Mô hình bán trú - mái nhà thứ hai của học sinh dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Mỹ Hà 27/08/2022 06:11

(Baonghean.vn) - Để học sinh yên tâm đến trường, mô hình trường bán trú và nội trú được xem là giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở các huyện miền núi cao. Tuy nhiên, để mô hình triển khai hiệu quả cần phải có những cơ chế đặc thù riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả học sinh và giáo viên trong quá trình triển khai.

Mô hình bán trú kiểu mới

Hơn 200 tỷ đồng là tổng số tiền được đầu tư xây dựng mới cho Trường THPT Kỳ Sơn và theo kế hoạch sẽ được đưa vào sử dụng từ năm học này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ đưa vào sử dụng khu ký túc xá với 122 phòng, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 1.200 học sinh là con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Việc đầu tư quy mô, bài bản, đồng bộ cũng là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo chọn Trường THPT Kỳ Sơn là 1 trong 2 trường đầu tiên thí điểm theo mô hình Trường THPT dân tộc bán trú kiểu mẫu. Ở đó, học sinh được ăn, ở tại trường. Ngoài ra, trường sẽ được tổ chức với 20 tiêu chí khác nhau như các hoạt động về kế hoạch giáo dục của nhà trường, các tiêu chí về môi trường, giáo dục ngoài giờ lên lớp, cơ sở vật chất, hiệu quả giáo dục…

Khu nhà bán trú cho học sinh Trường THPT Kỳ Sơn đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng từ năm học 2022 - 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Đáng chú ý, theo mô hình này học sinh được học 2 buổi/ngày. Ngoài việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông, trường có thể triển khai các chương trình giáo dục khác như chương trình địa phương, chương trình phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếng dân tộc. Bên cạnh đó, chương trình dạy và học Ngoại ngữ, Tin học được tăng cường; chương trình dạy học phân hóa đối tượng, cá thể hóa năng lực từng học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu được triển khai.

Với hơn 1.600 học sinh, trong đó, khoảng 1.200 học sinh nằm ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới và được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 116 nên việc học sinh được ở bán trú, ăn, ở tại trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giúp Trường THPT Kỳ Sơn triển khai tốt việc dạy và học. Qua trao đổi, thầy giáo Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng cho biết: Những năm học trước, phần lớn học sinh của trường phải ở trọ ngoài trường rất vất vả và khó quản lý. Chính vì thế, khi triển khai mô hình trường bán trú chúng tôi rất phấn khởi và đang lên kế hoạch để việc tổ chức được hiệu quả. Hiện tại, dù chưa bước vào năm học mới nhưng nhiều phụ huynh đã liên lạc để xin cho con ở bán trú.

Những phòng trọ chật chội thiếu thốn của học sinh miền núi khi trọ học xa nhà. Ảnh: Đức Anh

Trường THPT Quế Phong cũng được chọn để thí điểm trường bán trú kiểu mẫu. Song song với đó, huyện cũng đã đồng ý với chủ trương sửa chữa lại toàn bộ cơ sở vật chất và xây mới 64 phòng học cho học sinh bán trú. Cô giáo Từ Thị Vân – Hiệu trưởng cho biết: Trước đây, mô hình trường THPT dân tộc bán trú từng được triển khai ở các huyện miền núi cao và đã phát huy hiệu quả. Hiện tại, nếu mô hình tiếp tục được thí điểm sẽ đem đến nhiều lợi ích, thứ nhất là cho phụ huynh, học sinh và thứ hai là cho giáo viên. Đây cũng sẽ là cơ sở để nhà trường ổn định việc tổ chức dạy và học, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành Giáo dục cũng dự kiến triển khai mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh dân tộc bán trú. Trước mắt, xây dựng tại 6 huyện núi cao (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp) mỗi huyện 2 trường (tiểu học và THCS). Riêng 2 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, sẽ xây dựng mô hình cho cấp THPT.


Cần sự đầu tư đồng bộ

Từ hơn 1 tuần nay, phụ huynh học sinh ở các bản như Xoóng Con, Lưu Thông, bản Pủng, xã Lưu Kiền (Tương Dương) đang tập trung để di dời các phòng học ở điểm trường lẻ ra điểm trường chính để sửa chữa, lắp đặt thành phòng bán trú cho học sinh của Trường Tiểu học Lưu Kiền.

Năm học này, Trường Tiểu học Lưu Kiền cũng là một trong những trường nằm trong quy hoạch xây dựng mô hình trường tiểu học bán trú của huyện Tương Dương. Để việc triển khai hiệu quả, năm học trước trường đã tổ chức thí điểm bán trú cho 49 học sinh lớp 5. Riêng năm nay, chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trường chuyển toàn bộ 128 học sinh lớp 3 ở tất cả các bản lẻ về học tập trung. Do điều kiện còn nhiều khó khăn nên dù đã có sự chung tay của phụ huynh nhưng đến thời điểm này, các phòng bán trú của học sinh vẫn đang là dãy nhà tạm dựng trên phần đất nhà trường thuê lại của các hộ dân. Bên cạnh đó, vì thiếu phòng bán trú, nên một số phòng ở của học sinh cũng đang phải đi mượn.

Phụ huynh Trường Tiểu học Lưu Kiền (Tương Dương) dựng nhà bán trú cho học sinh để chuẩn bị năm học mới. Ảnh: CSCC

Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng – Hiệu trưởng chia sẻ: Từ năm học này, tất cả học sinh lớp 3 đều phải học tiếng Anh và Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên việc chuyển học sinh ra học tập trung tại một điểm trường chính là phù hợp với điều kiện thực tế ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không chỉ thiếu phòng ở cho học sinh mà chúng tôi còn thiếu cả phòng học, thiếu máy vi tính. Giáo viên dạy Tin học cũng chưa có mà phải bổ sung bằng một giáo viên văn hóa đã được tập huấn về Tin học.

140 học sinh bán trú của Trường Tiểu học Lượng Minh (Tương Dương) cũng đang phải ở trong dãy nhà tạm (vốn là các phòng học bán kiên cố) với số lượng từ 10 – 12 học sinh/phòng. Hiện trường cũng chỉ mới tổ chức bán trú cho tất cả học sinh lớp 3 và một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, nếu từ năm học tới, số học sinh bán trú tăng gấp 2, gấp 3 thì điều kiện hiện nay rất khó để đảm bảo.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng cho biết: Hầu hết các trường ở miền núi vùng sâu, vùng xa lâu nay còn rất nhiều điểm trường lẻ, trường chúng tôi cũng có đến 7 điểm trường lẻ. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất lâu nay không triển khai được tập trung mà chia thành nhiều điểm khác nhau, vì vậy, khó có thể đảm bảo nếu số học sinh bán trú đông. Chúng tôi mong rằng, để mô hình bán trú hiệu quả thì về lâu dài phải có sự đầu tư đồng bộ, đảm bảo đủ phòng học, phòng bán trú và các điều kiện khác… Khó khăn tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều trường tiểu học bán trú ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, nhất là về cơ sở vật chất cho khu nhà bán trú, trang thiết bị dạy học và thiếu giáo viên.


Do thiếu thốn cơ sở vật chất nên nhiều trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn phải tổ chức bán trú ngay trong lớp học. Ảnh: Mỹ Hà

Trên toàn tỉnh Nghệ An hiện có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, 57 trường phổ thông dân tộc bán trú (ở cả 2 bậc tiểu học và THCS). Đây đều là những trường đã được hưởng chế độ của trường bán trú và nội trú theo quy định. Tuy nhiên, hiện cũng có ít nhất 55 trường phổ thông có học sinh bán trú với 1.734 lớp, hơn 45.969 học sinh, được tổ chức theo mô hình bán trú, nhưng trên thực tế các trường đang hoạt động theo hình thức tự nguyện. Giáo viên không có chế độ và nhà trường chưa được hỗ trợ về tiền tổ chức bán trú và các chi phí sinh hoạt khác. Đây cũng là khó khăn cho các nhà trường trong quá trình triển khai.

Nói về điều này, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cũng chia sẻ: Từ năm học này chúng tôi sẽ tổ chức bán trú cho 1.200 học sinh và nguồn hỗ trợ của Nhà nước chỉ có 1 em 15 kg gạo và 596.000 đồng tiền ăn/tháng (theo Quyết định 116). Số tiền này, để chắt chiu, lo cho các em ngày 3 bữa đã khó, chứ không đủ để chi trả các chi phí như tiền điện, tiền phục vụ bán trú, tiền trực của giáo viên. Tôi cho rằng, để mô hình được duy trì lâu dài thì sớm phải có chế độ, chính sách đặc thù riêng như các trường nội trú, bán trú hoặc phải có cơ chế xã hội hóa thì mới dễ dàng hoạt động.

Những bữa cơm của học sinh bán trú Trường Tiểu học Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) 2. Ảnh: Đức Anh

Qua gần 20 năm triển khai, mô hình các trường bán trú, nội trú cũng đã phát huy được kết quả và điều này lại càng cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi ngành Giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới ngành Giáo dục, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần ưu tiên các nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bố trí đủ giáo viên và thực hiện tốt chính sách đối với người dạy và người học.

Mới nhất

x
Mô hình bán trú - mái nhà thứ hai của học sinh dân tộc thiểu số ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO