Làm rõ những ‘lùm xùm’ ở Bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu

Nhật Lân - Hoài Thu

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Vài ngày qua, dư luận “nóng” lên với những thông tin ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu có tình trạng hộ giàu có thẻ hộ nghèo, người đã chết nhưng vẫn nhận tiền hỗ trợ Covid - 19... Thực tế, sự việc không hẳn như vậy.

Sự thật

Sự việc ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình bắt đầu từ một người sử dụng mạng xã hội Facebook. Cuối tháng 5/2020, người này đăng một dòng trạng thái trên facebook cá nhân nói rằng bản Quỳnh 2 có hộ gia đình đời sống kinh tế khá giả nhưng vẫn có thẻ hộ nghèo, được hưởng chế độ trợ cấp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trong khi trên địa bàn có những gia đình thực sự khó khăn nhưng không được bình xét để được nhận trợ cấp. Người này còn chụp và đăng hình ảnh cửa hàng tạp hóa của ông Bùi Văn Khuyên để minh họa cho dòng trạng thái của mình. 

Ông Bùi Văn Khuyên (ngoài cùng bên phải) và con dâu Hồ Thị Phương Anh trao đổi cùng Phó Chủ tịch xã Châu Bình Lương Văn Huyên. Ảnh: Nhật Lân
Ông Bùi Văn Khuyên (ngoài cùng bên phải) và con dâu Hồ Thị Phương Anh trao đổi cùng Phó Chủ tịch xã Châu Bình Lương Văn Huyên. Ảnh: Nhật Lân

Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong nhân dân địa phương và trên mạng xã hội. Một số cơ quan báo chí, trang tin điện tử cũng quan tâm đưa tin, tạo nên một dòng dư luận nhiều chiều về công tác bình xét hộ nghèo cũng như việc chi trả tiền hỗ trợ đối tượng khó khăn trong đại dịch Covid-19 ở bản Quỳnh 2. Để đánh giá đúng bản chất sự việc này, chúng tôi đã đến bản Quỳnh 2 trực tiếp gặp gỡ những người liên quan, tìm hiểu ngọn nguồn…

Về trường hợp hộ gia đình ông Bùi Văn Khuyên, trú tại bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, có nhà ở bám Quốc lộ 48, đời sống kinh tế khá giả. Theo ông Khuyên cho biết: “Cả tuần nay có thông tin trên mạng xã hội nói rằng gia đình tôi dù có cửa hàng tạp hóa “khủng”, có xe ô tô nhưng vẫn là hộ nghèo và được nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 của Nhà nước. Tuy nhiên, tôi khẳng định gia đình tôi chưa bao giờ nằm trong danh sách hộ nghèo của bản Quỳnh 2 nên không có chuyện chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19”.

Ông Bùi Văn Khuyên cho biết thêm, sở dĩ có chuyện hiểu lầm là do dịp xã chi trả chế độ hỗ trợ dịch Covid - 19 thì con dâu ông Khuyên là chị Hồ Thị Phương Anh có lên xã để làm các thủ tục, giấy tờ về hộ khẩu. Người đăng facebook bắt gặp nên lầm tưởng là lên nhận tiền hỗ trợ. Sau khi biết là đăng tin sai, người này đã gỡ thông tin trên facebook và xin lỗi gia đình.

Bà Nguyễn Thị Đức (ảnh trên) đang bị bệnh nằm liệt giường đã 4 năm và đang được chăm sóc tại căn nhà của con trai bà Đức. Ảnh: Hoài Thu
Bà Nguyễn Thị Đức (ảnh trên) đang bị bệnh nằm liệt giường đã 4 năm và đang được chăm sóc tại căn nhà của con trai bà Đức. Ảnh: Hoài Thu
Có 2 trường hợp được báo chí, dư luận quan tâm đó là hộ ông Nguyễn Văn Lai và hộ bà Nguyễn Thị Đức. Họ được “xác định” là có hoàn cảnh kinh tế khá giả, có nhà đẹp nhưng lại được công nhận hộ nghèo, được hưởng chế độ hỗ trợ.
Thực tế, thì không như vậy. Về trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Đức, là hộ nghèo 1 khẩu. Bà bị tai biến nặng, và nằm liệt trên giường bệnh đã 4 năm qua. Trước đây bà Đức cùng với chồng sống tại nhà riêng (cũng ở bản Quỳnh 2). Năm 2019, chồng bà Đức qua đời, vì vậy, bà được đưa về nhà của người con trai để tiện chăm sóc. Gia đình người con trai của bà Đức khá đẹp, nên đã có sự hiểu nhầm.
Giấy chứng nhận hộ nghèo của Bà Đức.
Giấy chứng nhận hộ nghèo của Bà Đức.

Về gia đình ông Nguyễn Văn Lai, sống chung với mẹ kế và bố đẻ. Cả hai người đều già cả, đau yếu (bố ông Lai mới mất cuối tháng 5/2020), trong khi đó bản thân ông Lai mất sức lao động nên được người dân bình xét cho được hộ nghèo. Về ngôi nhà ở “gây điều tiếng” của ông Lai, ở thời điểm bản bình xét hộ nghèo (tháng 11/2019) thì chưa được xây dựng. Ngôi nhà cũ hiện vẫn còn nằm phía sau ngôi nhà mới, lợp proximang. Để có ngôi nhà mới kề sát Quốc lộ 48 để vừa có nơi ở vừa mở cửa hàng kinh doanh, ông Lai phải vay ngân hàng và nhờ những người con của bà mẹ kế với bố đẻ giúp đỡ.

Cũng liên quan đến bản Quỳnh 2, dư luận còn cho rằng, có những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không được hộ nghèo, như hộ anh Hồ Bá Trung, hộ anh Hồ Bá Hậu, Biện Tiến Đức…; tuy nhiên, sự việc không như vậy.
Anh Hồ Bá Trung (ngoài cùng bên trái) khẳng định không thắc mắc việc gia đình anh không được hộ nghèo. Ảnh: Hoài Thu
Anh Hồ Bá Trung (ngoài cùng bên trái) đã đi lao động tại Trung Quốc hơn 1 năm, đầu năm 2020 mới về nhà. Ảnh: Hoài Thu

Với trường hợp hộ gia đình anh Hồ Bá Trung, trước đây là hộ nghèo của bản Quỳnh 2. Năm 2019, anh Trung sang Trung Quốc lao động (trái phép), còn vợ thì đi làm công ty ở tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm bản Quỳnh 2 bình xét hộ nghèo (cuối năm 2019), cả hai vợ chồng anh Trung không có mặt tại địa phương nên không được đưa và diện bình xét. Khi được trao đổi thông tin, trong căn nhà mới sửa của gia đình, anh Hồ Bá Trung đã nói là “không thắc mắc gì về trường hợp của gia đình mình”; và cho biết do anh đi lao động chui nên không có giấy tờ của công ty bên Trung Quốc chứng nhận nên không làm được thủ tục xin hỗ trợ, còn vợ thì có xác nhận của công ty nên đã nộp đơn lên xã để chờ ngày nhận chế độ.

Với hộ gia đình anh Hồ Bá Hậu (là em trai anh Hồ Bá Trung) có 4 khẩu. Theo lời người vợ của anh Hậu thì anh hành nghề lái ô tô, thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/tháng; chị là lao động phổ thông, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng (180.000 đồng/ngày công). Mức thu nhập của hai vợ chồng này khoảng từ 10 - 11 triệu đồng/tháng. Theo tiêu chí về thu nhập đối với hộ được công nhận là hộ nghèo theo quy định là 700 ngàn đồng/tháng. Vì vậy, hộ anh Hậu không đủ điều kiện để “được” bình xét là hộ nghèo.
Phóng viên Báo Nghệ An và cán bộ xã Châu Bình đi thực tế tại bản Quỳnh 2 xã Châu Bình. Ảnh: HT
Phóng viên Báo Nghệ An và cán bộ xã Châu Bình kiểm tra thực tế tại nhà anh Hồ Bá Trung, Tô Thị Thơm tại bản Quỳnh 2, xã Châu Bình. Ảnh: Nhật Lân

Cách nhà anh Hồ Bá Trung không xa là hộ ông Biện Tiến Đức. Hộ ông Đức có 4 khẩu. Ngôi nhà ở của ông Đức được xây theo chế độ hỗ trợ làm nhà 167 năm 2014. Theo ông Đức cho biết, ông hiện nay không còn sức lao động, nhưng vợ ông và  2 người con trai thì vẫn có thể kiếm được thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Ông Đức trao đổi: “Việc tôi không được bình xét là hộ nghèo tôi không có thắc mắc gì cả, vì trong bản còn có người nghèo hơn gia đình tôi. Tôi chỉ không đồng tình là trong bản có hộ có xe ô tô nhưng là hộ nghèo, nhận tiền hỗ trợ…”. Đề nghị ông làm rõ trường hợp “hộ có xe ô tô nhưng là hộ nghèo, nhận tiền hỗ trợ”, ông Biện Tiến Đức chối, vì là ông nghe kể chứ không nhìn thấy, vì “tôi hàng ngày ít giao tiếp, chỉ đưa cháu từ nhà ra đến trường mầm non (cách nhà 50m) rồi về".

Nhức nhối nhất ở bản Quỳnh 2 là về thông tin có 3 trường hợp đã chết nhưng vẫn nhận chế độ hỗ trợ Covid-19. Xác minh, có sự việc này, nhưng có những tình tiết éo le. 3 trường hợp này gồm chị Hồ Thị Thu (mất năm 2019), anh Hồ Nam Nguyên (mất tháng 1/2020) và ông Hồ Nam Sơn (mất tháng 2/2020).
Chị Hồ Thị Thu sinh năm 1978, là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi).  Chị Thu qua đời vì bệnh ung thư, 2 đứa con thành trẻ mồ côi, ở với em trai chị Thu. Nhưng khốn khổ, người em trai chưa lập gia đình, không có việc làm ổn định, hay đi lang thang nên hai đứa trẻ thường phải nương nhờ các gia đình láng giềng và các tổ chức hội trong bản, trong xã.
Trưởng bản Quỳnh 2 Tô Duy Tòng trao đổi với phóng viên về việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo của bản. Ảnh: HT
Trưởng bản Quỳnh 2 Tô Duy Tòng (thứ 2 phải sang) trao đổi với phóng viên về việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo của bản. Ảnh: HT
Còn anh Hồ Nam Nguyên và ông Hồ Nam Sơn ( là hai bố con). Hai bố con anh Nguyên chết cách nhau chưa đầy 1 tháng. Anh Hồ Nam Nguyên có vợ nhưng vợ bỏ đi từ khi có con mới 3 tháng tuổi. Anh Nguyên một mình nuôi con trai (nay đã 5 tuổi) thì anh bị bệnh mất, để lại cháu cho bà nội. Mẹ anh Nguyên (tức là vợ ông Hồ Nam Sơn) hiện nay đã già yếu không có khả năng lao động nhưng phải nuôi 1 đứa con trai út bị tàn tật từ nhỏ, và giờ phải nuôi thêm cháu nhỏ.
Theo cán bộ xã Châu Bình cho biết, sau khi phát hiện 3 trường hợp đã qua đời mà vẫn nhận chế độ hỗ trợ Covid - 19, xã đã thu hồi lại tiền. Dẫn đến nguyên nhân “lọt” các trường hợp này vào danh sách chi trả, cán bộ chính sách xã Châu Bình nhận lỗi là do sơ suất không kiểm tra kỹ.
Cán bộ này trao đổi: “Thu hồi lại số tiền hỗ trợ là đúng, quy định của Nhà nước thì phải thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng áy náy vô cùng vì các gia đình này quá khó khăn…”.
Căn nhà đang xây dở của anh Hồ Nam Nguyên. Con trai và mẹ của anh Nguyên. Ảnh:PV
Hoàn cảnh gia đình anh Hồ Nam Nguyên (đã mất tháng 1/2020). Ảnh:PV

Nông thôn mới cần lộ trình phù hợp

Bản Quỳnh 2 là địa phương thuận lợi về giao thông, với QL48 chạy ngang; người dân trong những năm vừa qua được hưởng lợi từ dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, thông qua việc Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2018, bản Quỳnh 2 có 77 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo; năm 2019 qua bình xét, còn 40 hộ nghèo, 58 hộ cận nghèo. Năm 2020, bản Quỳnh 2 đăng ký phấn đấu đạt nông thôn mới cấp tỉnh vào cuối năm, và được UBND huyện Quỳ Châu phê duyệt. Để đạt được danh hiệu nông thôn mới, tiêu chí hộ nghèo là một trong những điều kiện tiên quyết. Chính vì vậy, theo từng quý, Ban quản lý bản và UBND xã sẽ có rà soát về tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo. Đầu tháng 6/2020, Ban quản lý bản Quỳnh 2 qua rà soát xác định số hộ nghèo có thể giảm từ 40 hộ xuống còn 8 hộ; 58 hộ cận nghèo giảm còn 23 hộ. Từ rà soát này, UBND xã Châu Bình cũng dự kiến đến thời điểm tháng 6/2020, bản Quỳnh 2 có 57 hộ có thể thoát nghèo và cận nghèo.

Tuy nhiên, việc làm này của bản Quỳnh 2 và xã Châu Bình ở thời điểm chi trả kinh phí hỗ trợ dịch Covid - 19 đã khiến gia tăng nghi vấn về sự không công bằng, chính xác trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo. Lý do bởi việc bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2020 được hoản thành cuối tháng 10/2019, đến nay mới được 8 tháng. Trong 8 tháng qua, có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và mất thêm khoảng hơn 2 tháng dịch bệnh Covid - 19, thực hiện cách ly toàn xã hội. 
Hoàn cảnh gia đình chị Hồ Thị Thu (đã mất năm 2019). Ảnh: PV
Hoàn cảnh gia đình chị Hồ Thị Thu (đã mất năm 2019). Ảnh: PV
Dù bản Quỳnh 2 là địa phương miền núi, ít bị ảnh hưởng thì cũng khẳng định trong khoảng thời gian này không thể có chuyện 57 hộ “thần tốc” vượt nghèo. Nếu có chuyện như vậy, chỉ có thể là ép vượt nghèo, hoặc trước đây bình xét chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định.
Hỏi về chuyện này, nhiều hộ dân ở bản Quỳnh 2 cũng bày tỏ sự băn khoăn. Như ông Bùi Văn Khuyên đã thẳng thắn rằng: “Về bình xét hộ nghèo và cận nghèo của bản, do vẫn còn có sự cả nể, nên có một vài hộ chưa thực sự sát. Nhưng nếu cùng lúc đưa ra đến 50 - 60 hộ nghèo, cận nghèo thì không đúng. Trong số này, có nhiều hộ vẫn đang rất nghèo. Tôi đề nghị xem lại cho bà con…”.

