Khi thanh xuân dành trọn những 'chuyến đò'

Thanh Quỳnh 13/11/2022 07:31

(Baonghean.vn) -  Trong chương trình tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp trung ương năm 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức, Nghệ An vinh dự có hai thầy cô giáo trẻ tiêu biểu đón nhận giải thưởng này. Đó là cô giáo Vũ Thị Hằng (sinh năm 1989) giáo viên Trường Tiểu học Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp và thầy giáo Trương Văn Hùng (sinh năm 1987), giảng viên Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc Nghệ An.

Dù công tác ở hai địa bàn, hai lĩnh vực khác nhau, nhưng họ đều được xem là những người chèo đò thầm lặng của ngành giáo dục tỉnh nhà khi đã vượt qua nhiều khó khăn để dành trọn thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Sự nghiệp ấy không chỉ trên mặt chữ, mà còn là xây dựng lối sống vì cộng đồng, xã hội.

12 năm bám làng, bám bản

Những ngày này, hòa mình nơi phố thị phồn vinh của thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để tham dự chương trình tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trung ương, cô giáo trẻ Vũ Thị Hằng vẫn không nguôi nỗi nhớ về dãy Pù Tạt sương mờ mây phủ ở bản Kèn, bản Rồng trên mảnh đất Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Men theo dãy núi đó, là con đường đến với những điểm trường mà cô đã gắn bó trong suốt 12 năm qua. Một hành trình đầy khó nhọc nhưng chất chứa nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Cô giáo Vũ Thị Hằng (sinh năm 1989) cùng các em học sinh tại Trường Tiểu học Châu Lộc, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: NVCC

Hồi tưởng lại những ngày đầu gắn bó với nghề, cô giáo trẻ Vũ Thị Hằng cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên tại thị xã Thái Hòa. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ thuật (Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật), cô được nhận về công tác tại Trường Tiểu học Châu Lộc.

Thời điểm đó, những con đường đi qua xóm Cụt, xóm Ính còn là những lối nhỏ sục bùn. Mùa mưa đến, đó trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bởi ít có phương tiện nào có thể giữ được thăng bằng khi lưu thông trên những con đường này. Muốn đi qua, chỉ còn cách cầm dép, cầm đồ và di chuyển bằng chân trần. Bùn có khi lấm lem tới cả bắp chân. Đặc biệt vào mùa đông, những ngón chân tím bầm vì lạnh. Sân trường lúc đó cùng là nền đất trơn trượt với những dãy nhà cũ đã xuống cấp nhiều. Trong một khoảng thời gian dài, học sinh không đủ lớp nên phải học ghép với nhau. Những khó khăn không thể diễn đạt hết bằng lời, nhưng tất cả sẽ tan biến sau mỗi giờ dạy, khi cô bước vào lớp và thấy những học trò nhỏ đang hướng ánh mắt đợi chờ mình.

Một tiết học của cô trò tại điểm trường chính ở bản Rồng, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: NVCC

Ngoài điểm trường chính tại bản Rồng, Trường Tiểu học Châu Lộc còn có 2 điểm trường lẻ tại bản Kèn và bản Đan. Học trò nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Thổ. Công việc của cô và những giáo viên trong trường không chỉ gói gọn trong mỗi tiết giảng, mà còn là hành trình vào với tận gia đình các em học trò để vận động bố mẹ của các em ủng hộ con trong hành trình học chữ. Bởi cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, các điểm trường lại cách sông, cách suối, cho nên phụ huynh cũng chẳng mấy mặn mà trong việc đưa con đến lớp.

Vì vậy, không con đường nào ở bản là chẳng mòn dấu chân cô và các đồng nghiệp. Tiền lương ít ỏi nhưng không thiếu những gói kẹo, chiếc bánh để động viên các em học trò nhỏ. Chính tình cảm đó đã khiến cho các em nhỏ nơi đây có thêm động lực đến trường. Bởi ở đó, luôn có cô đồng hành, dìu dắt và sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của các em.

Cô giáo Vũ Thị Hằng đồng hành cùng các em học sinh trong nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Ảnh: NVCC

Năm 2018, sau 8 năm gắn bó với mảnh đất Châu Lộc, cô đã có thể chuyển tới những ngôi trường thuận lợi hơn. “Đó là từng là mong muốn của tôi, nhưng sau quãng thời gian gắn bó với mảnh đất ấy, những cô cậu học trò nhỏ, những đồng nghiệp đã cùng đồng cam cộng khổ, những lớp học đầy ắp nụ cười… đã trở thành một phần máu thịt trong tôi. Và tôi không thể rời xa nó. Đó là lý do mà bây giờ, và có thể mãi về sau, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nơi mà thanh xuân mình đã từng thuộc về”, cô Hằng chia sẻ.

Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, để giúp các cô cậu học trò nhỏ vơi bớt khó khăn, trong vai trò là Tổng phụ trách đội của trường, đồng thời là Bí thư Chi đoàn trường, cô đã đứng ra kêu gọi và triển khai nhiều hoạt động để mang về những món quà ý nghĩa cho các em học sinh. Đó có thể là những chiếc chăn ấm, những cuốn vở còn thơm mùi mực, những buổi cắt tóc miễn phí hay lớn lao hơn là những sân chơi thiếu nhi đầy màu sắc.

Sau những nỗ lực đó, cô được nhà trường và các cấp ngành ghi nhận. Nhiều năm liền, cô Vũ Thị Hằng là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2018-2019. Được cấp giấy chứng nhận là gương giáo viên-thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp trường vào tháng 7/2021 và tháng 5/2022. Đó là những nguồn động lực ý nghĩa để cô tiếp tục gắn bó với con đường mà mình đã chọn, với những chuyến đò thầm lặng qua dãy Pù Tạt mờ sương.

Đại diện Tỉnh đoàn Nghệ An gặp gỡ thầy Trương Văn Hùng và cô Vũ Thị Hằng trước ngày thầy cô lên đường vào tỉnh Đồng Tháp tham dự lễ tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp trung ương năm 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức. Ảnh: Thanh Quỳnh

Người thầy không chỉ dạy chữ

Trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2022 vừa qua tại mảnh đất biên giới Tam Hợp (Tương Dương), bà con dân bản nơi đây vẫn nhớ tới sự nhiệt tình của thầy giáo Trương Văn Hùng (Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc Nghệ An). Gần một tháng gắn bó với các hoạt động tình nguyện, thầy đã cùng với các sinh viên của trường đã vận dụng chuyên môn của mình để sửa chữa, hoàn thiện nhiều công trình phục vụ cho việc học của các em học sinh và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Thầy Trương Văn Hùng (bìa phải) đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các hoạt động sửa chữa, kiến thiết các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới tại địa bàn tình nguyện Hè 2022. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hành trình đưa chuyên môn và hoạt động tình nguyện đó còn được nhiều người nhắc nhớ qua công trình sửa chữa cột cờ đảo Mắt mà anh cùng các sinh viên của mình đã triển khai thành công trong tháng 7 vừa qua. Theo đó, cuối năm 2021, sau 6 năm đưa vào sử dụng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều bộ phận của cột cờ đảo Mắt đã bị hư hỏng nặng. Điều này đã khiến cho Tỉnh đoàn Nghệ An và các đơn vị liên quan hết sức trăn trở. Bởi việc sửa chữa này gặp khá nhiều khó khăn khi cột cờ cao gần bằng tòa nhà 5 tầng (gần 23m), lại nằm trên đỉnh một ngọn núi nên rất khó để đưa hệ thống máy móc vào sửa chữa. Để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp đã đứng ra nhận sửa chữa với mức kinh phí tối thiểu là 300 triệu đồng. Đó thực sự là nguồn kinh phí lớn.

Phát huy vai trò của Bí thư Đoàn trường, anh đã vận động các thầy cô giáo và sinh viên ưu tú của trường cùng mình nghiên cứu để cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục công trình trên. Sau hơn một tháng triển khai, cuối cùng mọi người cũng đã tìm ra được giải pháp tối ưu nhất.

Thầy Trương Văn Hùng cùng các sinh viên tiến hành sửa chữa cột cờ đảo Mắt. Ảnh: NVCC

Ngay lập tức, thầy Hùng cùng với 3 sinh viên dưới sự đồng hành của Tỉnh đoàn, Thị đoàn Cửa Lò và Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có mặt tại đảo Mắt. 3 ngày tiếp theo, thầy trò mang hết tâm huyết và sự can đảm để có thể trèo lên điểm cao nhất của cột cờ, hoàn thiện toàn bộ những hỏng hóc đang có. Giây phút nhìn thấy lá cờ Tổ quốc được tung bay trở lại, thầy trò đều cay khóe mắt.

Trước đó, thầy cùng hơn 100 sinh viên của trường đã cùng nhau tận dụng lại những chiếc xe cũ để cùng nhau sửa chữa, cải thiện. Sau bao tâm huyết của thầy trò, 110 chiếc xe đã được hoàn thành và trao tới tay các em nhỏ tại hai huyện miền núi Quỳ Hợp và Tương Dương. Điều mà thầy còn nhớ mãi đó là nụ cười hạnh phúc của các em khi có được phương tiện di chuyển đầy ý nghĩa. Những nụ cười đó là động lực để thầy tiếp tục duy trì những hoạt động tiếp theo của mình.

Với vai trò Bí thư Đoàn trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc Nghệ An, thầy Trương Văn Hùng cùng các sinh viên và Tỉnh đoàn Nghệ An đã trao tận tay 110 chiếc xe đạp cho các em nhỏ vùng cao của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thầy Hùng bộc bạch: “Nghề kỹ thuật tuy khô khan, nhưng đừng để tâm hồn khô khan theo nó. Rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia luôn cần được sẻ chia, giúp đỡ. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích các em không chỉ nỗ lực trong việc học, mà còn phải biết vận dụng những kiến thức đã học được để triển khai những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Đó là những hành trang để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội”.

Thầy Trương Văn Hùng và cô Vũ Thị Hằng đón nhận Bằng khen “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp trung ương năm 2022. Ảnh: NVCC

Sau những cống hiến đó, thầy Trương Văn Hùng đã đón nhận nhiều Bằng khen của Tỉnh đoàn Nghệ An, Trung ương Hội Liên Hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn và đạt danh hiệu giảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2021. Dưới sự dẫn dắt của thầy, đã có những sinh viên ưu tú của trường đạt giải C cuộc thi Dự án khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Quốc gia năm 2020, 8 dự án khởi nghiệp của sinh viên do anh hướng dẫn được lọt vào vòng Bán kết Dự án khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Quốc gia năm 2021, có 2 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết. Đó là hành trang để các em vững tin lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương mình./.

Mới nhất

x
Khi thanh xuân dành trọn những 'chuyến đò'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO