Mênh mang đảo chè Thanh Chương
(Baonghean) - Tôi có phần ngạc nhiên khi ngắm những chiếc thuyền trên hồ Thanh An (Thanh Chương) bởi chỉ cách đây hơn nửa năm khi ghé qua đây mặt hồ vẫn khá tĩnh lặng. Thảng hoặc mới có một vài con thuyền nhỏ của người hái chè. Thế nhưng, trên 2 bến thuyền nay có gần chục chiếc phục vụ khách du lịch. Sự ca ngợi của mạng truyền thông đã biến một vùng hồ nước với những đảo chè xinh xắn lại trở nên hút khách.
Trước đó ít lâu, vùng trồng chè xinh đẹp này vẫn còn “ngủ quên”, tôi đã có dịp ghé thăm. Từ đập nước thủy lợi có từ cách đây gần nửa thế kỷ, tôi theo một con thuyền độc mộc ra đảo chè. Sau một đợt lũ cuối mùa, mặt hồ đầy ắp nước và cũng ăm ắp sức sống.
Sau kỳ nắng hạn kéo dài, những đồi chè ven hồ và trên những hòn đảo nhỏ nổi lên giữa hồ đang lên lứa lộc mới, xanh mơn mởn. Đảo chè soi bóng xuống lòng hồ tĩnh lặng không một gợn sóng. Tôi đã không khỏi thốt lên ngạc nhiên trước một vùng cảnh quan xinh xắn đến vậy.
Quang cảnh khu vực đảo chè (xã Thanh An, huyện Thanh Chương). Ảnh: Sách Nguyễn |
Thực ra ban đầu đây chỉ là một công trình thủy lợi. Suốt mấy chục năm, kể từ khi xây dựng vào những năm 1960, công trình hồ thủy lợi Thanh An chỉ có thân đập bằng đất cốt tre, đến năm 1996 mới được bê tông hóa. Hồ thủy lợi rộng 84ha này là nguồn tưới tiêu chủ yếu cho hơn 700ha lúa nước của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương.
Khi làm đập thủy lợi, chắc hẳn chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện nơi đây sẽ thành một vùng trồng chè nguyên liệu và trở thành một vùng cảnh quan xinh xắn, thanh bình như thế này. Hơn một năm về trước, trong một phút ngẫu hứng, tôi có đem câu chuyện phát triển vùng trồng chè thành điểm du lịch.
Ông Võ Văn Sơn, người quản lý công trình thủy lợi này chia sẻ rằng, việc này khá khó khăn, mặc dù chính quyền địa phương, thậm chí một vài đoàn khách nước ngoài cũng đã tìm đến khảo sát.
Thế nhưng, chỉ sau đó chừng nửa năm, vào dịp nghỉ lễ 30/4, lượng người kéo đến tham quan đảo chè khá đông đúc. Lượng du khách tìm đến hồ Thanh An cũng duy trì thường xuyên suốt mùa hè vừa qua. Một số hộ dân trong xã đã đầu tư sắm sanh thuyền máy, nuôi gà, lợn mở hàng quán phục vụ du khách.
Chúng tôi trở lại vùng đảo chè, khi đi qua quãng đường Hồ Chí Minh thuộc xã Thanh An thì bắt gặp một tấm áp phích quảng cáo về điểm du lịch mới xuất hiện này. Suốt hơn một cây số, trên con đường rải nhựa vào bến thuyền, tôi nhận ra những đồi chè nơi đây đã có một cuộc “trỗi dậy” đầy ngoạn mục. Từng ngọn đồi xanh mướt mắt trải rộng cả góc trời. Những đồi chè kéo dài ra tận mép nước. Những đồi chè vây quanh mặt hồ mênh mông.
Người dân thu hoạch chè trên khu vực đảo chè. |
Trời đã chuyển lạnh, lại vào ngày làm việc nên bến thuyền của anh Nguyễn Viết Thắng trú đội 13, xã Thanh An có vẻ vắng khách. Không có khách đi ra đảo, anh Thắng tranh thủ ra hồ đánh cá. Thủy sản ở đây chủ yếu là rô phi, trôi, mè được ngành Thủy lợi thả xuống hàng năm. Anh Thắng cho hay, trước kia chỉ chuyên nghề đánh cá và chỉ dùng thuyền chèo.
Từ hơn nửa năm về trước, lượng người tìm về thăm thú hồ nước, ra đảo chè nhiều nên anh và mấy anh em trong họ hùn vốn sắm thuyền mở dịch vụ đưa, đón khách ra đảo. Nhóm của anh có 8 người tham gia với 4 thuyền máy được đóng mới và có sắm áo phao cứu sinh.
Trong suốt mùa Hè vừa qua, ngày nào cũng có người tìm đến đảo chè. Đông đảo nhất vẫn là đội ngũ giáo viên khắp nơi xa gần, nhân dịp nghỉ hè kéo nhau đi du lịch. Qua truyền thông và mạng xã hội, du khách khắp nơi tìm đến tạo thành một mùa Hè sôi động trên hồ nước và những hòn đảo nhỏ nơi đây. Nhiều người dân cư trú ven hồ cũng nắm lấy cơ hội này để làm ăn. Họ thậm chí còn mua cả giàn đầu đĩa, sắm ắc quy cỡ lớn phục vụ khách hát karaoke ngay trên thuyền. Mỗi chiếc thuyền lớn cũng chứa được hơn chục người tạo thành một nhóm hát.
Bây giờ đã chớm Đông, nhưng dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ vẫn có một lượng du khách nhất định tìm đến tham quan. Họ chủ yếu vẫn là những công chức trong các cơ quan Nhà nước nên tranh thủ “xả hơi” vào ngày nghỉ.
Đưa đàn dê ra nuôi trên đảo chè. |
Trong những giờ lang thang với chiếc thuyền chèo, chúng tôi gặp anh Trần Văn Thành, chèo thuyền chở đàn dê 6 con ra đảo chè. Anh có hộ khẩu tại đội 3, xã Thanh An ở cách hồ nước hơn 3km. Từ năm 2010, anh chuyển nhà ra ở hẳn cạnh mặt hồ để tiện chăm sóc vườn chè rồng 4,5ha. Anh cho biết, mỗi năm có khoảng 8 lứa chè. Mỗi lần hái trừ chi phí cũng bỏ túi được vài, ba chục triệu đồng. Ước tính thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm gần 200 triệu đồng.
...Giữa vùng hồ nước mênh mông trông lên những đảo chè quả là một cảnh tượng ngoạn mục, gợi nhiều cảm hứng đối với những tay máy thích săn ảnh. Vì mê những bức ảnh chụp từ trên cao của một nhóm nghệ sỹ nhiếp ảnh mà tôi đã trở lại vùng đảo chè Thanh An. Dân chơi ảnh địa phương gọi những đảo chè ở đây là “Hạ Long của xứ Nghệ”. Thế nhưng nơi đây không chỉ có sự tĩnh lặng của trời nước và những đồi chè xinh xắn mướt mát.
Tìm hiểu cuộc sống lao động của vùng chè rộng lớn này cũng là một điều thú vị. Trong buổi trưa nắng nhạt, tiếng máy hái chè vang lên khua động cái tĩnh lặng của hồ xanh, đồi xanh ấy cũng là một nét quyến rũ. Vụ này, bà con lại được mùa chè./.
Vi PhươngTIN LIÊN QUAN