Khan hiếm vaccine Covid-19, Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng
(Baonghean.vn) - Khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V, rồi Trung Quốc cấp phép cho vaccine Sinopharm, đã có một sự hoài nghi rất lớn, nhất là ở các nước phương Tây về hiệu quả và tính an toàn của các vaccine này.
Sự tin tưởng được đặt nhiều hơn vào vaccine của các hãng sản xuất như Pfizer và BioNTech, Moderna, AstraZeneca. Nhưng trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang cực kỳ khan hiếm và đẩy các quốc gia vào một cuộc tranh giành quyết liệt, vaccine của Nga và Trung Quốc đang trở thành “lá bài” đầy sức nặng nhằm gia tăng vị thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu.
Châu Âu lung lay
Sự thay đổi cách nhìn nhận về vaccine ngừa Covid-19 của Nga và Trung Quốc có thể thấy rõ nhất tại châu Âu - nơi mà việc phân phối vaccine theo cơ chế chung của Liên minh châu Âu đang gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề, với sức ép đổ dồn lên Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Trước đây, khi chủ trương triển khai chương trình tiêm chủng thống nhất trong khu vực, Liên minh châu Âu đã xúc tiến đàm phán mua vaccine của Pfizer và BioNTech, và đến nay đang tiếp tục đàm phán với Moderna và AstraZeneca. Trong suốt quá trình đàm phán này, các loại vaccine của Nga và Trung Quốc chưa bao giờ được xem xét, một phần vì lý do an toàn, nhưng một phần là do những yếu tố liên quan đến chính trị khi quan hệ giữa EU với Nga và Trung Quốc đang ở trong giai đoạn hết sức nhạy cảm.
Dây chuyền sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Nhưng tốc độ giao hàng của các nhà sản xuất cho châu Âu đang diễn ra rất chậm khiến tỷ lệ tiêm chủng ở các nước EU thấp hơn nhiều so với các nước như Israel, Anh hay Mỹ. Hiện tỷ lệ người dân được tiêm chủng ở các nước EU chỉ vào khoảng 2%, trong khi Mỹ là gần 8%, Anh và Israel là hơn 10%. Thực tế này đang thổi bùng chỉ trích nhằm vào giới lãnh đạo châu Âu, rằng châu Âu đã quá chậm chạp trong quá trình phê duyệt và đặt mua vaccine, khiến các nhà sản xuất ưu tiên giao hàng cho các nước đặt mua trước như Anh, hay châu Âu không đa dạng hóa được nguồn cung khiến số lượng vaccine cung cấp đến thời điểm này rất hạn chế. Trong tình cảnh bế tắc khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Hungary - quốc gia từng bị chỉ trích gay gắt vì đã “xé rào” trong đặt mua vaccine ngừa Covid-19 của Nga và Trung Quốc, giờ bỗng dưng trở thành “người đi tiên phong” với nhiều quốc gia đang tính toán “nối gót” Hungary đặt mua vaccine từ một số khu vực ngoài châu Âu.
Khi Hungary tuyên bố đặt mua 2 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, và mới đây tiếp tục đặt mua 5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt động thái này của Hungary, coi đây là hành động có thể “phá hoại chiến lược tiêm chủng chung của châu Âu”. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu tuyên bố châu Âu phản đối các quốc gia thành viên phê duyệt vaccine trước khi có quyết định cấp phép của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu, đồng thời cảnh báo các quốc gia thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ vấn đề nào đối với vaccine được cấp phép ngoài cơ chế của châu Âu.
Việc Hungary tự ý mua vaccine của Nga và Trung Quốc bị cho làm tổn hại lòng tin giữa các nước thành viên, mâu thuẫn với chiến lược tiêm chủng chung của toàn khối. Nhưng áp lực phải có đủ vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân tại 27 quốc gia thành viên đang dẫn đến “chủ nghĩa xét lại” khi nhiều người cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Hungary Viktor Orban về việc “vaccine của ai không quan trọng”, “vaccine là sự sống”, hay “người Hungary không thể chết vì sự chậm trễ của Brussels”… không phải không có lý. Một dấu hiệu rõ nét cho thấy sự thay đổi trong thái độ của châu Âu, đó là tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc sẵn sàng mở cửa với vaccine của cả Nga lẫn Trung Quốc, rằng “vượt lên trên tất cả những khác biệt lớn về chính trị hiện nay, chúng ta có thể làm việc cùng nhau để chống lại đại dịch”.
Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên nhận vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: Reuters |
Cuộc chạy đua chính trị
Sự thay đổi quan điểm của châu Âu đối với vaccine Covid-19 của Nga và Trung Quốc có thể mang lại niềm tin lớn hơn cho các quốc gia khác khi lựa chọn vaccine của hai quốc gia này, và giới phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội này để khuếch trương sức mạnh về khoa học công nghệ và năng lực sản xuất. Với Trung Quốc, không ai có thể phủ nhận năng lực sản xuất của quốc gia được coi là “công xưởng của thế giới. Trong số 5 vaccine ngừa Covid-19 mà Trung Quốc đang phát triển, hai loại Sinovac và Sinopharm đã được bàn giao cho các quốc gia, với hiệu quả báo cáo dao động từ hơn 70% tới 90%. Trong khi đó, Sputnik V của Nga cũng được giao cho một số quốc gia như Hungary, Belarus với hiệu quả được báo cáo lên tới 91,6%. Mặc dù vẫn có những câu hỏi đặt ra xung quanh hiệu quả của các vaccine này bởi kết quả không phải do một đơn vị độc lập công bố, nhưng những câu hỏi đó dường như đang bị lu mờ bởi sự khan hiếm vaccine trên thị trường toàn cầu, đồng thời cho thấy vaccine của Nga và Trung Quốc là lựa chọn khả thi nhất với nhiều quốc gia trước sự bất ổn mà họ phải đối mặt.
Khi các quốc gia trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vaccine Covid-19, giới phân tích đã chỉ ra hai cách ứng xử trái ngược nhau của các quốc gia có khả năng sở hữu vaccine: một là tích trữ, hai là chia sẻ. Và cả Nga và Trung Quốc đều được xếp vào nhóm thứ hai nhằm thể hiện vai trò nước lớn trong khống chế dịch bệnh trên toàn cầu. Nhiều nước lớn khác đã được mang ra làm ví dụ để so sánh với Nga và Trung Quốc: đó là Mỹ khi từ chối tham gia cơ chế COVAX của Liên hợp quốc, đó là Liên minh châu Âu khi liên tục công bố hợp đồng mua vaccine với các nhà sản xuất lớn khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải kêu gọi các nước giàu không tích trữ vaccine, dừng việc đàm phán song phương với các nhà sản xuất để tạo cơ hội cho các nước nghèo được tiếp cận vaccine qua cơ chế COVAX của Liên hợp quốc. Bởi thế, việc Nga và Trung Quốc nhanh chóng chia sẻ vaccine Covid-19 được cho là có thể giúp hai quốc gia này mở rộng lợi ích cả về chính trị và kinh tế.
Nga và Trung Quốc đang có nhiều lợi thế trong cung cấp vaccine Covid-19. Ảnh: Wall Street Journal |
Mặc dù Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không sử dụng vaccine như một đòn bẩy chính trị, nhưng nhiều người nhận thấy trong nhiều tuyên bố, các quan chức Trung Quốc vẫn thể hiện sự liên kết giữa việc cung cấp vaccine với các chính sách trong sáng kiến Vành đai, Con đường. Với danh sách các quốc gia đang sử dụng vaccine của Trung Quốc như Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia…, Trung Quốc được cho là đang sử dụng vaccine Covid-19 để mở rộng cánh cửa tới những khu vực đang có sự canh tranh về ảnh hưởng với Mỹ như Trung Đông, châu Phi và cả Đông Nam Á. Còn với Nga, Sputnik V đang là công cụ trong chính sách “ngoại giao vaccine” nhằm khẳng định vị thế của một cường quốc. Ngay cả cách mà Nga chọn để đặt cho vaccine ngừa Covid-19 là Sputnik V cũng gợi nhớ đến cuộc chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh những năm 1950, và chữ V ám chỉ một chiến thắng dành cho Nga. Cho đến nay, Nga đã nhận được đơn đặt hàng của khoảng 50 quốc gia với tổng số liều vaccine sẽ giao là 1,2 tỷ. Hợp đồng đặt mua 1,2 tỷ liều này chắc chắn không phải là vấn đề y tế đơn thuần, và đằng sau nó là những quyết định mang tính chính trị. Có thể nhận thấy rõ điều đó qua bức tranh trái ngược ở hai nước Đông Âu: trong khi Ukraine thẳng thừng từ chối mua vaccine của Nga để tránh các đòn bẩy tiềm tàng về an ninh, chính trị, thì Belarus - đồng minh thân thiết của Nga lại dựa hoàn toàn vào nguồn cung vaccine từ Moscow.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 làm chao đảo thế giới suốt một năm qua đang biến vaccine Covid-19 thành một công cụ thương lượng mạnh mẽ nhất hiện nay. Giới phân tích cho rằng cách ứng xử của các quốc gia liên quan đến câu chuyện phân phối vaccine Covid-19 chính là sự tái hiện quá trình sắp xếp lại trật tự thế giới, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc.