Mang tiếng hát đến rừng xa, biển thẳm
(Baonghean) - Như bao nhiêu đồng đội khác, khi bước chân vào đời lính biên phòng, chúng tôi xác định mình phải đặt chân đến những nơi xa xôi, cheo leo và hiểm nguy nhất của 2 tuyến biên giới. Nơi ấy có những người dân một đời chưa biết đến ánh sáng điện, chỉ biết đến thứ luật tối thượng nhất là “luật bản, luật mường”, nơi ấy có những người lính trẻ hàng năm trời chưa nghe một giọng con gái, chỉ biết giấu nỗi nhớ quê vào tiếng sóng gào…
Bạn đã bao giờ ngủ giữa đại ngàn, giữa muôn trùng sên vắt và nỗi lo thú dữ đến ăn thịt? Có, chắc hẳn đó là một chuyến du lịch trải nghiệm. Còn chúng tôi, 11, 12 con người của Đội Tuyên truyền văn hóa đã có nhiều đêm như vậy đấy. Chiếc xe hồng thập tự cũ của Liên Xô, bít bùng như chiếc lò nung chở anh em chúng tôi cùng toàn bộ đạo cụ bị sa lầy trên đường vào Thông Thụ (Quế Phong).
Trời đã gần tối, còn đoạn đường hơn 10 cây số mới vào đến bản. Tối phải diễn rồi, biết làm sao? Chúng tôi chia nhau, người chặt nứa, căng màn sân khấu làm bạt che, người đốt lửa sưởi, người chạy máy nổ lấy ánh sáng, tiếng động mà xua thú dữ, còn tôi và một anh nữa đi bộ vào bản xin cơm bà con, đồng thời thông báo hoãn buổi biểu diễn tới hôm sau.
10 cây số cheo leo tới bản, chứng kiến bà con đang háo hức chờ đêm biểu diễn mà thương. Nhưng khi biết anh chị em diễn viên mắc kẹt giữa rừng, bà con còn thương chúng tôi hơn. Nhà nào nhà nấy góp cơm, gạo, gà, rau nấu nướng để chúng tôi kịp mang ra.
Đêm ấy, trong tiếng gió rít, cái lạnh của rừng đêm như muốn thấu tim, tôi thấy chị Giang, chị Hoa… (những nữ chiến sỹ của đội) đã lén lau nước mắt. Họ vừa bắt giúp nhau con vắt đốt máu chảy ròng ròng loang hết cả vạt áo. Họ vừa kịp nhắc đứa con nhỏ chưa dứt cơn sốt miệng vẫn gọi mẹ, mà vì nhiệm vụ mẹ phải lên đường. Mẹ xin lỗi con, biết con nằm viện nhưng mẹ không thể vắng mặt trong một vai diễn.
Thế mà, những người mẹ ấy, khi lên sân khấu, lại quên hết đi những muộn phiền. Tiếng hát họ cất lên, như thể hay hơn, đằm hơn vì đã có vị mặn của nước mắt, của những lặng lẽ hy sinh. Sau cánh gà sân khấu, qua mỗi tiết mục biểu diễn, tôi vẫn thấy những đôi mắt rưng rưng. Nhưng lần này là vì hạnh phúc. Có diễn viên nào như chúng tôi không, thay bằng những bó hoa rực rỡ, chúng tôi nhận được quả bí rẫy, bó lá dong và thậm chí cả…đầu con đại bàng đất đã được phơi khô (người dân vẫn hay săn được đại bàng đất và cái đầu đại bàng được xem là món đồ quý)?
Đội Tuyên truyền văn hóa (Bộ đội Biên phòng tỉnh) biểu diễn tại Mường Típ, Kỳ Sơn |
Cũng chuyến đi đó, khi trở ra, xe chúng tôi bị sụt bánh trên đoạn dốc lầy. Chỉ khi xuống xe, chúng tôi mới thấy hết được sự hiểm nguy mà mình vừa trải qua, bởi cái xe hồng thập tự bít bùng làm gì có ô cửa mà nhìn xuống được. Bánh xe trước của chúng tôi đã bị rơi hẫng xuống vực nhưng may mắn có một thân cây nằm chồi ra, chắn lại. Cả đội nhìn nhau. Chúng tôi không biết nói gì. Ai cũng tin rằng, lúc đó, cứu mình chỉ có sự may mắn đến từ Thượng Đế. Nếu như không có gốc cây, hẳn rằng “cả đội sẽ mãi mãi được ở bên nhau dưới vực sâu” như lời ai đó vừa kịp thốt ra.
Một lần khác, xe nổ lốp trên đường 7. Lần ấy, là chuyến đi đầu tiên của mấy em lính trẻ mới vào đội như Mai Anh, Khuê, Hiền. Các cô ấy sợ xanh mắt, nhưng đã được chuẩn bị tinh thần với những khó khăn từ trước, cộng với “tinh thần thép” của các anh chị em trong đội “chuyện thường mà”, nên dần mọi nỗi lo lắng cũng qua nhanh.
Một tiết mục tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật Đội biểu diễn cho bà con Nậm Càn, Kỳ Sơn |
Năm 1993 Đội chúng tôi thành lập với những cái tên của những ngày đầu tiên ấy: Hương Giang, Nam Hà, Trần Hoa… rồi năm 1995 là Quang Ninh năm 1996 là Anh Tuấn, Thế Tuấn, Kiều Vinh… còn “bám” đội tới giờ. Không thiếu những chặng hành quân hàng ngày trời đi bộ mới tới nơi biểu diễn. Có những nơi chúng tôi là những người làm nghệ thuật đầu tiên và duy nhất thời điểm đó đặt chân đến. Có những điểm mà đạo cụ mang theo được chỉ duy nhất là cây đàn ghi ta thôi. Ấy vậy mà cũng làm nên đêm biểu diễn đầy hứng khởi và xúc động.
Anh em trong đoàn vẫn thường nhận nhiệm vụ cõng chị em vượt rừng, vượt suối, nhất là khi chị em mệt, đến “kỳ”. Anh Trần Nam Hà là người có “công” cõng chị em qua suối nhiều nhất đội. Mệt, vất vả là thế, nhưng tôi chưa thấy bao giờ chị em kêu ca. Họ yêu nghề đã đành, nhưng sự trải nghiệm ấy cho họ thấy nhiều điều hơn thế, và họ đã tự mình “lớn lên” sau những trải nghiệm, thậm chí tôi tin rằng họ còn lặng lẽ tự hào với công việc, hạnh phúc hơn với những gì mình đã đóng góp.
Bạn hãy tưởng tượng rằng, vượt quãng đường xa giữa trời mưa rét, có người đi xe xóc nôn thốc nôn tháo, nhưng khi vào đến bản, chứng kiến cảnh bà con và chiến sỹ biên phòng, dẫu chỉ có dăm chục con người đang ngồi dưới mưa chờ xem biểu diễn chẳng ai còn mệt nữa. Chúng tôi vẫn quyết định diễn dưới mưa, dặn nhau rằng, khi hát đừng chạm môi vào micro nhé, vì “dính” mưa nên điện hở, chạm vào là… giật.
Chúng tôi vừa hát, vừa khóc. Nước mắt hòa lẫn nước mưa, vì thương bà con, thương chiến sỹ… Cả năm trời, họ mong biết mấy thứ “ánh sáng” mà chúng tôi mang lại. Lần ấy, chúng tôi diễn ở Buộc Mú (Kỳ Sơn).
Các chiến sỹ đội tuyên truyền trong một lần ra với Đảo Trường Sa Đông. |
Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong Đội Tuyên truyền của chúng tôi còn là những lần ra với đảo và nhà giàn. Những điểm đảo mà nghe đến tên đã thấy hết những vất vả, gian nan: đảo Trường Sa, đảo Đá Lớn, đảo Len Đao, Sinh Tồn… Và chỉ khi ra đảo, chúng tôi mới thấy mọi vất vả gian nan của mình chưa thấm tháp vào đâu với những người lính nơi này.
Nếu như trên tuyến biên giới đất liền, chúng tôi đi lạc đường cũng còn biết rồi sẽ có một nơi nào sẽ sáng đèn, sẽ có hơi ấm của bản làng cho mình nương tựa, thì giữa biển đảo bao la, những hòn đảo, những nhà giàn mong manh như chiếc lá giữa trùng khơi mịt mùng. Những chiếc lá bị bủa vây giữa muôn trùng sóng dữ.
Chị Hương Giang đang hát giao lưu cùng chiến sỹ trên đảo Trường Sa |
Dọc quãng đường ra đảo chúng tôi ai cũng say sóng, nhưng khi nhìn thấy đảo của ta, nhà giàn của ta với những bàn tay vẫy háo hức, anh chị em tỉnh dậy. Chúng tôi cất tiếng hát, không cần nhạc đệm, hát như thể chỉ còn cơ hội duy nhất để hát vậy. Có những người lính đảo mấy năm rồi không gặp mẹ. Cứ được về quê là lại xin ở lại “vì không đành lòng nhìn đồng đội ở lại ăn Tết giữa biển”.
Có anh sỹ quan nghe tin bố mất, anh chỉ biết ra đứng trước biển, thắp nén hương vọng về đất liền. Tôi đã từng thức trắng đêm với anh lính gác trên đảo Sinh Tồn Đông. Anh ấy kể về nỗi nhớ người thân, kể rằng các anh ấy mong đến thế nào một mái tóc dài, một giọng nữ dịu dàng, tưởng “có thể chết lịm được nếu được cầm tay một cô gái”. Và tôi đã khóc. Một người đàn ông cứng rắn như tôi cũng đã khóc khi anh lính kể về những trò bẩn khiêu khích của “tàu lạ” và các anh phải nén lòng mà nín nhịn vì chỉ một chút “mắc bẫy” là hậu quả sẽ khôn lường.
Hát cùng lính đảo trên boong tàu |
Có một câu chuyện thế này, tôi không bao giờ quên. Câu chuyện về người lính đảo chìm Len Đao. Nơi này rất hiếm mưa, mong một trận mưa để trữ nước ngọt mà mấy tháng ròng không hề có. Anh lính đảo được về thăm nhà. Nửa đêm, nghe mưa, anh lính trở dậy và như một người mộng du, anh mang hết toàn bộ xô chậu, xoong nồi ra ngồi hứng nước dưới mái hiên nhà mình. Người vợ tỉnh dậy, đầu tiên rất ngạc nhiên, nhìn chồng mình. Sau khi hiểu ra, chị đã lặng lẽ đến bên anh, và khóc: Anh ơi, đây không phải ở đảo. Anh đang ở nhà mình!
Thế đấy, vậy mà khi chúng tôi ra với đảo, chúng tôi không hề thiếu nước ngọt để uống, để tắm rửa…Và chúng tôi đã mang theo về món quà từ biển, những con ốc, những đóa hoa làm từ sò, vỏ ốc, san hô...
Bạn có thấy không, những người lính chúng tôi, ai cũng hiểu một điều, vì đồng đội, vì sự bình yên của biên cương, Tổ quốc, tất cả mọi gian nguy, thiếu thốn chúng ta phải đối mặt, và vượt qua.
Thùy Vinh
(Ghi theo lời anh Nguyễn Quang Ninh,Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa, Bộ đội Biên phòng tỉnh)
TIN LIÊN QUAN