Cánh cửa nào cho học sinh không đậu lớp 10 công lập?

Mỹ Hà 19/07/2023 06:41

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, cánh cửa vào lớp 10 trường công lập đã khép lại đối với hàng nghìn thí sinh, nhưng con đường học tập vẫn mở rộng để các em lựa chọn “đi” tiếp, vừa phù hợp với năng lực, vừa có kiến thức nghề để tìm việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình phổ thông.

Trường ngoài công lập “rộng cửa” đón thí sinh

bna_Ảnh - Mỹ Hà (3).JPG
Các em học sinh làm thủ tục nhập học vào lớp 10 THPT. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh) vừa tiếp tục thông báo tuyển sinh đợt 2 vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Theo đó, học sinh được nhập học vào trường với thủ tục khá đơn giản là chỉ cần tốt nghiệp THCS, xét qua hai hình thức: xét học bạ và xét điểm thi vào lớp 10 với tất cả học sinh không đậu nguyện vọng 1. Năm nay, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ được giao chỉ tiêu 14 lớp với 630 học sinh - tương đương với các trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh. Vì vậy, việc để có một suất học ở đây là không khó.

Hiện nay, chúng tôi đã nhận được khoảng 400 hồ sơ đăng ký, nghĩa là còn hơn 200 chỉ tiêu cho thí sinh có nguyện vọng. Để khuyến khích học sinh, nhà trường có chính sách miễn giảm từ 50 - 100% học phí cho những học sinh có kết quả học tập tốt hoặc học bổng dành cho những em là học sinh giỏi các môn văn hóa.

Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Thiện - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh)

Nói về việc tuyển sinh năm nay, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT (dân lập) Ngô Trí Hòa (Diễn Châu) cho biết: “Đặc thù của các trường dân lập cấp THPT là chất lượng học sinh không cao, đa phần các em đã không thi đậu vào lớp 10. Vì vậy, để phụ huynh, học sinh yên tâm, bên cạnh việc dạy văn hóa, chúng tôi chú trọng giáo dục đạo đức, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trong quá trình học tập, học sinh được tạo điều kiện học ngoại ngữ miễn phí để sau khi các em tốt nghiệp nếu có nhu cầu sẽ có thể đi xuất khẩu lao động”.

Được biết, năm học trước, Trường THPT Ngô Trí Hòa được phân bổ 175 chỉ tiêu học sinh vào lớp 10. Trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thông qua hình thức xét học bạ, nhà trường đã nhận được gần 100 hồ sơ đăng ký nhập học. Số còn lại, nhà trường tiếp tục tuyển sinh sau khi các trường đã hoàn thành việc tuyển sinh nguyện vọng 1.

Cũng trong năm học trước, ở huyện Diễn Châu, do số lượng học sinh tăng nên một số trường ngoài công lập, trong đó có Trường THPT Ngô Trí Hòa, học sinh đăng ký vào trường quá tải. Vì vậy, trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, một số học sinh có lực học hạn chế, được phân luồng từ THCS, phụ huynh đã chủ động đăng ký sớm cho con theo hình thức xét tuyển học bạ. Vì vậy, áp lực tuyển sinh đầu cấp phần nào đã được tháo gỡ.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, theo phân bổ chỉ tiêu của tỉnh, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường công lập chỉ từ 70 - 75%. Số còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập hoặc đi học nghề. Trước đó, trong kế hoạch tuyển sinh năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã phân bổ 5.300 chỉ tiêu với 121 lớp cho các trường ngoài công lập, tiên tiến, Trường TH School Vinh. Đây cũng được xem là giải pháp để giúp những học sinh không đậu vào các trường công lập có cơ hội được tiếp tục theo học lớp 10.

sn100323-8010.jpg
Không đậu lớp 10 công lập các em sẽ còn nhiều cơ hội khác. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Thậm chí có nhiều học sinh, không cần tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng có thể đăng ký và trúng tuyển sớm. Số còn lại, dù trượt nhưng các em có thể đăng ký theo mô hình trường tiên tiến hoặc trường chất lượng cao.

Anh Trần Văn Công - phụ huynh của một học sinh Trường THCS Đội Cung cho biết: Con gái tôi được 20,25 điểm và đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Hà Huy Tập. Tuy nhiên, với điểm chuẩn khá cao như hiện nay, gia đình rất lo lắng. Trong trường hợp không đậu nguyện vọng 1, tôi hy vọng cháu sẽ đậu vào lớp tiên tiến. Mặc dù điều kiện gia đình không dư dả nhưng vẫn cố gắng, vì nguyện vọng của cháu là được vào học ở một môi trường giáo dục chất lượng.

