Muôn kiểu tận diệt chim trời
(Baonghean.vn)- Bẫy chim trời kiếm cơm là nghề được không ít nông dân ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) lựa chọn làm "cần câu cơm" vào những lúc nông nhàn. Ngoài những “ngón nghề” có sẵn, họ “không ngừng sáng tạo” để tận diệt chim trời...
Chiêu độc bẫy chim
Thông thường tháng Ba, tháng Tám (âm lịch) là mùa bẫy chim. Tùy đặc tính của từng loại hay đi tránh bão hoặc kiếm ăn nhiều vào thời gian nào, người thợ săn sẽ bố trí đồ nghề phù hợp. Tháng Hai “đánh” chim én. Cò, vạc, chim chiền chiện thì “đánh” 2 mùa trong năm, một mùa vào tháng Ba, mùa còn lại vào tháng Bảy, tháng Tám. Tháng Tư “đánh” vàng anh còn chim sẻ “đánh” quanh năm nhưng nhiều nhất là tháng Giêng cho đến tháng Sáu… Tùy từng loại chim mà cách thức “đánh” cũng khác nhau. Cò, vạc, chim chiện, vàng anh... “đánh” bằng que quết nhựa; cuốc cà cà, gà lôi... “đánh” bằng lưới; chim én, chim sẻ... thì “đánh” bằng sập.
Một chú chim bị "đánh" bằng que quết nhựa |
Chỉ cần bỏ ra từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng, người ta đã có ngay một bộ sập dùng cho việc “đánh” én hoặc chim sẻ. Bao gồm một đoạn lưới, rộng từ 2 – 3 mét, dài khoảng 20 mét. Sập được đóng hai đầu hoặc một đầu tùy vào độ dài của lưới. Với đoạn lưới ngắn, người ta cố định hai đầu bởi hai đoạn ống nứa, nối với thanh thép hoặc cọc tre đóng xuống đất với khoảng cách chừng 1 mét. Còn nếu sở hữu một đoạn lưới dài thì người ta sẽ giữ một đầu bởi đoạn nứa dài hơn bề ngang của tấm lưới, và dùng tay trực tiếp điều khiển. Sập đóng hai đầu chỉ đánh được một bên nhưng sập đóng một đầu thì có thể linh động được cả hai bên. Các loại sập được đóng một cách khéo léo để có thể nâng lên hạ xuống một cách dễ dàng theo ý đồ của người thợ săn.
“Én là loài chim dường như không hề biết sợ người, đang chao lượn bắt mồi nhưng khi nghe tiếng kêu của đồng loại, chim lập tức bay đến. Nhác thấy bạn mình xập xõa, chới với trên mặt đất liền nhào vụt xuống cứu. Chỉ chờ có vậy, người bẫy chim sẽ nhanh tay vung lưới hoặc kéo sập” - một tay thợ “đánh” én lâu năm ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) cho biết.
Dưới mẻ lưới hiểm, con chim xấu số bị rơi xuống, nằm sõng soài ra đất, những chiếc móng vuốt bấu chặt vào mắt lưới. Người thợ săn én gỡ chim cho vào lồng. Lúc này những “sứ giả” của mùa xuân trông thật đáng thương và tội nghiệp. Chú chim nào cũng bị giáng một đòn mạnh. Có chú chỉ choáng váng một lúc rồi tỉnh lại nhưng có chú lỡ va vào cọc căng lưới thì thương tích đầy mình. Đầu, mỏ, và đôi cánh tứa máu, chúng nằm thoi thóp trong lồng rồi chết một cách tức tưởi.
Hom tre được cắm chi chít dọc các bờ ruộng |
Đối với cò lại phải “đánh” bằng que quấn nhựa (còn gọi là hom). Hom được vót từ ống tre, dài cỡ 2 gang tay người lớn, nhỏ như chiếc đũa xe đạp. Chân hom được vót nhọn như chông để có thể cắm sâu vào đất, nửa thân trên cây hom được quấn đều một lớp nhựa dính đặc biệt. Theo những người có kinh nghiệm đánh cò lâu năm, loại hom cũ “ăn” nhựa đỡ hơn loại hom mới vót.
Vào những sáng tinh mơ, trời chuyển cơn gió Đông, cánh thợ săn mang hom tre cắm chi chít dọc các bờ ruộng, trên các mô ụ đắp vội bằng đất và cỏ. Đám cò mồi được dùng làm nậm (cò lột lấy da và lông đụn rơm vào trong hoặc đẽo từ một miếng xốp trắng) được các thợ săn rải khắp mặt ruộng. Trong khi đó lũ cò sống dùng làm máy đứng trên cọc tre, cách mặt đất khoảng chừng 2 mét. Nào cò máy, nào cò nậm con đậu con bay được bố trí rất tài tình. Đàn cò trên trời không thể nào biết được đó là một cái bẫy.
Một con cò mồi được các thợ săn rải trên ruộng |
Xong xuôi cánh thợ săn trở về túp lều dựng tạm, được ngụy trang khéo léo bằng những cành cây cách đó chừng trăm mét. Những ánh mắt căng ra, chờ đợi từng đàn cò bay tới. “Phải thật tinh mắt mới phát hiện ra một đàn cò, khi nó mới chỉ là một chấm nhỏ trên trời. Chờ một lúc cho chúng bay tới gần cánh đồng, rồi giật mạnh dây cước buộc ở cổ chân cò máy. Nhầm tưởng đồng loại đang báo hiệu ở đây có nhiều thức ăn, đàn cò bay là là mặt ruộng cuối cùng sà xuống hẳn”, một tay thợ săn cò ở An Hòa (Quỳnh Lưu) chia sẻ.
Có khi chúng sà xuống hàng trăm con trên cánh đồng. Chờ có vậy, người ta bổ nháo bổ nhào ra bắt cò cho vào một cái lồng lớn.
"Cần câu cơm" từ tận diệt chim trời
Hiện nay dù việc săn bắt chim trời trên các cánh đồng ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn còn dùng phương pháp thủ công là chính, nhưng trình độ đánh bắt thì ngày càng tinh vi. Người ta còn sắm thêm cả một bộ dàn, bao gồm ắc quy và loa phát tiếng kêu ghi sẵn của chim mồi. Để tiết kiệm chi phí có tốp thợ chỉ sử dụng điện thoại ghi lại tiếng kêu của chim rồi bật lên dụ con mồi đến gần sập. Nhờ có sự trợ giúp của công nghệ, vô số những con chim thơ ngây đã, đang và sẽ trở thành món mồi trên bàn nhậu.
Phương pháp "đánh" chim bằng que quết nhựa được dùng phổ biến |
Về giá cả của các loài chim còn tùy thuộc vào từng mùa, từng năm nhưng được cánh thợ săn đánh giá là tương đối ổn định. “Nghề này không phải lo đầu ra vì có mối vào tận nhà thu mua, có khi người ta còn thu mua ngay tại trận rồi mang ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ... Cứ đếm đầu chim mà nhân lên thôi”, một người đánh chim ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết.
Những năm gần đây, vùng ven biển Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) mọc lên nhiều hàng, quán phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách thập phương nên một lượng chim không nhỏ được các mối chuyên thu gom cung ứng cho những địa điểm kể trên.
Một thợ săn kiên trì ngồi chờ chim dính mồi |
Một tay thợ cừ khôi có thể kiếm được tiền triệu nhờ vào việc đánh chim mỗi ngày. Cụ thể cò bán cho đầu nậu có giá từ 20.000 – 25.000đồng/con; chim chiện 4.000 đồng/con; én 3.000 – 4.000 đồng/con; chim sẻ 5.000 – 6.000 đồng/con; chim quốc có hai loại: quốc bạc má 40.000 đồng/con, quốc mồng đỏ có giá cao hơn với khoảng 70.000 – 75.000 đồng/con; vàng anh trống là 40.000 đồng/con; mái 15.000 đồng/con…
Với nguồn thu mang lại từ hoạt động này nhiều người đang tìm mọi cách tận diệt chim trời.
Nguyễn Hòe
TIN LIÊN QUAN