Lan tỏa giá trị nhân văn của các hoạt động trong mùa Vu lan báo hiếu
(Baonghean.vn) - “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, từ bao đời nay, đạo hiếu là một trong những điều tuyệt vời làm nên phẩm cách, tâm hồn người Việt Nam. Mùa Vu lan về là dịp để mỗi người làm con cháu thể hiện lòng tri ân đối với đấng sinh thành.
Từ một nghi lễ Phật giáo, Vu lan báo hiếu đã vượt ra khỏi không gian tín ngưỡng, trở thành một hoạt động văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân văn, mang tính giáo dục sâu sắc đối với con người, để cả xã hội sống trong tình yêu thương và sự bao dung.
Đã nhiều năm nay, Vu lan báo hiếu luôn là ngày lễ trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Vượt lên trên màn sương huyền ảo của một câu chuyện về Đức mục Kiền Liên Bồ tát cứu mẹ trong Phật giáo, hoạt động Vu lan báo hiếu không còn bó hẹp trong những ngôi chùa, hay không gian thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình mà đã mở rộng ra xã hội với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội và công chúng yêu nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật "Ơn nghĩa sinh thành" diễn ra đêm 24/8 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên sóng nhiều Đài truyền hình khắp cả nước là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa dành cho mọi người, nhất là những người trẻ, trong hành trình gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là hiếu thảo, trọng đạo nghĩa gia đình, trên kính dưới nhường, là lòng biết ơn vô bờ với cha mẹ - người cho ta hình hài, dạy dỗ ta nên người và dõi theo, yêu thương, che chở ta suốt cả cuộc đời.
Với quy mô tổ chức và dàn dựng công phu, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như: Tùng Dương, Quang Dũng, Hiền Thục, Minh Quân, Sao mai Ngọc Ký, Sao mai Thu Thủy, Lê Anh, Lê Trang, Ngọc Khánh Chi (Á quân Gương mặt thân quen 2022)... “Ơn nghĩa sinh thành 2023” là chương trình nghệ thuật sâu lắng, giàu xúc cảm, ngợi ca công ơn của cha mẹ, góp phần gìn giữ những giá trị nhân bản trong truyền thống của người Việt Nam là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Chương trình đã đưa khán giả đến với không gian của “Mùa hiếu hạnh”, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cha mẹ, để mỗi người làm con luôn nhớ về bổn phận của mình, mà làm nhiều việc hiếu nghĩa thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với đấng sinh thành.
Mỗi ca khúc, mỗi câu chuyện, tiểu phẩm trong chương trình mang đến cho khán giả một tiếng lòng chạm vào tim mỗi người. Đây là giây phút để những người thân yêu được ngồi lại với nhau, lắng nghe lời ca tiếng nhạc để cảm nhận không khí gia đình, hay những người con ở bốn phương được gửi gắm nỗi nhớ mong của mình với mẹ cha nơi quê nhà yêu dấu.
Tình cảm gia đình, công ơn cha mẹ, nghĩa sinh thành là đề tài muôn thuở trong thơ ca, âm nhạc. Bởi lẽ, dù bạn là ai, sinh ra từ đâu, sinh sống ở phương nào thì đều không thể không nhớ về nguồn cội của mình. Cha mẹ cho ta cᴜộc sống, dạy ta những bước đi đầu tiên tɾong đời và cũng là người sẵn sàng đón nhận ta khi vấp ngã. Sau tất cả, ngoài kia dù sóng gió đến đâu, thì khi trở về nhà, vẫn còn những người sẵn sàng ôm ấp, che chở, tha thứ cho ta vô điềᴜ kiện. Đó chính là gia đình, là nơi không thể rời bỏ nhaᴜ, luôn tìm thấy nhau trong mọi nghịch cảnh.
Vì thế mà dù cuộc sống có đổi thay, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống công nghiệp. Thậm chí dù là người theo các tôn giáo khác nhau, hoặc không theo tôn giáo nào, thì chữ hiếu vẫn luôn là một phẩm chất vô cùng giá trị trong mỗi người Việt Nam. Đó là sự tôn trọng, trân quý và báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Mùa Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Nếu như ở phương Tây, người ta ngợi ca công ơn và tình thương của cha mẹ bằng các ngày lễ “Mother’s day & Father’s day”, thì lễ Vu Lan là kết tinh văn hóa của đạo hiếu đối với các dân tộc theo văn hóa Á Đông, chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Đạo hiếu luôn có sẵn trong tâm thức của mỗi người, đứng đầu tiên trong đạo làm người. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, chữ hiếu lại được kết hợp để thành những từ ghép như: Hiếu đạo(đạo làm con), hiếu dưỡng(chăm sóc, nuôi dưỡng), hiếu đễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị), hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hoà thuận với anh em)...
Công ơn cha mẹ đã thấm nhuần vào truyền thống văn hóa dân tộc, được thể hiện qua ca dao, tục ngữ, văn thơ, chuyện kể… Những câu ca dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam là ca dao về tấm lòng của Mẹ. “Vì con sống, Mẹ suốt đời lam lũ. Vì con vui, Mẹ gánh hết buồn đau”.
Cha Mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Công lao ấy cao tựa Thái Sơn, tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Đạo làm con phải biết hiếu kính với đấng sinh thành; biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống kính trên nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách để thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. Chả thế mà báo đáp công ơn cha mẹ bằng việc phụng dưỡng hằng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật... luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong của lòng hiếu thảo. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ tất sẽ bị xã hội lên án.
Thật đáng trân trọng khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ tham gia lễ hội Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan với tất cả sự thành kính thiêng liêng, để khi cài lên ngực một bông hồng, mỗi người lại có dịp nhìn lại mình và những việc mình đã làm đối với đấng sinh thành. Ngày càng có nhiều tấm gương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, những gia đình văn hóa, gia đình tam, tứ đại đồng đường, những lễ mừng thọ trang trọng, thành kính, giúp người già thêm vui để sống khỏe trong tình thương yêu, sự hiếu thuận của cháu con.
Tuy nhiên, có một góc khuất khác không thể không nhắc tới. Đó là vẫn còn xảy ra một số vụ con cái ngược đãi cha mẹ. Đã có không ít những đứa con bất hiếu đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn bạo hành với người đã mang nặng đẻ đau mình vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào các trung tâm bảo trợ xã hội, dưỡng lão, hoặc lang thang kiếm sống đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.
Báo hiếu cho đấng sinh thành, mỗi người, có một điều kiện thể hiện khác nhau. Nhưng chưa chắc, một đại gia tổ chức đám mừng thọ cha mẹ linh đình với hàng trăm quan khách, ô tô vòng trong vòng ngoài ở thành phố với mâm cỗ đạm bạc của một nông dân nghèo ít chữ trong ngày “ Giỗ sống Cha Mẹ” theo phong tục của đồng bào dân tộc Chức ở các huyện miền núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, ai sẽ hiếu thảo với cha mẹ hơn ai! Bởi người già lắm bệnh tật, nhu cầu vật chất không nhiều. Điều quan trọng là tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của con cháu.
“Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người” - nhắc lại câu nói này của Mạnh Tử về đạo hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ để thấy rằng, không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là bình thường!
Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Là con cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với ông bà, cha mẹ mình. Bất hiếu, đồng nghĩa với vứt bỏ những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc. Cũng là vứt bỏ chính bản thân mình./.