Khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Phú Hương 01/08/2020 11:58

(Baonghean.vn) - “Áp thấp nhiệt đới có phạm vi gây ảnh hưởng mạnh, đổ bộ vào đất liền dự kiến vào chiều mai (2/8) - trùng thời điểm triều cường, mưa lớn trên diện cực rộng sau thời gian dài nắng hạn gay gắt - đó là những yếu tố khiến chúng ta không thể chủ quan” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Sáng 1/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành để đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang mạnh lên thành bão.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nguồn Báo Thanh niên
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương và bộ, ngành phải hết sức chủ động đối phó với ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: Nguồn Báo Thanh niên

Còn trên 16.000 phương tiện tàu thuyền chưa vào tránh trú an toàn

Áp thấp nhiệt đới sau khi hình thành đến ngày hôm nay vẫn di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 01 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120 km về phía Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ).

Đến 01 giờ ngày 03/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, trong đêm qua và sáng sớm nay do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trên địa bàn đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 31/7 đến 7 giờ 01/8 phổ biến từ 20 - 40mm.

Điểm cầu Nghệ An tham gia cuộc họp dưới sự chủ trì xủa các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đẹ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Phú Hương
Điểm cầu Nghệ An tham gia cuộc họp dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Phú Hương

Toàn tỉnh Nghệ An có 3.488 phương tiện/17.440 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Tính đến 7h30 ngày 1/8, có 471 phương tiện/2.373 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 98 phương tiện/653 lao động neo đậu ở ngoại tỉnh; 30 phương tiện/270 lao động ở vùng đánh cá chung và 2.889 phương tiện/14.144 lao động đang neo đậu tại bến.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, hiện tỉnh đang triển khai các biện pháp để đảm bảo cuối giờ chiều nay (ngày 1/8), tất cả các phương tiện về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, tất cả các chủ hộ nuôi trồng cũng đã được biết thông tin về ATNĐ và đã chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại cho 18.670 ha nuôi trồng thủy sản.

Nghệ An cũng triển khai các giải pháp bảo vệ an toàn 493 km đê các loại; chỉ đạo các địa phương ven biển chuẩn bị sẵn sàng di dân khi có lệnh, dự kiến di dời tại chỗ 16.200 người và sơ tán đến chỗ ở khác 2.000 người. Hiện có khoảng 700 du khách đang lưu trú tại thị xã Cửa Lò, hiện tất cả khách du lịch và chủ cơ sở lưu trú đã nắm được thông tin về diễn biến của ATNĐ để chủ động ứng phó.
Đặc biệt, trên địa bàn có 4 vị trí sạt lở đất tại huyện Kỳ Sơn, hiện nay địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân khi có mưa lũ đến nơi ở an toàn. “Hiện Nghệ An đang tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin, hiện Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Ảnh: Phú Hương
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Ảnh: Phú Hương

Giảm thiểu thiệt hại trước các hình thái thời tiết nguy hiểm

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, \\ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trước tình hình diễn biến phức tạp của ATNĐ, trước hết các cấp ngành liên quan và các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn trên biển, đưa trên 1.600 phương tiện với hơn 8.000 lao động vào tránh trú an toàn; bảo vệ 25.000 các lồng bè, nuôi trồng thủy sản, không cho người ở trên lồng bè khi có bão.

Trên vùng đồng bằng ven biển, yêu cầu có phương án sơ tán người dân, nhất là khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định…; đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các công trình nhà ở người dân, công sở, công trình công cộng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện…; các công trình sản xuất, khu công nghiệp, dịch vụ, hệ thống đê điều.
Đặc biệt, thời gian vừa qua nắng nóng khốc liệt, nên ATNĐ có thể gây giông lốc, gió giật mạnh, các địa phương phải hết sức chủ động để sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở khi có lũ ống, lũ quét tại các vùng miền núi và trung du. Có phương án vận hành hồ chứa phù hợp, vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa giữ được nước phục vụ sản xuất.

Nghệ An hoàn thành tuyến đê biển  Sầm Sầm trước mùa mưa bão. Ảnh: Phú Hương
Nghệ An hoàn thành thi công tuyến đê biển Sầm Sầm (Quỳnh Lưu) trước mùa mưa bão. Ảnh: Phú Hương

Giao các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, với phạm vi trách nhiệm của mình, có phương án phù hợp, theo dõi chặt chẽ tình hình của ATNĐ, xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước; chủ động các phương án ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" nhưng cũng đồng thời phải gắn với phòng, chống dịch Covid- 19.

Những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng để xử lý. Chủ động theo dõi chặt chẽ, ứng phó kịp thời và hiệu quả các tình huống có thể xảy ra để giảm thiểu thiệt hại của người dân và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh

Mới nhất
x
Khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO