Mỗi người dân là một 'giám sát viên' bảo vệ an ninh cơ sở
(Baonghean.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (ANTQ). Đây là yếu tố quan trọng giúp các địa phương và lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.
Giữ vững an ninh vùng đặc thù
Xã Thanh Liên (Thanh Chương) có 2.192 hộ và 9.638 nhân khẩu bao gồm cả lương và giáo cùng sinh sống. Hiện nay, trên địa bàn xã có 7 mô hình "Toàn dân bảo vệ ANTQ" hoạt động hiệu quả, điển hình như các mô hình tiếng kẻng bình yên, ánh điện an ninh, hòm thư góp ý và tố giác tội phạm, đặc biệt là mô hình tổ dân cư tự quản với 96 tổ, 1.875 thành viên.
Đây là những “cánh tay nối dài” của chi bộ, ban quản lý xóm trong đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), hóa giải mâu thuẫn, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, khối đoàn kết lương - giáo, không để xích mích nhỏ thành mâu thuẫn lớn.
Nhờ làm tốt công tác đảm bảo ANTT, người dân xã Thanh Liên (Thanh Chương) yên tâm phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Ảnh tư liệu: Mai Hoa |
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã có 18 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân được hòa giải ngay cơ sở. Các tổ tự quản ở thôn xóm ở xã Thanh Liên cũng đã phối hợp với lực lượng công an ký cam kết nói không với vi phạm pháp luật, đạt tỷ lệ 95%; phối hợp với chính quyền quản lý 13 đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, 4 đối tượng án treo, cung cấp 23 tin báo về ANTT… Bên cạnh đó, xã Thanh Liên đã triển khai lắp đặt 50 mắt camera an ninh trên địa bàn và đang phấn đấu lắp được tổng số 100 mắt camera an ninh vào cuối năm 2022.
Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng đã dựa vào dân, bám sát dân để xây dựng hơn 228 mô hình, điển hình trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Qua đó, góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và phát huy tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm; cung cấp các nguồn tin quan trọng giúp các lực lượng phát hiện, xử lý hiệu quả các tệ nạn xã hội. Công an huyện đã phối hợp xây dựng 75 tổ tuần tra nhân dân; Ủy ban MTTQ huyện thành lập được hơn 2.449 tổ tự quản, trong đó, có 310 tổ tự quản kiểu mẫu ra mắt và đi vào hoạt động có hiệu quả… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ký cam kết thực hiện mô hình "Xã biên giới sạch về ma tuý" ở Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Văn Hậu |
Tại xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương), vài năm trở lại đây, ở bản Mông Phá Lõm xuất hiện một số đối tượng lén lút truyền đạo Tin lành trái pháp luật làm xáo trộn đời sống của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng và lực lượng Công an xã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con không tham gia tiếp tay cho kẻ xấu phát triển đạo trái pháp luật; chấp hành tốt quy ước, hương ước thôn, bản, tập trung sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tổ công tác ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới và tình hình an ninh, trật tự thôn, bản. Ảnh: Gia Huy |
“Địa phương duy trì nghiêm túc tổ công tác tại bản Phá Lõm để theo dõi, giám sát ngăn hoạt động trái phép nói trên. Đồng thời, phối hợp dòng họ Lầu tuyên truyền, vận động được hộ Lầu Sông Lềnh trở lại tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình; phối hợp dòng họ Xồng tuyên truyền, vận động hộ Xồng Đà Xử di dời lán trại ra khỏi khu vực dốc cây Đào (thuộc phạm vi rừng phòng hộ). Cùng với đó, triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ bản Phá Lõm xây dựng nông thôn đạt bản nông thôn mới trong năm 2022”- ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho biết.
Tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), có đường biên giới dài hơn 20 km, với 4 dân tộc Kinh, Mông, Khơ Mú và Thái cùng sinh sống, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới… tạo nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát cũng như dễ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Trước thực tế đó, thực hiện phương châm mỗi người dân là một quan sát viên, giám sát viên tích cực góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở. Cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng 22/22 ban tự quản về ANTT và mô hình “Tự quản về ANTT” tại bản Buộc Mú, Trường THPT cơ sở dân tộc bán trú và Tiểu học 1 xã Na Ngoi; mô hình “Dòng họ Mùa tự quản về ANTT” tại bản Pù Quặc, mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” tại bản Phù Khả 2, “Bản sạch về ma túy” tại bản Buộc Mú.
Quy ước bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi được dán ở trước mỗi nhà dân. Ảnh: Gia Huy |
“Mô hình An dân ở bản Phù Khả 1 với những điều khoản cụ thể được đưa vào hương ước, quy ước dán trước cửa nhà dân, trọng tâm là chống truyền đạo trái pháp luật, ổn định an ninh thôn bản, hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới”, ông Và Bá Giờ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho hay.
Bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa
Tại Kế hoạch số 58/KH-UBND về xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, tổ chức chính trị, xã hội và toàn dân tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa lực lượng Công an với MTTQ tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ".
Công an huyện Quỳ Hợp tặng "Móc khóa bình yên" cho người dân bản Bành, xã Châu Quang. Ảnh tư liệu: Hoài Thu |
Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật gắn với xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại cơ sở. Qua đó, tiếp tục, nhân rộng, củng cố các mô hình nổi bật, như: “Bình yên mái trường, giảng đường hội nhập” tại Trường Đại học Vinh; “Treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo” tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ; “Treo cờ Tổ quốc kết hợp đường điện thắp sáng bảo đảm an ninh, trật tự” tại Giáo họ Thanh Lương, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương; mô hình “Tâm sáng hướng thiện, đồng hành bảo đảm an ninh, trật tự” tại chùa Tu ở xóm 4, xã Nghi Phong, Nghi Lộc; “Phòng, chống tội phạm mua bán người” tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu và bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn…
Ra mắt mô hình "Xã biên giới sạch ma túy" ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Đức Vũ |
Đặc biệt, Công an tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án về xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” tại địa bàn 27 xã biên giới của tỉnh, quyết tâm xây dựng “vùng xanh” biên giới an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân các xã giáp biên. Sau 5 tháng triển khai đề án, đến nay đã có 26/27 xã biên giới cơ bản đạt các tiêu chí xã sạch về ma tuý.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt, trong năm 2022, Nghệ An có 450 điểm tổ chức ngày hội "Toàn dân bảo vệ ANTQ" ở cấp xã, thôn, bản, cơ quan, doanh nghiệp… trong đó, có 66 điểm có lãnh đạo tỉnh, huyện đến dự.
Công an tỉnh đã phối hợp, hướng dẫn xây dựng mới 3 mô hình "Toàn dân bảo vệ ANTQ"; duy trì, nhân rộng, sơ kết 10 loại mô hình hoạt động hiệu quả tại 135 địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Duy trì 133 câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, 500 câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tệ nạn xã hội hoạt động hiệu quả. Về phía BĐBP Nghệ An đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì hoạt động hiệu quả tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ tự quản thôn, bản, mô hình hòm thư tố giác tội phạm tại các xóm, bản… góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền lãnh thổ từ sớm, từ xa.
Mô hình "Hòm thư tố giác người xuất nhập cảnh trái phép" được triển khai ở bản Pả Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Gia Huy |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ", mới đây, tại Văn bản số 623/BC-UBND ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục yêu cầu: Nâng cao chất lượng phong trào ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, phức tạp về ANTT, tuyến biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo. Xây dựng các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về ANTT. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt bổ sung cho đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng tự quản về ANTT ở cơ sở.