Một năm Mỹ gây 'áp lực tối đa' Iran: Ai thắng, ai thua?

Thanh Huyền 07/11/2019 06:39

(Baonghean) - Một số nhà phân tích dự đoán, “những người bạn” của Iran ở châu Âu và châu Á sẽ thách thức Mỹ, “chìa tay” giúp đỡ Tehran về kinh tế. Những người khác cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế của Iran rơi vào “vòng xoáy tử thần”, khiến họ phải đầu hàng hoặc sụp đổ. Song cả 2 dự đoán này dường như đều không chính xác.

Trụ vững trước “bão”

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, 4 tháng sau chính quyền Mỹ áp dụng một loạt các biện pháp cấm vận với mục đích cô lập nền kinh tế Iran, buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để ký lại một thỏa thuận “theo ý” Tổng thống Donald Trump.

Trong suốt 1 năm, Iran đã phải chịu những “cú sốc” nghiêm trọng từ sự cô lập kinh tế quốc tế. Xuất khẩu dầu của nước này đã giảm mạnh từ 2,4 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 4 năm 2018 xuống dưới 500.000 thùng vào tháng 9 năm 2019. Nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo bước vào suy thoái, lạm phát tăng vọt và đồng tiền mất 60% giá trị so với đồng USD. Chính quyền Mỹ đưa ra những số liệu thống kê này như những minh chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đã thành công. Tuy nhiên, nhìn ở những góc độ khác, có thể thấy nền kinh tế Iran không đến nỗi “què quặt”.

Một cơ sở lọc dầu của Iran. Ảnh: NBC

Mặc dù chịu không ít thiệt hại song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng nền kinh tế Iran sẽ hồi phục từ suy thoái lên mức tăng trưởng gần 0% vào năm 2020. IMF dự báo thêm rằng lạm phát của Iran sẽ giảm từ 35,7% vào năm 2019 xuống còn 31% vào năm 2020. Sự tham gia của lực lượng lao động và việc làm tiếp tục tăng. Các định chế tài chính dự tính, GDP của Iran vào năm 2020 sẽ tương đương với năm 2015, đồng nghĩa với việc nước này hoàn toàn có thể chịu được áp lực của Mỹ trong năm tới.

Có được điều này tất nhiên không phải nhờ sự hỗ trợ “ngầm” của các nước châu Âu, bởi chính Pháp, Đức cũng chưa tìm ra biện pháp hiệu quả giúp Iran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân. Theo các đánh giá, Iran có thể trụ vững là nhờ sự đa dạng hóa nền kinh tế - một đặc điểm mà Washington dường như bỏ qua. Trong năm 2017, dầu thô chỉ chiếm 43% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Iran, trong khi đó, quốc gia láng giềng Saudi Arabia là 78%. Vì lý do này, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phi dầu mỏ của Iran có thể trụ vững trong bối cảnh doanh thu từ dầu sụt giảm do các lệnh trừng phạt. Các lĩnh vực phi dầu mỏ tạo ra phần lớn sản lượng kinh tế và việc làm cho Iran.

Những người ủng hộ lãnh tụ tối cao Iran Khameini tại Tehran, tháng 11/2019.  Ảnh Reuters
Những người ủng hộ lãnh tụ tối cao Iran Khameini tại Tehran, tháng 11/2019. Ảnh Reuters

Ngoài kinh tế, có thể thấy, mục tiêu khác của chiến dịch gây “áp lực tối đa” mà Mỹ thực hiện là làm suy giảm vai trò của Iran ở khu vực. Nhưng thực tế, Iran vẫn duy trì được vị thế vốn có. “Cái bắt tay” với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bàn chuyện chính sự Syria, giúp Tehran có vai trò không thể bỏ qua trong hồ sơ gần như “nóng” nhất Trung Đông này. Tháng trước, chính quyền Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, để lại một “khoảng trống” mà Iran và các đồng minh có cơ hội để lấp đầy. Ngoài ra, Iran vẫn đang hiện diện tại Yemen, Lebanon và không có tín hiệu nào cho thấy họ sẽ rút khỏi đây.

Rõ ràng, xét cả về kinh tế với vị thế, Iran vẫn duy trì mặc dù phải đối mặt với sức ép không nhỏ từ phía Mỹ.

Mỹ đã thất bại?

Iran trụ vững sau 1 năm bị gây sức ép tối đa, đồng nghĩa chính sách của Tổng thống Donald Trump không có hiệu quả, nếu không muốn nói là thất bại. Có vẻ như trong kế hoạch thực hiện chiến lược gây sức ép với Tehran, ông Trump đã tính đến chuyện đẩy căng thẳng lên cao trào, rồi tự ông sẽ làm “hạ nhiệt” bằng các cuộc đối thoại ngoại giao, giống như trường hợp của Triều Tiên. Nhưng thực tế đã không đúng như những dự tính. Cao trào bị đẩy lên khi Tehran bắn máy bay không người lái của Mỹ, nhưng rồi cuối cùng ông Trump cũng kịp “rút tay” khỏi nút bấm “tấn công” Iran ngay trong phút chót.

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố không đối thoại với Mỹ chừng nào Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ảnh: Getty

Ai cũng hiểu, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không ưu tiên đối đầu quân sự, điều ông hướng tới là các cuộc đàm phán để cho ra những thỏa thuận “có lợi” cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, chiến lược dồn đối phương vào bàn đối thoại khi “sức tàn, lực kiệt” đã không thành công, ít nhất trong trường hợp Iran. Cho đến nay, sau hàng chục đợt cấm vận, Tehran vẫn từ chối đối thoại với Mỹ. Trong một tuyên bố mới nhất, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố ngừng mọi kế hoạch tiếp xúc ngoại giao với Mỹ. Việc Iran không muốn đối thoại được cho là phản ứng rất mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ đối thoại cho một thỏa thuận hạt nhân mới có lợi cho Mỹ hơn thỏa thuận năm 2015.

Đi kèm tuyên bố cứng rắn, Iran cũng khẳng định sẽ làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất, đồng thời khẳng định Tehran có đủ khả năng làm giàu urani ở mức 20% nếu cần thiết. Đây là phản ứng đáp trả sau khi Mỹ ngày 4/11 áp đặt trừng phạt đối với 9 người liên quan tới nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, trong đó có Chánh Văn phòng lãnh tụ tối cao và người đứng đầu bộ máy tư pháp của Iran.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin công bố lệnh trừng phạt 9 nhân vật thân cận lãnh đạo tối cao Iran hôm 4/11. Ảnh Reuters
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin công bố lệnh trừng phạt 9 nhân vật thân cận lãnh đạo tối cao Iran hôm 4/11. Ảnh Reuters

Phản ứng đó cho thấy, Iran không hề bị động và chịu lép vế trước Washington mà ngược lại, sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng” nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép.

Về phần mình, Mỹ có lẽ khó lòng đẩy cuộc đối đầu với Iran đi xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh năm bầu cử đang đến gần. Tổng thống Donald Trump đang bận bịu với những rắc rối liên quan đến khả năng bị luận tội. Về đối ngoại, ưu tiên hàng đầu của ông Trump có lẽ là đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc - kế hoạch có thể làm “sáng” bản thành tích của ông trước kỳ bầu cử.

Như vậy, không có nghĩa hồ sơ Mỹ - Iran sẽ bớt căng thẳng. Iran đã mất 1 năm tự chống đỡ trước các đòn trừng phạt của Mỹ. Nếu các bên còn lại không tương trợ Iran như cam kết, nước này có thể sẽ vận dụng các Điều 26 và 36 của JCPOA để tiến hành cắt giảm cam kết của mình theo thỏa thuận. Khi đó mọi việc sẽ sang một chương căng thẳng mới và không ai có thể đảm bảo bất ổn sẽ đến mức nào.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: AFP
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: AFP

Mới nhất
x
Một năm Mỹ gây 'áp lực tối đa' Iran: Ai thắng, ai thua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO