Khát vọng của học trò vùng “sơn cùng thủy tận”
(Baonghean.vn) - Nuôi dưỡng giấc mơ vào đại học và thoát nghèo đó là câu chuyện mà những học sinh người dân tộc thiểu số đang thực hiện ở mái trường Mường Quạ (Con Cuông), dẫu có bao gian khó, nhọc nhằn...
Chuyện của Tim
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, không giới hạn thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học. Nhưng, như một sự tất yếu, thí sinh đăng ký đang ngày một rơi rớt dần bởi nỗi lo “hậu” thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Ở Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông), năm nay số thí sinh đăng ký thi để xét tuyển vào đại học cũng đếm trên đầu ngón tay. Lê Văn Tim – cậu học trò người Đan Lai là một trong số đó. Tim là 1 trong 4 học sinh Đan Lai đang theo học bậc THPT nơi đây.
Riêng năm lớp 12 này, chỉ có duy nhất một học sinh là Tim. Những năm trước, học sinh học xong cấp II (THCS) bỏ học rất nhiều, trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
3 năm học THPT, Tim (ngoài cùng bên trái) được tạo điều kiện ở khu công vụ của trường. Ảnh - Mỹ Hà |
Nhà Tim ở bản Cò Phạt – xã Môn Sơn, chốn vẫn được gọi là “sơn cùng thủy tận”. Có thể vì đường đi cách trở, chỉ có một đường thủy độc đạo duy nhất để đến trường nên lứa bạn của Tim hầu hết đều nghỉ học từ năm lớp 6.
Để theo đuổi sự học, hàng tháng Tim đều phải “vượt sông”, đi thuyền gần 15 cây số. Ngày còn học THCS, Tim ở ký túc xá tại trường. Lên THPT, đường đi xa hơn nhưng chỗ trọ lại không có. Sợ Tim bỏ học, ban giám hiệu nhà trường đã dành một suất cho Tim ở khu nhà công vụ giáo viên. Hàng ngày, sau giờ đi học, Tim tự nấu ăn, tự lo toan cuộc sống của mình.
Sống ba năm ở khu tập thể của trường, Tim được mọi người yêu quý với tính tự lập, tự giác, không nề hà công việc và luôn nhiệt tình giúp đỡ các thầy cô trong cuộc sống hàng ngày. Bù lại, Tim cũng được thầy cô xem như con, như đứa em trai trong gia đình. Nhiều thầy cô, như một thói quen, có thức ăn ngon lại nhường cho Tim. Ra thị trấn, mua thùng mì tôm cho gia đình lại mua thêm cho Tim một thùng để cậu bé chống đói mỗi khi thức khuya học bài. Về phía nhà trường, quỹ học bổng của giáo viên, năm nào cũng trích một phần để hỗ trợ cho cậu bé hiếu học này.
Lớp ôn tập dành cho các học sinh thi môn tổ hợp KHTN ở Trường THPT Mường Quạ chỉ có 7 học sinh và tất cả đều đăng ký thi để xét tuyển vào đại học.Ảnh - Mỹ Hà |
Sự nỗ lực của Tim, cuối cùng dường như cũng đã có kết quả. Vì thế, từ một cậu bé có học lực trung bình, Tim đã cố gắng từng ngày và liên tục hai năm trở lại đây Tim đã là học sinh tiên tiến với điểm tổng kết cuối năm khá cao. Tin vào nỗ lực của mình, nên cuối năm lớp 12, thay vì chọn giải pháp nhẹ nhàng là thi để xét tốt nghiệp, Tim quyết tâm ôn tập để đăng ký xét tuyển vào Trường Học viện Biên phòng.
Chia sẻ về mong muốn của mình Tim cũng nói rằng: Em muốn vào đại học vì ở quê em chẳng ai được học đến nơi đến chốn...
"Người lạ" ở trường
Ở Trường THPT Mường Quạ, những người như Tim được gọi là người lạ và hiếm. Vì vậy, ước mơ của Tim cũng là ước mơ chung của hai cậu học trò Vi Văn Tùng và La Thanh Sơn (Lục Dạ) đang thực hiện. Có chăng, trong khi Tim chọn Học viện Biên Phòng thì Tùng đăng ký nguyện vọng vào Trường Sỹ quan Chính trị và Sơn chọn Học viện An ninh.
Kể về lý do của mình, Vi Văn Tùng tâm sự: Chúng em có rất nhiều nguyện vọng nhưng chủ yếu chỉ đăng ký trường An ninh, Quân sự vì trường này phù hợp với con nhà nghèo, được miễn học phí và không phải lo thất nghiệp sau khi ra trường. Quyết tâm vào đại học nên năm nay, Tùng chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng và “nếu trượt năm đầu, năm sau e sẽ ôn thi lại”.
Giờ ôn tập môn Địa Lý của Tim, Sơn và Tùng. Cả ba có sự đồng cảm bởi cùng hoàn cảnh. Ảnh: Mỹ Hà |
Để theo kịp chương trình nâng cao, các em Tim, Sơn học kỹ sách giáo khoa và luyện đề “đến nát cả quyển sách rồi”. Lo cho học sinh nên dù đã nghỉ hè nhưng giáo viên lớp 12 ở Trường THPT Mường Quạ vẫn tình nguyện ở lại trường tranh thủ phụ đạo thêm cho học sinh ở khu ký túc xá giáo viên.
Cô giáo Ngân Thị Bích Ngọc – giáo viên dạy môn Lịch sử nói: "Nhìn các em ôn thi vào đại học tôi lại nhớ đến mình ngày xưa. Ngày ấy, cả xã Lục Dạ của tôi chỉ có 5 học sinh theo học cấp III. Vất vả nhưng ai cũng quyết tâm học vì biết rằng đây là con đường để thoát nghèo, thoát khổ".
Sự lạc quan và khát vọng thoát nghèo là động lực để những học trò vùng cao phấn đấu. Ảnh: Mỹ Hà |
17 năm gắn bó với học trò Môn Sơn, Lục Dạ, cô giáo Ngân Thị Bích Ngọc cũng rất tự hào bởi từ sự dìu dắt của thầy cô rất nhiều học sinh trong vùng đã đậu được vào các trường đại học danh tiếng như Đại học Y Hà Nội, Đại học Biên phòng, Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa và nay các em tiếp tục trở thành niềm “cảm hứng” cho học sinh khóa sau.
Trước Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Trường THPT Mường Quạ cũng đã tổ chức 2 kỳ thi thử và 2 kỳ khảo sát cuối năm. Tín hiệu rất tích cực khi những em đăng ký xét tuyển vào đại học đều có kết quả thi thử khá cao.
Thầy giáo hiệu trưởng Đặng Văn Bằng chia sẻ thêm: So với nhiều địa bàn khác, học sinh ở các xã vùng núi cao khó khăn và thiệt thòi hơn rất nhiều. Nhưng, chính sự khó khăn ấy lại là động lực để các em quyết tâm, là niềm tin để các em phấn đấu, trưởng thành.