Huyện Thanh Chương cần khẩn trương hướng dẫn các CLB dân ca ví, giặm cấp xã tiếp cận chính sách hỗ trợ

Thanh Nga 03/05/2024 08:10

(Baonghean.vn) - Trong khi hầu hết các câu lạc bộ dân ca cấp xã hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh đều được kiện toàn để tiếp cận với chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND tỉnh thì đến nay một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được tiếp cận.

Như thông tin đã đưa, đến nay, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 29/ 2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Nghị quyết 29) nhưng 4 CLB cấp xã ở huyện Thanh Chương là CLB dân ca ví, giặm Ngọc Sơn, Đại Đồng, Thanh Lĩnh, Đồng Văn vẫn chưa được hưởng nguồn hỗ trợ từ nghị quyết. Lý do là bởi các CLB cấp xã này chưa được kiện toàn và hoàn thiện thủ tục để phù hợp với điểm a, khoản 1, điều 3 (Các CLB bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ) được quy định tại nghị quyết này.

Điều đáng nói, đây chỉ là trường hợp bất cập ngoại lệ ở riêng huyện Thanh Chương, còn các địa bàn khác trên toàn tỉnh đã có nhiều cách làm để giúp các CLB cấp xã hoàn thiện hồ sơ phù hợp với các điều khoản theo Nghị quyết 29.

Anh-cac-nghe-nhan-bieu-dien-tai-Dao-che-huyen-Thanh-Chuong.jpg
Các nghệ nhân CLB Dân ca ví, giặm Sông Lam do anh Nguyễn Thành Ngân làm chủ nhiệm trình diễn trên không gian diễn xướng đảo chè Thanh An. Ảnh: CLB Sông Lam cung cấp

Nguyên nhân chưa tiếp cận được chính sách

Khi hỏi về vấn đề này, ông Đậu Bá San - Phó phòng Nội vụ huyện Thanh Chương cho biết: Sau khi Nghị quyết 29 được ban hành ngày 03/6/2022 chúng tôi đã cho thành lập 1 CLB cấp huyện. Việc thành lập được căn cứ từ Công văn số 2079/UBND- VX ngày 20/3/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, đơn xin thành lập CLB Dân ca ví, giặm Sông Lam, huyện Thanh Chương.

Thế hệ trẻ là thành viên tiếp nối quan trọng trong các CLB.jpg
CLB Dân ca ví, giặm Ngọc Sơn biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V. Ảnh: CLB cung cấp

Cũng theo ông San, ngoài thành lập mới CLB cấp huyện thì việc kiện toàn các CLB cấp xã cần phải có một vài cân nhắc, đặc biệt phải bám theo từng câu chữ trong các văn bản của Nghị quyết 29 và các văn bản hiện thời; phải có ý kiến của hội cấp huyện.

Ông San nói: “Để đảm bảo việc thành lập các hội đi vào hoạt động có hiệu quả Phòng Nội vụ đã nhiều lần trao đổi với bà Võ Thị Nguyệt - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Sông Lam, huyện Thanh Chương tiến hành họp ban chủ nhiệm (Ban Chủ nhiệm đều có đại diện hội viên CLB cơ sở), đánh giá kết quả hoạt động và các kiến nghị đề xuất. Trong đó, có cần thành lập các CLB dân ca ví, giặm tại các cơ sở hay không thì cho ý kiến (vì các hội cơ sở trước đây hoạt động khi chưa có “hội mẹ” là CLB cấp huyện), gửi về Phòng Nội vụ để xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo, đề xuất nào".

Ông San kiên quyết: “Khi đã có "hội mẹ" cấp huyện thì việc thành lập hội cơ sở phải có ý kiến đề xuất của "hội mẹ" thì mới đủ điều kiện làm các hồ sơ, thủ tục. “Hội mẹ” trình Thường trực cấp uỷ xin chủ trương nếu được sự đồng ý thì Phòng Nội vụ sẽ tham mưu ra quyết định cho phép thành lập”.

Festival dân ca ví ,giăm Nghệ Tĩnh.jpg
Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 quy tụ các CLB cấp xã tiêu biểu. Ảnh tư liệu của Công Kiên

Bên cạnh đó ông San cho rằng: Phòng Nội vụ căn cứ vào Công văn số 682/SNV- TCBM ngày 13/5 /2015 của Sở Nội vụ về việc thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về hội quần chúng. Trong công văn có nêu: “Không đặt vấn đề công nhận mới các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Về tổ chức các hội không nhất thiết có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cấp tỉnh - huyện - xã”.

Cần sớm có hướng dẫn

Tuy nhiên, theo Văn bản 2079 /UBND-VX ngày 30/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh thì: Đối với các câu lạc bộ đã thành lập, hoạt động trước ngày 1/1/2022 nhưng chưa đầy đủ các thủ tục thì phải tổ chức kiểm tra, rà soát lại, hướng dẫn các CLB hoàn thiện đầy đủ thủ tục theo đúng quy định.

Nghĩa là 4 CLB dân ca ví, giặm thuộc huyện Thanh Chương đã hoạt động hàng chục năm có ảnh hưởng sâu rộng, huyện chỉ cần hướng dẫn các CLB hoàn thiện đầy đủ thủ tục là các CLB có thể được hưởng chính sách theo tinh thần Nghị quyết 29.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Đặng Văn Hoá - Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Thanh Chương cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần hội ý với Phòng Nội vụ trong việc kiện toàn cho các CLB dân ca ví, giặm cấp xã đã hoạt động hiệu quả từ trước ngày 01/01/2022 và nhận được ý kiến của Phòng Nội vụ rằng, cần phải bám theo các quy định hiện thời, nhưng theo tôi các quy định hiện thời không có câu chữ nào quy định Hội cấp huyện rà soát và có ý kiến đề xuất mới được kiện toàn các hội cấp xã.

Ông Hoá cũng cho rằng: Việc để CLB cấp huyện phê duyệt mới kiện toàn cho CLB cấp xã là hoàn toàn không cần thiết, vì theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ Quy định về tổ chức hoạt động Hội và Văn bản hướng dẫn số 2079/UBND-VX ngày 30/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh thì CLB cấp xã được thành lập trước ngày 01/01/2022 chỉ cần kiện toàn lại, và thủ tục kiện toàn cũng hết sức đơn giản, dễ thực hiện. Như các CLB cấp xã hoạt động hiệu quả trên các địa bàn khác, họ chỉ cần có danh sách thành viên CLB hiện thời, điều lệ hoạt động hội là được huyện phê duyệt và kiện toàn .

Liên hoan dân ca cụm V  tại Diễn Châu.jpg
Một hoạt cảnh dân ca tại Liên hoa Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V, cụm 1 tại Diễn Châu. Ảnh tư liệu của Trung tâm Văn hoá huyện Diễn Châu

Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu Phòng Nội vụ có báo cáo về vấn đề thực hiện Nghị quyết 29, qua nội dung báo cáo anh em Phòng Nội vụ cam kết việc chưa kiện toàn được cho các CLB cấp xã là có cơ sở. Sắp tới chúng tôi sẽ có cuộc họp giữa các bên về vấn đề này để tháo gỡ những vướng mắc, cố gắng sớm nhất để các CLB dân ca ví, giặm cấp xã đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua được tiếp cận chính sách.

Khoản 1, 2, Điều 3, Nghị quyết 29 quy định: Các CLB Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ; Có ban chủ nhiệm và có ít nhất từ 20 hội viên trở lên; Hoạt động định kỳ, thường xuyên ít nhất 1 kỳ sinh hoạt/1 tháng; Thực hành diễn xướng và tổ chức truyền dạy nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; Tích cực tham gia các liên hoan, cuộc thi, các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh và địa phương được hỗ trợ 30.000.000 đồng/CLB mới thành lập để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn và 5.000.000 đồng/CLB/năm để hoạt động.

Mới nhất
x
Huyện Thanh Chương cần khẩn trương hướng dẫn các CLB dân ca ví, giặm cấp xã tiếp cận chính sách hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO