khi phát hiện ra những bất thường của cơ thể, tôi cũng chần chừ không đi khám ngay. Đến khi đi kiểm tra thì đã mắc ung thư vú.
Rút kinh nghiệm từ bản thân mình ra, tôi khẳng định, phụ nữ là phải biết yêu thương, chăm sóc bản thân, đừng có mải mê làm việc, kiếm tiền mà quên chăm sóc sức khoẻ. Và khi đã phát hiện ra bệnh thì hãy mạnh mẽ đối diện với nó, lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
Tôi vẫn nhớ y nguyên cảm xúc ngày hôm đó. Sau khi nghe thông tin mình bị ung thư, toàn thân tôi như luội đi, tai lùng bùng, chân bủn rủn… Hàng ngàn câu hỏi trong đầu tôi: Tại sao lại là tôi? Tại sao một người có lối sống lành mạnh, ăn uống cẩn thận như tôi lại mắc ung thư vú? Tôi đã làm sai điều gì?... Sau khi bình tĩnh đối diện với sự thật, tôi quyết định mình phải chiến đấu và chiến thắng căn bệnh này.
Ở Khoa Ngoại vú thỉnh thoảng vẫn thấy những gương mặt buồn, nhưng khi chuyển sang Nội 4 rồi thì sẽ chỉ thấy những nụ cười thôi, người ngoài không biết còn tưởng ở đó toàn người khoẻ mạnh. Chúng tôi tranh thủ nói chuyện với nhau mọi lúc và nhìn mọi việc bằng con mắt hài hước. Chúng tôi không thể quyết định cuộc đời và số mệnh của mình, nhưng chúng tôi có thể chọn thái độ để sống.
12 năm làm việc tại khoa, tôi chứng kiến rất nhiều sự tuyệt vọng của bệnh nhân. Với họ, ung thư là một án tử ngay trước mắt, nhiều người rụng rời, nhiều người từ chối điều trị, nhiều người không chấp nhận sự thật, vật vã, đau khổ, đòi chết… Nhưng sau khi được “điều trị tâm lý”, họ trở thành những chiến binh thật sự, khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tôi cũng đã lập 1 nhóm Zalo có tên "Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú xứ Nghệ" để mọi người cùng nhau lan toả những năng lượng tích cực, duy trì sự lạc quan cho mọi người.
Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi có một bệnh nhân đặc biệt - cụ bà 82 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà bảo rằng, bà quyết tâm điều trị không phải vì muốn sống cho lâu. Mà vì 2 cô con gái. Bà hy vọng nếu chẳng may các con của bà cũng bị giống như bà thì sẽ noi theo bà mà lạc quan, chiến đấu. Chia sẻ này khiến tôi rất xúc động, và tôi đã kể lại nó cho rất nhiều bệnh nhân khác.
Mọi người thường nghĩ ở một nơi toàn bệnh hiểm nghèo, nhiều đau đớn như thế này thì mọi người sẽ ủ rũ, âu sầu lắm. Nhưng không, ở đây chúng tôi vui lắm, được các y, bác sĩ, điều dưỡng động viên, chăm sóc, chị em lại luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau, có cái bánh, miếng nước, chút hoa quả cũng san sẻ cho nhau.
Thứ 5 hàng tuần, bệnh nhân toàn khoa còn có sinh hoạt chung với nhiều trò chơi, cùng tập thể dụng, cùng chia sẻ, vui lắm. Chúng tôi tìm thấy ở nhau sự đồng cảm và tin tưởng, tiếp cho nhau nguồn năng lượng tích cực, lạc quan để sống trọn vẹn mỗi ngày. Tôi biết ơn và học hỏi được rất nhiều từ thái độ sống của các chị, các mẹ.
Chỉ mới đây thôi, tôi gặp một trường hợp ngay trong phòng bệnh của mình. Người mẹ đau buồn khi biết mình ung thư, những người con lại e ngại vì cho rằng điều trị hoá chất khiến mẹ sẽ đau đớn, phải cách ly, không được ở gần mọi người, thế là cả nhà từ chối điều trị. Không biết phải khuyên họ thế nào, tôi đã dùng chính câu chuyện, trải nghiệm của chính mình ra để trấn an, thuyết phục họ đừng bỏ cuộc. Sau khi trò chuyện, người mẹ đã quyết định không về nữa và ở lại viện, chiến đấu với căn bệnh. Mong rằng những chị em không may bị bệnh có thể bình tĩnh đón nhận và vượt qua nó bằng sự lạc quan.
Với bệnh nhân ung thư, tinh thần lạc quan, vui vẻ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức khoẻ thể chất và quá trình phục hồi. Điều đáng mừng là tại Khoa Ngoại vú - Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, sau khi được tư vấn, các mẹ, các chị đều hiểu rõ tầm quan trọng của tinh thần và chọn thái độ sống lạc quan, tin tưởng, cùng nhau đồng hành, kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Thông qua những câu chuyện của các mẹ, các chị, tôi cũng mong rằng phụ nữ nên quan tâm, chăm sóc đến bản thân nhiều hơn, hướng đến lối sống lành mạnh. Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ sẽ giúp chúng ta phát hiện bệnh sớm và dễ dàng điều trị khỏi.