Cơ hội để có văn bằng “kép”

Em Trần Thị Minh Trang hiện đang là học viên của lớp chế biến món ăn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc - Nghệ An. Ba năm trước, Trang không thi đậu vào lớp 10 và đã tính tới việc sẽ đi làm. Tuy nhiên, nhờ có sự tư vấn của thầy cô giáo, em biết đến nghề nấu ăn và quyết định đăng ký vào Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật của huyện. Vào đây, ngoài việc học văn hóa buổi sáng, buổi chiều Trang và các bạn được học nghề. Sau 2 năm học ở trường, Trang đã được đi thực tập, được trả lương và có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Em không ân hận với sự lựa chọn của mình. Hiện nay đang thời gian thực tập nhưng em đã có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Em cũng không phải lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp, vì cơ hội việc làm ở ngoài đang rất lớn.

Em Trần Thị Minh Trang - học viên của lớp chế biến món ăn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc - Nghệ An

Mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa đã được triển khai tại Nghệ An nhiều năm nay, dành cho đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THCS.

bna_Buổi học chế biến nấu ăn của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nghi lộc.jpg
Buổi học chế biến nấu ăn của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc - Nghệ An cho biết: “Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn có quan niệm con em mình phải tốt nghiệp THPT. Nhưng đây không phải là con đường duy nhất để đến với thành công. Thực tế, những học sinh có năng lực hạn chế, các em có thể lựa chọn học nghề. Ở trường chúng tôi trong quá trình theo học, các em được miễn hoàn toàn học phí, vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Ra trường các em không chỉ được giới thiệu việc làm ở trong nước mà còn có cơ hội được ra nước ngoài làm việc”.

Tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật số 1, hiện mỗi năm nhà trường tuyển sinh được gần 500 học sinh, chủ yếu là học sinh diện phân luồng.

bna_Lớp học cắt may thời trang cuẩ Trương Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật số 1.JPG
Lớp học cắt may thời trang của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật số 1. Ảnh: Mỹ Hà

Đa phần học sinh ở trường chúng tôi đến từ các huyện miền núi và ban đầu các em đều không có ý định học văn hóa. Tuy nhiên, sau khi nhập học vào trường, các em được tư vấn và đã tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông. Sau khi học xong các em có thể thi tốt nghiệp lớp 12, vừa có bằng tốt nghiệp, vừa có bằng nghề. Nếu em nào muốn học lên liên thông thì chỉ cần học thêm 1 năm là có bằng cao đẳng. Điều vui mừng là tất cả học sinh khi đang học ở trường đã có doanh nghiệp đến tuyển dụng...”.

Cô giáo Phan Thị Phương - giáo viên khoa May thời trang Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc - Nghệ An

Hiện nay, mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa ở Nghệ An khá phổ biến, học sinh có thể theo học tại các trường nghề hoặc đăng ký qua các trung tâm giáo dục thường xuyên. Một số trường ngoài công lập cũng liên kết với các trường nghề để tổ chức dạy nghề tại chỗ cho học sinh.

bna_Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trung tâm GDTX số 2.JPG
Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trung tâm GDTX số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Với các mô hình này, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học nghề theo 3 hướng. Thứ nhất, vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông với 4 - 6 môn; sau khi có bằng trung cấp nghề và hoàn thành chương trình văn hóa, các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng. Thứ hai, vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông và thi tốt nghiệp chung với học sinh toàn tỉnh; sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh đủ điều kiện thì sẽ học liên thông lên cao đẳng, đại học. Thứ ba, chỉ học trung cấp nghề.

bna_Giờ họck văn hóa của học sinh Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Vinh.JPG
Giờ học văn hóa của học sinh Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Vinh, trước đây việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, mỗi năm Trung tâm có hơn 500 học sinh đăng ký theo học, theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề, tỷ lệ tốt nghiệp THPT (lớp 12) hàng năm của trường đều đạt trên 98%.

Nếu không đậu vào các trường công lập, cơ hội vẫn còn mở ra rất nhiều với các học sinh, môi trường nào nếu các em thực sự cố gắng đều có thể đạt được kết quả tích cực. Riêng với mô hình vừa học văn hóa, vừa học nghề có những ưu điểm riêng bởi các em được học nghề miễn phí, được giảm các môn văn hóa. Sau này kết thúc lớp 12, các em được thi tốt nghiệp, có quyền lợi như tất cả học sinh ở các trường công lập. Hơn nữa, các em có văn bằng “kép” đó là vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng nghề. Điều đó, có thể giúp các em dễ dàng xin việc làm hoặc có thể học nâng cao, vào các trường cao đẳng, đại học nếu các em có nguyện vọng./.

Cô giáo Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Vinh

Mới nhất

x
Cánh cửa nào cho học sinh không đậu lớp 10 công lập?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO