Mỗi ngày có 200kg măng tẩy trắng, nhuộm màu tuồn ra thị trường
(Baonghean.vn) - Theo Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), các cơ sở này hoạt động hàng chục năm, mỗi ngày tuồn tra ngoài thị trường khoảng 200kg măng tươi đã qua sơ chế.
Như Báo Nghệ An đã đưa tin ngày 5/4, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường( Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra, phát hiện hai cơ sở sản xuất măng tươi tại khối 2, Phường Đội Cung ( Thành phố Vinh) sử dụng chất tẩy trắng, nhuộm màu cho măng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ số hóa chất trên; đồng thời tiến hành niêm phong hơn 25 tấn măng của 2 cơ sở này để phục vụ cho công tác điều tra.
Số hóa chất của 2 cơ sở sản xuất măng tươi đã bị tạm giữ theo quy định. |
Được biết, khi lực lượng công an ập vào cơ sở chế biến măng tươi Sơn Hạnh của ông Lê Đức Sơn thì phát hiện có khoảng 14 tấn măng đựng trong bao xác rắn để trong kho đã bốc mùi hôi thối, dự đoán là đã được tập kết trong khoảng thời gian từ 6 tháng - 1 năm. Chủ cơ sở khai nhận, để biến măng từ màu đen sang màu trắng thì sửdụng chất tẩy trắng. Sau đó tiếp tục ngâm măng với chất bột màu vàng để tạo màu cho măng. Cơ quan chức năng đang nghi bột màu vàng là bột màu tổng hợp dùng trong công nghiệp hoặc chất vàng ô.
Còn tại cơ sở chế biến của bà Phạm Thị Trang, tại hiện trường, 3 bao đựng bột màu vàng được lực lượng chức năng thu giữ nghi là chất vàng ô. Tuy nhiên, chủ cơ sở khai nhận, chỉ là nghệ dùng để tẩm ướp măng cho vàng với giá chỉ 20 nghìn đồng/1kg tại chợ Vinh? Điều đáng nói, khu chế biến măng tươi của bà Trang được đặt ngay cạnh nhà vệ sinh của gia đình, ẩm thấp, bẩn thỉu.
Cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Trang có khoảng 10 tấn măng đã qua sơ chế, được ngâm với nước có pha chất bột màu vàng. (Ảnh: Hữu Thành) |
“Phòng đã tiến hành lấy mẫu hóa chất và gửi cho Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản (Sở NN&PTNT) để gửi vào TP Hồ Chí Minh kiểm nghiệm, xác định mức độ độc hại. Hiện chưa thể khẳng định hóa chất mà các cơ sở này sử dụng là chất gì. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, các hóa chất này không được sử dụng trong chế biến măng”, Thượng tá Nhi cho biết.
Cũng theo lực lượng chức năng, 2 cơ sở này đã hoạt động khá lâu, như cơ sở của ông Lê Đức Sơn họat động được 15 năm. Các cơ sở này hoạt động hết sức tinh vi, bên ngoài luôn đóng cửa kín mít. Lực lượng chức năng mất một thời gian dài theo dõi, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới bắt được quả tang các cơ sở này đang sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chủ cơ sở chế biến măng tươi Sơn Hạnh cùng số măng tươi được "nhuộm vàng" bằng hoá chất. (Ảnh: PC49 cung cấp) |
“Hiện vụ việc đang được chúng tôi điều tra làm rõ. Nhưng về mặt quan điểm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Thượng tá Nhi cho biết.
Phạm Bằng