Làm rõ 3 vụ phá rừng, huyện Con Cuông xem xét đưa các đối tượng liên quan ra xét xử lưu động

Hà Giang 09/05/2024 16:36

(Baonghean.vn) - Huyện Con Cuông đã chỉ đạo cơ quan chức năng chuyển hồ sơ 3 vụ phá rừng trên địa bàn các xã Thạch Ngàn, Cam Lâm và Bình Chuẩn cho cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ các hành vi phá rừng trái pháp luật.

Thông tin từ UBND huyện Con Cuông, huyện đang hướng đến, sau khi hoàn tất công tác điều tra làm rõ các hành vi vi phạm sẽ đưa các vụ việc phá rừng này ra xét xử lưu động tại các xã Thạch Ngàn, Cam Lâm và Bình Chuẩn…”.

Cụ thể, ở xã Thạch Ngàn, vào ngày 4/3/2024, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã kiểm tra phát hiện rừng tại lô 13, khoảnh 4, tiểu khu 757, thửa số 80, tờ bản đồ số 1 bị phát dọn thực bì với diện tích khoảng 100.000m2.

bna_phá rừng 1. CTV.jpg
Hình ảnh rừng trên địa bàn xã Thạch Ngàn bị chặt phá. Ảnh: C.T.V

Xác minh sau đó của đoàn công tác gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm, Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm Con Cuông và UBND xã Thạch Ngàn, hiện trạng rừng khu vực bị tác động, chặt phá thuộc các lô 13, 15, 16, 17, 18, 20, khoảnh 3, tiểu khu 757. Tổng diện tích bị tác động là 94.827 m2; trong đó, diện tích có rừng bị chặt phá là 9.461 m2; diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh và chuối rừng là 85.366 m2. Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An được phê duyệt tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014, khu vực bị chặt phá thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Đối tượng có liên quan vụ việc phá rừng được xác định là ông Nguyễn Trọng Sơn (SN 1964), trú tại tổ 12, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông này khai nhận, đã mua lại thửa đất số 80, tờ bản đồ số 1, xã Thạch Ngàn của một hộ dân trú bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn. Đến cuối tháng 2/2024 đã thuê một người dân ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn phát chuối và dây leo với chi phí 4.000.000 đồng/ha. Cá nhân ông Nguyễn Trọng Sơn, vào ngày 8/3/2024 đã phát nứa, cây gỗ tái sinh trên diện tích 9.000 m2 với mục đích để trồng rừng.

bna_phá rừng. CTV.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra tại hiện trường vụ phá rừng trên địa bàn xã Thạch Ngàn. Ảnh: C.T.V

Trước đó một thời gian ngắn, ông Nguyễn Trọng Sơn cũng bị phát hiện tổ chức chặt phá rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Cam Lâm. Cụ thể, vào ngày 27/3/2024, các lực lượng trên địa bàn xã Cam Lâm kiểm tra phát hiện tại lô 55, khoảnh 04, tiểu khu 739, thuộc khu vực khe Cúm, bản Cam có tình trạng chặt phá cây nứa và chuối, với tổng diện tích bị tác động khoảng 15.000 m2.

Qua kiểm tra, vùng đất rừng thuộc thửa số 264, tờ bản đồ số 02, xã Cam Lâm có trạng thái là rừng nửa nghèo tái sinh tự nhiên chưa có trữ lượng, Nhà nước đã giao cho một người dân trú tại bản Cam, xã Cam Lâm quản lý sử dụng. Xác minh sau đó của UBND xã Cam Lâm và Hạt Kiểm lâm Con Cuông, ông Nguyễn Trọng Sơn thừa nhận là đã mua lại thửa đất nói trên. Sau đó, thuê 2 người dân cùng trú tại bản Cam, xã Cam Lâm chặt phát rừng trái phép.

bna_phá rừng 3. CTV.jpg
Hiện trường vụ phá rừng ở xã Cam Lâm. Ảnh: C.T.V

Cũng tại xã Cam Lâm, vào ngày 14/3/2024, UBND xã đã có báo cáo nhanh về vụ việc chặt phá rừng trái phép tại các lô 24 và 21, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa 29, tờ bản đồ số 2. Qua kiểm tra, xác minh, diện tích bị chặt phá, đốt trái phép khoảng 56.000m2. Trong đó, tại lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 29 bị chặt phá, đốt trái phép khoảng 27.000 m2; tại lô 21, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 30, bị chặt phá, đốt trái phép khoảng 29.000 m2.

Về trạng thái rừng khu vực bị chặt phá, đốt trái phép là rừng nửa nghèo tái sinh tự nhiên chưa có trữ lượng. Thửa đất số 29 và thửa đất số 30 Nhà nước đã giao cho 2 người dân trú tại bản Cam, xã Cam Lâm quản lý theo Nghị định 163/NĐ-CP. Tuy nhiên, 2 người dân này đã chuyển nhượng 2 thửa đất số 29 và số 30 cho ông Nguyễn Trọng Sơn, thường trú tổ 12, Thủy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Sau đó, ông Nguyễn Trọng Sơn đã bán lại 2 thửa đất này cho ông Nguyễn Trọng Niệm (SN 1972), thường trú tại bản Cam, xã Cam Lâm.

Vào ngày 25/3/2024, ông Nguyễn Trọng Niệm đã đến Hạt Kiểm lâm Con Cuông để đầu thú về hành vi hủy hoại rừng của mình tại các thửa đất nói trên. Đồng thời, khai đã thuê một nhóm người chặt phát các cây nứa, cây gỗ nhỏ, các loại cây cỏ khác tại các thửa đất 29, 30 trong 4 ngày; dịp cuối tháng 2/2024, thì tiếp tục thuê người cưa hạ các cây lớn mà trước đó chưa chặt được, và đốt toàn bộ khu vực đã chặt phá cây rừng.

bna_phá rừng 2. CTV.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra, đo đạc diện tích rừng bị phá trên địa bàn xã Cam Lâm. Ảnh: C.T.V

Ở xã Bình Chuẩn có 1 vụ phá rừng được phát hiện ngày 16/2/2024, tại khe Chà Lan, bản Nà Cọ, trên thửa đất rừng sản xuất số 6, tờ bản đồ số 5; diện tích bị chặt phá khoảng 40.000 m2. Thửa đất rừng này được Nhà nước giao cho 1 hộ dân ở bản Nà Cọ quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, hộ dân này đã chuyển nhượng cho người ngoài địa bàn huyện Con Cuông là ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1977), trú tại khối Hợp Thịnh, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp.

Ông Nguyễn Văn Tâm sau đó đã khai nhận tổ chức phát rừng trái phép vào những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với mục đích để trồng cây keo; và đã bị các lực lượng chức năng của xã Bình Chuẩn phát hiện, lập biên bản.

Kiểm tra, xác minh hiện trường ngày 20/2/2024 của Hạt Kiểm lâm Con Cuông, khu vực rừng bị chặt phá trái pháp luật thuộc quy hoạch rừng sản xuất, diện tích bị chặt phá khoảng 40.000m2; vị trí tại lô 111, lô 114, lô 116; Khoảnh 6; Tiểu khu 733 thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ số 5, bản Nà Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông; và trạng thái rừng là rừng tự nhiên có trữ lượng.

Theo đại diện UBND huyện Con Cuông, căn cứ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện hành thì hành vi của các đối tượng liên quan trong những vụ phá rừng nêu trên đã vượt quá mức khung xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, thành lập các tổ tuần tra, kiểm tra rừng; bảo vệ hiện trường khu vực chặt phá rừng…, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm hoàn thiện hồ sơ chuyển Công an huyện điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới nhất

x
Làm rõ 3 vụ phá rừng, huyện Con Cuông xem xét đưa các đối tượng liên quan ra xét xử lưu động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO