Mưa lớn kéo dài, sạt lở đất sản xuất ven sông Lam
(Baonghean.vn) - Mưa lớn kéo dài suốt nhiều ngày liền, nước sông Lam dâng cao, hàng chục ha đất sản xuất ven sông Lam ở các xã như: Thanh Giang, Thanh Yên (Thanh Chương) lại đứng trước nguy cơ sạt lở, mất đất.
Đồng bãi Bù vốn được biết đến là nơi sản xuất nông nghiệp của người dân 2 xã Thanh Giang và Thanh Yên (Thanh Chương). Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực này hiện đang xuất hiện rất nhiều vết nứt, có những vị trí đất đã bị lở, khoét sâu tạo thành từng kẽ vách lớn. Bà con nông dân đang đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất.
Chỉ cần sau mỗi trận mưa, chưa nói đến lũ một diện tích không nhỏ đất sản xuất ở bãi Bù lại bị sạt lở, bong nứt. |
Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, ông Trần Hữu Bá - trú tại xóm Lam Dinh, xã Thanh Giang, thở dài: "3 năm qua tôi nhận khoán làm hơn 1 ha đất bãi Bù của xã để trồng hoa màu.Thế mà năm nào cũng bị sạt lở mất đất, nhưng nhiều nhất là đợt lũ tháng 4 năm ngoái; nhà tôi mất hơn 5 sào. Cách đây mấy ngày lại lở thêm 750 m2 nữa".
Xuất hiện những vết nứt rộng hơn 10 cm. |
Ông Bá nhẩm tính, đợt lũ năm ngoái trúng giữa vụ lạc đang kỳ sinh hoa, đậu củ nên gia đình ông mất trắng hơn 5 sào lạc. Trung bình mỗi sào cho năng suất 1 ha thu hoạch được 1,5 tạ lạc; với 5 sào lạc nhà ông thiệt hại hơn 16 triệu đồng. Chưa kể tiền giống, phân bón, công chăm sóc. "Thiệt hại kinh tế đã đành, đất sản xuất cũng mất. Cứ đà này, chỉ vài năm nữa bãi Bù cũng lở hết, dân không biết lấy đất ở đâu mà làm nữa" - ông Bá lo lắng.
Anh Trần Hữu Sỹ - Phụ trách nông nghiệp xã Thanh Giang cho biết, khu vực bãi Bù có tổng diện tích là 23 ha, phục vụ sản xuất cho hơn 200 hộ dân tại địa phương. Nhưng đến nay đã bị sạt lở 8 ha, chỉ còn 15 ha đất đang sản xuất. Trước diễn biến mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao nguy cơ sẽ lở thêm 3 - 4 ha trong những ngày tới.
Riêng xã Thanh Giang đã bị sông Lam nuốt chửng hơn 8 ha đất sản xuất. |
"Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng này. Một là do quy luật dòng chảy bên lở, bên bồi. Hai là do tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Lam diễn ra một cách tràn lan, làm đổi hướng dòng chảy. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã triển khai trồng cây sậy ven sông Lam nhằm chống xói mòn, tuy nhiên, phương án này vẫn chưa hiệu quả" - anh Sỹ thông tin.