Hội thảo khoa học 'Thân thế và sự nghiệp của Quản Thông và Quản Thụ'
(Baonghean.vn) - Ngày 15/12, UBND huyện Quế Phong phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức Hội thảo Khoa học “Thân thế, sự nghiệp của các ông Quản Thông và Quản Thụ”.
Hội thảo được tổ chức nhằm công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của Quản Thông và Quản Thụ. Thông qua hội thảo này, các đại biểu đồng nhất ý kiến dòng họ Lang Văn chủ yếu cư trú ở Tiền Phong, Cắm Muộn và Quang Phong (Cắm Muộn cũ) Mường Nọc, Thông Thụ và Đồng Văn thuộc Quế Phong.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Kế Kiên |
Ở Thông Thụ, dòng họ Lang là một dòng họ lớn, đã sinh sống ở đây từ lâu đời. Họ Lang và họ Lo, Lô vốn là cùng một nguồn gốc, trong đó họ Lang là anh còn họ Lô là em. Dòng họ Lang có nhiều đóng góp cho đất nước. Trong đó điển hình là hai ông Lang Văn Thông (Quản Thông) sinh năm 1840 và Lang Văn Thụ (Quản Thụ) sinh năm 1845, quê quán ở xã Kiêm Diêm, tổng Quang Luyện, huyện Quế Phong, phủ Quỳ Châu, nay là xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; đặc biệt với những công lao về những cuộc đánh dẹp giặc Xá bảo vệ quê hương cũng như tham gia vào phong trào Cần Vương đánh Pháp bảo vệ tổ quốc.
Nửa sau thế kỷ 19, các nước tư bản phương Tây đã gần như bình định hết các quốc gia ở Á Đông và đặt ách thống trị nô dịch lên toàn cõi. Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng không nằm ngoài số phận chung đó. Chỉ có Xiêm La (Thái Lan) may mắn thoát được số phận thuộc địa bởi nằm ở vùng đệm giữa Anh và Pháp. Chính vì vậy người Thái nhân cơ hội đó thường hay đem quân xâm lấn và gây sức ép với nước Lào, nhân đó mà người Xá lại tràn sang phía Đông để sống và làm nhiễu loạn biên giới phía Tây nước ta, gây ra nhiều bất ổn về đời sống kinh tế xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị tại địa bàn.
Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Kế Kiên |
Theo chính sử triều Nguyễn là Đại Nam thực lục, thì giặc Xá liên tục gây rối và cướp phá dọc biên giới phía Tây 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa ra tới tận vùng Tây Bắc. Sự kiện này đã phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ vua và triều đình cũng như các quan Tổng đốc đứng đầu tỉnh, cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Hội thảo lần đầu tiên công bố những tư liệu gốc là những Bằng cấp trong đó có nói rõ việc Lang Văn Thụ từng làm việc ở cơ Mộ Dũng tại tỉnh thành, giữ chức Đội trưởng, Quản binh, có công dẹp loạn bọn giặc dã nổi lên tại địa hạt. Những văn bản đó đều là tư liệu thành văn đóng dấu triệu son nên có giá trị xác tín rất cao bởi nó đã được chính quyền phong kiến trung ương hoặc địa phương xác nhận. Những văn bản này đều ghi rõ “An Tĩnh Tổng đốc Đào” cho chúng ta biết được người cấp bằng là quan Tổng đốc An Tĩnh bấy giờ là Đào Tấn.
Cũng theo tư liệu địa phương thì năm 1884 giặc Xá từ Lào tràn xuống cướp phá bản mường, quan Phủ bỏ chạy, các ông cùng với tri huyện Thúy Quế (tức huyện Thúy Vân và Quế Phong) là Sầm Văn Hào mộ binh lính đánh giặc Xá. Tri huyện Sầm Văn Hào phong cho hai ông chức Hiệp quản và Quản cơ để chỉ huy quân lính đánh giặc. Vì thế nên nhân dân gọi hai ông là Quản Thông và Quản Thụ.
Đánh dẹp xong giặc Xá, Quản Thông và Quản Thụ cùng một số tướng lĩnh khác trong phủ tổ chức chống lại thực dân Pháp. Để phong trào đấu tranh mạnh mẽ, hai ông đã liên lạc với các nghĩa quân trong vùng như với Nguyễn Xuân Ôn, với Cầm Bá Thước… Ngoài Quản Thông và Quản Thụ, nghĩa quân ở vùng Thanh Nghệ còn có nhiều vị như Đội Dũng (Trương Văn Dũng) ở Thường Xuân; Đội Hón (Lang Văn Hón) ở Đồng Lạc, Quỳ Châu; Đội Đương ở bản Đinh, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu; Đội Nhiêu (tức Trương Văn Nhiêu) ở Nghĩa Đàn. Đội Thiêm (tức Lang Văn Thiêm) ở Quỳ Hợp; Tương Chân (Lương Văn Chân) ở Tiền Nham (nay là xã Châu Phong huyện Quỳ Châu). Dưới sự chỉ huy của Quản Thông và Quản Thụ, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trong vùng diễn ra mạnh mẽ, gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp.
Nhà nghiên cứu Vi Văn An phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Kế Kiên |
Thực dân Pháp tìm mọi cách để đàn áp phong trào kháng chiến. Với ưu thế lớn về hỏa lực và vũ khí quân đội Pháp đã đàn áp đẫm máu phong trào, đến năm 1900 hai ông bị thực dân Pháp bắt được ở huyện Quế Phong. Bằng mưu trí, ông Lang Văn Thụ đã trốn thoát trên đường áp giải từ Quế Phong về Phủ. Thực dân Pháp rất tức tối, ngay tháng đó, chúng đã đưa ông Lang Văn Thông đi xử tử tại địa điểm xã Nghĩa Bình (ngày nay).
Đến năm 1905, thực dân Pháp bắt được ông Lang Văn Thụ, tháng 11 năm đó chúng đưa ông đến chỗ từng chém anh trai của ông là Lang Văn Thông để hành hình. Sau khi ông Thụ mất, nhân dân đã mai táng ông cạnh mộ của anh trai và lập một cái miếu nhỏ ở đó. Hàng năm vào ngày đầu tháng 11 âm lịch đều tổ chức thắp hương, cúng hai ông.
Hai ông Lang Văn Thông (Quản Thông) và Lang Văn Thụ (Quản Thụ) là những người con ưu tú của vùng đất Phủ Quỳ nói chung và Quế Phong nói riêng. Hai ông là những lãnh đạo xuất sắc, những vị tướng tài ba trên chiến trường chống giặc Xá và giặc Pháp. Dưới sự chỉ huy của hai ông, giặc Xá đã bị đánh tan, bản làng được yên ổn, mọi người được sống yên bình. Trong phong trào chống Pháp, hai ông đã cùng với nghĩa quân gây ra cho thực dân Pháp nhiều thất bại nặng nề. Tuy nhiên do tương quan lực lượng, cuộc đấu tranh do hai ông lãnh đạo đã bị đàn áp, hai ông lần lượt sa vào tay giặc và bị hành hình.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo. Ảnh: Kế Kiên |
Với các công lao to lớn của hai ông, chính quyền cách mạng đã lấy tên của hai ông đặt cho tên xã mới đó là xã Thông Thụ. Đây là sự ghi nhận rất lớn của nhân dân đối với công lao và sự hi sinh của hai ông. Đây cũng là một điều đặc biệt, bởi trên cả nước ta, ít có một đơn vị hành chính nào có được vinh dự và đặc biệt như xã Thông Thụ.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lô Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng việc nghiên cứu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp 2 nhân vật lịch sử Quản Thông, Quản Thụ ngoài ý nghĩa làm sáng rõ hơn những đóng góp của các ông trong phong trào yêu nước những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, bổ sung thêm các dữ liệu khoa học cho mỗi giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Đây sẽ là những dữ liệu lịch sử hết sức quý báu, và là tài liệu quan trọng để các địa phương, nhất là những địa phương nơi 2 ông sinh ra, địa phương mà 2 ông đã từng xây dựng, tập hợp lực lượng đứng lên đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm, thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.