Luật đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao
(Baonghean.vn) - Chiều 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Chiều 9/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Quang Khánh |
Tại phiên làm việc, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Các ĐBQH đã biểu quyết thông qua với 444 biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 89,16%. Việc thông qua dự thảo Luật này sẽ góp phần sử dụng tần số vô tuyến điện một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia.
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Quang Khánh |
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức; thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
ĐBQH phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Quang Khánh |
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 9/11, các đại biểu tập trung vào nội dung về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm “thảm họa”, “sự cố”; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự và những vấn đề khác đại biểu quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tại phiên làm việc chiều 9/11 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trước đó, trong sáng 9/11,các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu.