Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thể hiện mạnh mẽ vai trò phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên

Mai Hoa 25/07/2022 18:40

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại cuộc giao ban Thường trực Tỉnh uỷ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đồng chí Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần thể hiện mạnh mẽ vai trò phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên.

Triển khai nhiều hoạt động thiết thực

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị giao ban. Ảnh: Mai Hoa

Chiều 25/7, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong quý II, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III/2022. Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị giao ban.

Tham gia có lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Trong quý II, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tình hình các tầng lớp nhân dân đã tổ chức có chiều sâu các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn với chủ trì xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình thiết thực.

Như mô hình “Đường thông, hè thoáng, xóm làng, khối phố văn minh”; các tuyến đường tự quản, kiểu mẫu, khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, đường cờ “đoàn kết”; “Hàng cây nông dân ơn Bác”; mô hình “Vườn chuẩn nông thôn mới”, “Vườn mẫu nông dân”, nhóm hộ liền kề nhà sạch - vườn đẹp; thu gom, phân loại rác thải.

Đồng chí Hoàng Đình Tuấn - Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ báo cáo kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quý II/2022. Ảnh: Mai Hoa

Một trọng tâm nữa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động, tiếp nhận và phân bổ sử dụng các loại quỹ, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, như hỗ trợ mô hình sinh kế, hỗ trợ người nghèo chữa bệnh, xây dựng nhà “đại đoàn kết”, “mái ấm công đoàn”, “mái ấm tình thương”.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã vận động hơn 136 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo và phân bổ, giải ngân xây dựng 240 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ hơn 1.000 hộ nghèo các mô hình sinh kế, hơn 1.200 người nghèo chữa bệnh; hỗ trợ 30 máy kéo cho hộ nghèo…

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An nêu kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hoạt động của Mặt trận. Ảnh: Mai Hoa

Triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong các cấp hội Phụ nữ với 546 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu; hay hỗ trợ “sổ tiết kiệm Công đoàn” cho trẻ mồ côi của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Trong quý II, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng chủ động đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, như xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, số hóa dữ liệu đoàn viên…

Đồng chí Hoàng Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ về chương trình "Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương". Ảnh: Mai Hoa

Hoạt động giám sát, phản biện tiếp tục được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm. Trong quý, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiến hành góp ý 56 dự thảo văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành; tổ chức chức 3 hội nghị phản biện xã hội; giám sát Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư tại một số huyện.

Hội Nông dân tỉnh kiểm tra việc xây dựng quỹ hội, quản lý nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, công tác nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn, hoàn thành 2 cuộc giám sát, 1 hội nghị phản biện Quy định 217-QĐ/TW; hội các cấp thành lập 37 đoàn giám sát, phối hợp giám sát 447 cuộc.

Đồng chí Phạm Thuỳ Vinh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật tỉnh báo cáo việc chuẩn bị các hoạt động vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương và tiến độ chuyển đổi mô hình hoạt động của Tạp chí Sông Lam. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh những nỗ lực, tại hội nghị giao ban cũng thẳng thắn nêu lên một số hạn chế, tồn tại ở một số địa bàn vùng đặc thù khó khăn trong việc vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động đoàn, hội. Công tác thông tin tuyên truyền và nắm bắt tình hình Nhân dân có lúc, có nơi còn thiếu chủ động.

Một số ý kiến cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ liên quan đến bố trí, sắp xếp cho bí thư đoàn cơ sở quá tuổi; sắp xếp các tổng đội Thanh niên xung phong; mô hình hoạt động của Tạp chí Sông Lam; xúc tiến các hoạt động đối ngoại Nhân dân…

Đồng chí Hồ Đăng Tài - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ phát biểu làm rõ một số nội dung đề xuất của tổ chức hội liên quan đến tổ chức bộ máy. Ảnh: Mai Hoa

4 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị giao ban, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đánh giá cao vai trò và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát các chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng để triển khai một cách hiệu quả, thiết thực; góp phần phục hồi mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, tạo đà thúc đẩy sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng lưu ý Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị để xây dựng kế hoạch riêng của từng tổ chức một cách cụ thể và triển khai hiệu quả; chú trọng công tác phối hợp giữa các tổ chức trong khối và giữa các tổ chức với các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ nhằm giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về tổ chức, về hoạt động, về cơ chế chính sách…

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ảnh: Mai Hoa

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, đồng chí Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ cần tập trung. Bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Tỉnh uỷ, của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng; trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, thu ngân sách…

Gắn với tuyên truyền để các tầng lớp nhân viên, đoàn viên, hội viên hiểu đúng, chính xác các chủ trương, định hướng, Mặt trận và các đoàn thể cũng phải tập trung lựa chọn, tổ chức các hoạt động, phong trào phù hợp với từng địa phương về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông thôn mà trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp trở thành “trụ cột” của nền kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ; nông nghiệp xanh, an toàn, nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực…; về đảm bảo an ninh trật tự, sự bình yên nông thôn; về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh uỷ tham gia hội nghị giao ban. Ảnh: Mai Hoa

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quan tâm tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; đồng thời thể hiện rõ mạnh mẽ hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân.

“Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần khẳng định hình ảnh, vai trò, tính chuyên nghiệp, kỹ năng phản biện, vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân; khi đó các hội viên, đoàn viên, Nhân dân mới thấy vai trò, cần mình và đến với mình. Ngược lại, hình ảnh của mình không những không sáng mà mất luôn trong lòng Nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quan tâm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; củng cố tổ chức hội, nhất là củng cố thông qua tiến hành đại hội ở các cấp và thành lập mới tổ chức ở các tổ chức hội đang triển khai.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng giải đáp một số đề xuất của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong đó liên quan đến kinh phí thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, trong khi chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ thì khuyến khích các tổ chức chủ động đầu tư đi trước một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng đề nghị cấp uỷ các đơn vị cấp huyện quyết liệt và có phương án bố trí hợp lý đối với bí thư đoàn xã quá tuổi hiện nay, đồng thời giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hướng dẫn cho các địa phương…

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thể hiện mạnh mẽ vai trò phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO