Kết nối hệ thống giao thông các vùng kinh tế trọng điểm ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chiều 6/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền, UBND tỉnh có buổi làm việc để nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh hình kết nối các vùng kinh tế trọng điểm tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016- 2020.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Trong chiến lược kinh tế - xã hội 2016 - 2020 của tỉnh đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xác định ưu tiên nguồn lực cho 3 vùng kinh tế trọng điểm để tạo thành các cực tăng trưởng gồm: Phát triển Tp. Vinh- TX. Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà; Phát triển vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng điểm là vùng Tân Kỳ - Đô Lương - Nghĩa Đàn - Thái Hòa, Quỳ Hợp. Để tạo động lực phát triển các vùng này, Nghệ An đã quy hoạch và xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trải đều trên toàn bộ địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Hồng Quang, Phó giám đốc Sở GTVT trình bày một số nội dung trong đề án. |
Ngày 19/9/2014 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Tổng cộng có 23 danh mục dự án công trình hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 84.890 tỷ đồng, trong đó có 15 danh mục do cơ quan trung ương quản lý với tổng mức đầu tư 71.649 tỷ đồng và 08 danh mục do tỉnh quản lý với tổng mức đầu tư 13.249 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu đã đưa vào sử dụng 06 dự án, 10 dự án đang triển khai thi công và 04 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và còn 03 dự án chưa thực hiện.
Ông Hồ Việt Dũng - Trưởng phòng Công nghiệp và Dịch vụ, Sở KHĐT góp ý về một số giải pháp huy động vốn. |
Đề án phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016- 2020 được xây dựng với mục tiêu tập trung kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành cơ bản các công trình giao thông, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, các giải pháp được đưa ra gồm: sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hiện có; huy động vốn từ ngân sách nhà nước, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông… Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Cầu vượt đường sắt Bắc Nam trên quốc lộ 46. |
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các ban, ngành liên quan, kết luạn tại buổi làm việc, đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền yêu cầu Sở GTVT- đơn vị chủ trì xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án trình cuộc họp UBND tỉnh trong tháng này. Trong đó lưu ý về tên gọi đề án; Cập nhật những vấn đề mới nhất về thực trạng các công trình trên địa bàn; Rà soát lại các mục tiêu theo hướng sát thực, cụ thể hơn; bổ sung các đường giao thông trọng yếu của từng vùng.
Ngoài ra, bổ sung cải tạo các nhà ga chính trên địa bàn cũng như một số giải pháp về cơ chế chính sách đặc biệt, thu hút nguồn vốn đầu tư.
Phú Hương