Trao đổi, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Ngô Đức Thuận khẳng định huyện không có động thái đưa ra danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với 57 hộ gia đình ở bản Quỳnh 2. Vì hộ nào muốn thoát nghèo giữa chừng thì phải có đơn xin thoát nghèo; còn quyền lợi của hộ nghèo, theo quy định được xác định từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020. “Không ai được quyền cắt bỏ quyền lợi của dân nếu họ không tự nguyện có đơn...” - ông Ngô Đức Thuận trao đổi. Để giải quyết các vấn đề ở bản Quỳnh 2, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nói: “Chúng tôi đang cho rà soát chặt chẽ lại việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ở bản Quỳnh 2, toàn xã Châu Bình và các xã trên địa bàn. Sở LĐ-TB&XH ngày 10/6 cũng đã về kiểm tra ở bản Quỳnh 2. Huyện Quỳ Châu sẽ thực hiện nghiêm túc việc rà soát, để thu hồi lại kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với những hộ gia đình không đảm bảo đủ các tiêu chí theo quy định hộ nghèo và hộ cận nghèo để hoàn trả lại ngân sách. Những cá nhân, tổ chức làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Thuận khẳng định.

Trung tâm bản Quỳnh 2 xã Châu Bình. Ảnh: NL
Trung tâm bản Quỳnh 2, xã Châu Bình. Ảnh: NL
Từ nhiều năm qua, việc bình xét tiêu chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa phương miền núi, vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Ở bản Quỳnh 2 cũng không phải là ngoại lệ. Cụ thể như trường hợp 3 người con của Trưởng bản Tô Duy Tòng. Trưởng bản Quỳnh 2, ông Tô Duy Tòng có 6 người con, trong đó có 3 người con gái đã lập gia đình và là hộ cận nghèo. Sau khi có dư luận, Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Châu và xã Châu Bình đã kiểm tra, chấm điểm lại. Kết quả, cả 3 hộ con ông Tô Duy Tòng đều đạt số điểm, thậm chí là thừa số điểm để công nhận là hộ cận nghèo. Nhưng dù vậy, trên địa bàn có một vài hộ dân ở mức tương đương nhưng không phải là hộ cận nghèo. Việc cán bộ trưởng bản cùng lúc có 3 con là hộ cận nghèo, trong khi có một số hộ có hoàn cảnh tương tự lại không được xét; bình thường thì không ai để ý, nhưng ở thời điểm Chính phủ cho hưởng chế độ hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 (750.000 đồng/khẩu), đương nhiên sẽ có những lời đàm tiếu.
Vì vậy, trước mắt huyện Quỳ Châu cần chỉ đạo kiểm tra rà soát việc chi trả chế độ hỗ trợ dịch Covid - 19 trên toàn địa bàn; trong thời gian tới, cần chỉ đạo chính quyền các xã kiểm tra, giám sát thật sát sao việc bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo ở các thôn bản để tránh tình trạng cả nể dẫn đến làm sai. Để qua đó, không có những chuyện tương tự như ở bản Quỳnh 2 tái diễn.

tin mới

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa bàn xa nhất phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 23,099km đường biên tiếp giáp với huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với nhiều đường mòn, lối mở; có Quốc lộ 7A đi qua và Cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào...

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

(Baonghean.vn) - Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2.

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

(Baonghean.vn) - Di dời, giải tỏa thành công ngôi nhà ở giữa khuôn viên trường tiểu học sau 6 năm; hoàn thành ghép 2 cụm dân cư đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

(Baonghean.vn) - Cho tôi hỏi, cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ gây thất thoát 100 triệu đồng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? Vấn đề quan tâm của chị Ngân Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An).

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã nhiều lần dời thời hạn bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua huyện Yên Thành vẫn còn gần 2km chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. 

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

(Baonghean.vn) -Đêm xuống, Nguyễn Văn Chương mang bộ đồ câu ếch rời khỏi nhà. Ít ai biết rằng, “thành quả” trong những đêm đi soi ếch là những món hàng có giá trị do người đàn ông này đột nhập nhà riêng hay cửa hàng của người dân quanh vùng để lấy trộm.

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu qua biên giới và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.