Kết nối cung cầu các sản phẩm tiềm năng của miền Tây xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - 3 sản phẩm tiêu biểu của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là trà hoa vàng, trà túi lọc Pù Mát và gừng Kỳ Sơn sẽ được tăng cường đầu tư, kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Sáng 20/11, tại huyện Con Cuông, Công ty cổ phần Tư vấn chất lượng và Đào tạo Tín Việt phối hợp với BQL chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức Hội thảo "Bàn các giải pháp phát triển một số sản phẩm nổi trội của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An gắn với hoạt động du lịch".
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Quang An |
Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT; Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An; đại diện các huyện và đơn vị có sản phẩm tiêu biểu.
Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 18 tháng 9 năm 2007, đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Chuyên gia kinh tế Lê Hữu Thọ, Công ty Tín Việt trình bày đánh giá thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quang An |
Với đặc điểm nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc của 6 dân tộc (Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú, Ơ đu và Mông) đã tạo ra cho nơi đây nhiều sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng bản địa chỉ có ở trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Cụ thể, về sản phẩm nông nghiệp có: Chè Thanh Chương, chanh leo Quế Phong, các loại cam mang thương hiệu Cam Vinh, khoai sọ Kỳ Sơn, cá mát sông Giăng, vịt bầu Quỳ Châu, gà Thanh Chương, thịt bò giàng Kỳ Sơn,… Sản phẩm từ lâm nghiệp: Các sản phẩm mây tre đan, mật ong rừng, các đồ gỗ mỹ nghệ,… Sản phẩm dược liệu quý: Trà hoa vàng, sa nhân, máu chó, quế Quỳ, cà gai leo, cây thìa canh, giảo cổ lam, gừng Kỳ Sơn… Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, ngói Cừa, hương trầm Quỳ Châu,…
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT ghi nhận và đánh giá cao 3 sản phẩm đặc trưng tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quang An |
Tuy nhiên, các sản phẩm này hiện nay trong cơ chế thị trường được hình thành và cung ứng theo hình thức chưa tập trung, mang tính tự phát và hầu hết chưa có thương hiệu gắn liền với đặc điểm vùng miền, cũng như mang tính đại diện đặc trưng cho khu vực.
Do đó, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng bản địa, các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủ công nghiệp đặc sắc gắn với phát triển kinh tế du lịch, thông qua danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được quốc tế công nhận và biết đến là việc làm cần thiết. Từ đó, đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và phát huy được các chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ của Khu dự trữ sinh quyển.
Trao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Quang An |
Sau quá trình lựa chọn, Ban tổ chức cử đại diện của 3 đơn vị xứ Nghệ để quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển các kênh phân phối là Công ty CP Dược liệu Pù Mát (Con Cuông) với các sản phẩm trà túi lọc, Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn (Quế Phong) với sản phẩm trà hoa vàng và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn) với sản phẩm gừng Kỳ Sơn.
Tại hội thảo, các đại biểu, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã thảo luận về tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Trong đó, tập trung về vấn đề đẩy mạnh khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường, xây dựng hình ảnh, mở rộng vùng nguyên liệu...
Trao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn. Ảnh: Quang An |
Phát biểu tại hội thảo, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT ghi nhận và đánh giá cao 3 sản phẩm đặc trưng tại Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được chọn lựa, đây là các sản phẩm tiêu biểu, đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường; đồng thời cam kết sẽ đồng hành, tăng cường đầu tư, kết nối, tiêu thụ những sản phẩm này trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, hiện nay còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng khác như cam, chè Tuyết Shan... nên đơn vị tư vấn cũng như các địa phương cần chú trọng phát triển những sản phẩm này trong tương lai để tăng sự đa dạng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Trao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh: Quang An |
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thời gian tới cần chú trọng, đổi mới công nghệ từ các khâu bao gồm: giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong thời điểm tình hình kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp & PTNT, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An và các địa phương cũng cam kết sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, đơn vị trong việc kết nối cung cầu, tăng cường các hội nghị xúc tiến, tham gia các hội chợ, đưa sản phẩm vào các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng...
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục, nâng cao mẫu mã, bao bì... để đạt đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ và hướng đến xuất khẩu để vừa khẳng định được chất lượng, hình ảnh của các sản phẩm tiêu biểu miền Tây Nghệ An, vừa tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.