Hạt Quản lý đường bộ Kỳ Sơn xử lý các điểm sạt lở trên Quốc lộ 7A. Clip: Xuân Hoàng - Quang An |
Đầu tháng 9/2022 (từ ngày 4 - 5/9 và 7 - 11/9), huyện Kỳ Sơn liên tiếp phải hứng chịu 2 đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù mưa lũ đã xảy ra nhiều ngày nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ dân đang bị chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông chưa thể khôi phục trở lại do sạt lở diễn ra liên tiếp.
Huyện Kỳ Sơn huy động máy móc khắc phục sự cố để giúp người dân đi qua các đập tràn. Ảnh: Quang An |
Trước diễn biến thất thường của mưa lũ, UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo UBND các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, thị trấn Mường Xén (các xã này nằm trong vùng xung yếu) chủ động theo dõi diễn biến của mưa để sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, các địa phương đã hỗ trợ sơ tán toàn bộ nhân dân bản Nam Tiến 2 đến ở tập trung tại trường mầm non với 38 hộ, 180 nhân khẩu; 3 hộ, 10 khẩu tại bản Hòm, xã Hữu Kiệm đến ở xen ghép trong bản.
Về khắc phục đường giao thông, huyện đã huy động 2 máy múc, máy xúc lật của huyện và huy động thêm nhiều máy múc của các doanh nghiệp để triển khai khắc phục trong suốt nhiều ngày liền. Hiện tại tuyến QL7A đã được thông suốt, tại lý trình Km194+00 thuộc bản Hòm, xã Hữu Kiệm đã yêu cầu Hạt Quản lý đường bộ Kỳ Sơn cắm biển cảnh báo và rải thảm vá nền đường để chống rò rỉ.
Máy móc hoạt động hết công suất trong những ngày qua để san gạt những điểm sạt lở, tạo điều kiện cho người dân đi lại. Ảnh: Xuân Hoàng |
Các địa phương đã huy động tổng lực máy móc, lực lượng dân quân, đoàn thanh niên thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để thông các tuyến giao thông trong khả năng của các địa phương, hỗ trợ nhân lực tập trung tại 2 điểm trường của Chiêu Lưu để dọn dẹp bùn đất thuận lợi cho các cháu học sinh đến trường…
Ông Moong Văn Chăn - Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết, hiện nay vẫn còn 3 bản bị cô lập, do đường bị sạt lở, gồm: Huồi Hốc, Lưu Tân và Thảo Đi. “Mặc dù xã duy trì 1 - 2 máy múc để xử lý các điểm sạt lở, nhưng vì khối lượng đất, đá lớn nên chưa thể thông đường được. Người dân các bản nói trên muốn ra khỏi bản chỉ còn cách đi bộ lách qua những điểm sạt lở, rất khó khăn. “Lo nhất là trời mưa đột xuất, khiến đất đá tiếp tục sạt lở, công tác khắc phục sẽ khó khăn và kéo dài”, ông Moong Văn Chăn lo lắng.
Tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao đều được chính quyền địa phương căng dây, cắm biển cảnh báo. Ảnh: Quang An |
Quốc lộ 7A đoạn qua huyện Kỳ Sơn thời điểm này cũng còn khá nhiều điểm sạt lở, chưa được xử lý. Ông Nguyễn Xuân Lương - Hạt trưởng hạt Quản lý đường bộ Kỳ Sơn cho biết, sau những đợt mưa to vừa qua, trên Quốc lộ 7A có hàng chục điểm sạt lở, trong đó, có những điểm sạt lở nghiêm trọng. Khối lượng đất, đá sạt lở xuống lòng đường ước 24 nghìn m3, đơn vị đã huy động toàn bộ phương tiện máy móc để san gạt suốt cả tuần nay nhưng vẫn chưa xong. Đến ngày 16/9, đơn vị đã xử lý được 70% khối lượng đất, đá sạt lở. Đối với điểm sạt lở ta luy âm tại Km 188+870, đơn vị đã báo cáo với Tổng cục Đường bộ vào kiểm tra, sẽ có giải pháp xử lý sau.
Trước thực trạng khó khăn đó, huyện Kỳ Sơn luôn theo dõi và chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục. Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi mưa lũ xảy ra, nhiều tuyến đường liên xã và thôn, bản bị sạt lở, huyện chỉ đạo đối với tuyến đường từ huyện về trung tâm xã là huyện tập trung khắc phục; các tuyến đường từ trung tâm xã về các bản là các xã chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, nếu điểm nào bị nặng thì huyện sẽ hỗ trợ. Song đến nay, vẫn còn 2 xã là Bảo Nam và Bảo Thắng chưa thông xe ô tô, do điểm cống tràn bản Xốp Thập, xã Hữu Lập còn ngập nước.
Lương thực, thực phẩm được hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lũ. Ảnh: UBND huyện Kỳ Sơn |
“Khó khăn nhất lúc này là mưa vẫn xảy ra vào cuối chiều hàng ngày, khiến nước ở nhiều khe, suối còn dâng cao, chảy xiết, phương tiện giao thông không thể qua lại được nên công tác ứng cứu gặp trở ngại. Địa hình núi dốc, nên dù máy gạt xong, gặp mưa lại tiếp tục sạt lở, gây khó khăn cho việc khắc phục. Do vậy, huyện chưa thể xác định được đến thời điểm nào là thông xe hoàn toàn”, ông Thò Bá Rê cho hay.
Đang là cao điểm của mùa mưa lũ, huyện Kỳ Sơn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai gây ra. Do vậy, giải pháp ứng phó với thiên tai là huyện Kỳ Sơn phải làm tốt khâu “4 tại chỗ” để xử lý khi có sự cố xảy ra, nhằm hạn chế thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân.