Mưu sinh giữa lòng “âm phủ”

Tiến Hùng – Hồ Phương 16/04/2019 10:13

(Baonghean) - Bất chấp hàng loạt vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của nhiều người, hàng chục hộ dân ở xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) vẫn xem nghề vào lòng núi mót quặng như là một công việc chính.

“Tổ ong” Lan Toong

Trung tuần tháng 4, chưa đầy 1 tháng sau vụ sập hầm làm chết 3 người, chúng tôi quay trở lại núi Lan Toong (xã Châu Hồng, Quỳ Hợp). Vừa đặt chân đến đầu xã, ngọn núi Lan Toong đã hiện ra trước mắt, với những vết lở loét, nham nhở. Con đường dẫn lên đỉnh núi dốc dựng đứng, hằn rõ những vết bánh xe còn mới của dân bản địa đi mót quặng.

Lan Toong là ngọn núi nằm giáp ranh giữa xã Châu Hồng và Châu Thành. Sau nhiều năm khai thác quặng thiếc, ngọn núi này bây giờ như một tổ ong, với chi chít miệng lỗ các doanh nghiệp bỏ lại. Từ các miệng lỗ này dẫn vào sâu trong lòng núi là một hệ thống đường hầm chằng chịt, kéo dài hàng chục km. Người lạ đi vào trong này nếu không tập trung rất dễ bị lạc.

Đỉnh núi Lan Toong, nơi bùn thải doanh nghiệp khai thác quặng thiếc chất đống.
Đỉnh núi Lan Toong, nơi bùn thải doanh nghiệp khai thác quặng thiếc chất đống.

“Bên trong lòng núi bây giờ gần như rỗng ruột. Có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm. Nhưng mình cũng phải làm thôi”, anh Trương Văn Hiển (30 tuổi, bản Chảo, xã Châu Hồng), nói. Nhà dưới chân núi Lan Toong, từ khi chưa đầy 10 tuổi, Hiển đã mang búa theo chân người lớn lên đây mót quặng thiếc. Anh Hiển nói rằng những ngày đó, doanh nghiệp chưa đến, quặng còn nhiều, người dân ở đây chỉ việc mang búa đi dọc khe, suối để khai thác. Nhờ công việc đấy, anh mới có tiền để giúp các em mình ăn học.

Anh Hiển không bao giờ nghĩ rằng, cũng chính nơi này, sẽ cướp đi sinh mạng của người vợ trẻ Sầm Thị Hảo, bỏ lại 2 đứa con nhỏ. Chị Hảo là 1 trong 3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập hầm trên núi Lan Toong xảy ra ngày 13/3.

Hôm đó, cũng như hàng chục hộ dân khác ở đây, vợ chồng anh Hiển chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng lên núi. Đó là ngày làm việc đầu tiên của vợ chồng anh trong năm.

“Ra Tết chúng tôi nghỉ ngơi một thời gian. Thấy ngày hôm đó đẹp ngày, nên người dân ở đây hôm ấy đi làm chỉ để “lấy ngày” đầu năm. Không ngờ đó cũng là chuyến đi cuối cùng của vợ tôi và hàng xóm”, anh Hiển bùi ngùi.

Xe càng tàng của dân mót quặng dựng kín đường hầm.
Xe càng tàng của dân mót quặng dựng kín đường hầm.
Anh Hiển và em trai Trương Văn Hoàn (22 tuổi), là những nạn nhân sống sót sau vụ sập hầm đó. Hôm đó, vợ chồng anh Hiển, em trai và vợ chồng người hàng xóm cùng mót quặng ở một chỗ. “Lúc đó vừa ăn cơm xong. Tôi đã cảnh báo người hàng xóm là chỗ đó nguy hiểm, đừng đục nữa. Nhưng anh ấy vẫn cố mót thêm một chút. Đang đục thì khối đá nặng hàng tấn trên đầu đổ sập xuống. Vợ chồng hàng xóm không kịp kêu lên một tiếng”, anh Hiển kể. Vợ anh Hiển cũng bị một phần của khối đá đè lên người. Anh em Hiển đang đứng cách đó chừng một mét lập tức hô hoán những người đi cùng, đang làm việc trong hầm tới cứu giúp.

Gần 10 người dùng xà beng gồng mình, mới nhấc được khối đá nhích lên một chút để kéo chị Hảo ra.

Bên trong lòng núi hiện bị khoét sâu, các cọc chống cũng đã đổ sập.
Bên trong lòng núi hiện bị khoét sâu, các cọc chống cũng đã đổ sập.
Vị trí gặp nạn cách miệng hầm hàng km, anh em Hiển phải mất gần 2 tiếng mới có thể kéo chị ra được bên ngoài. Tuy nhiên, vừa đưa xuống chân núi, người phụ nữ này đã tử vong vì vết thương quá nặng. Hôm đó, cả bản Chảo chìm trong tang tóc. 3 chiếc xe tang nối nhau ra bãi tha ma, khiến không ít người dân bản này có chút rùng mình khi nghĩ đến công việc của họ. Đặc biệt, khi mà đây không phải lần đầu tiên, người dân bản địa phải bỏ mạng trên núi này. Nhưng chỉ vài ngày sau, dẹp nỗi sợ sang một bên, họ lại đổ xô lên núi Lan Toong, tiếp tục với công việc mót quặng thiếc quen thuộc.

Lần mò trong bóng tối

Mất gần 1 giờ cuốc bộ, chúng tôi đã có mặt ở gần đỉnh núi. Trên này, không khó để có thể tìm thấy những miệng hầm bị doanh nghiệp bỏ lại, dẫn sâu vào lòng núi.

Đột nhập vào một trong số đó, chỉ sau ít mét, bóng tối đã bao trùm. Đi sâu vào khoảng 300 mét, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xe máy cà tàng của dân mót quặng dựng bên vách hầm.

Nhận định chắc chắn có rất nhiều người đang làm việc trong này, nhưng cũng phải mất gần 1 tiếng mò mẫm trong bóng tối, chúng tôi mới có thể tiếp cận được họ. Lúc này, hàng chục người đang hì hục đục đẽo giữa một không gian khá rộng, trên đầu mỗi người đeo một chiếc đèn pin nhỏ.

Bên trong hầm là hệ thống ngóc ngách chằng chịt.
Hệ thống ngóc ngách chằng chịt
Càng vào sâu bên trong núi, đường hầm lại càng rộng sau nhiều năm bị đục đẽo, cùng với đó là hệ thống ngóc ngách chằng chịt, thông sang những đường hầm khác. Nghe thấy tiếng người lạ, họ lập tức chạy tán loạn. Chỉ trong tích tắc, dân mót quặng đã ẩn mình trong hệ thống ngóc ngách này, như những bóng ma.
Phải mất khá nhiều thời gian nói vọng vào các ngách hầm, chúng tôi mới có thể thuyết phục được 1 phụ nữ trong số này ra nói chuyện. “Đường hầm này công ty họ bỏ rồi, không khai thác nữa. Chúng tôi chỉ đi mót thôi”, người phụ nữ vừa bước ra từ bóng tối vừa lên tiếng như để giải thích.

Phải mất một hồi lâu, chị Thành mới chịu ra tiếp chuyện.
Phải mất một hồi lâu, chị Thành mới chịu ra tiếp chuyện.
Chị tên là Sầm Thị Thành (38 tuổi, bản Huống, xã Châu Hồng). Sau khi được chúng tôi kể lý do vào đây không phải để đẩy đuổi hay bắt bớ, chị Thành mới trấn tĩnh lại để nói chuyện. Nhưng ánh mắt người phụ nữ này vẫn lộ rõ vẻ dè chừng. Chị nói rằng, mỗi ngày làm việc ở đây nếu may mắn, vợ chồng chị kiếm được vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng không ít ngày đen đủi, chỉ về tay không.

Công việc của họ thường bắt đầu từ 9h sáng và sẽ xuống núi lúc chiều tà. Bữa trưa và cả vệ sinh cá nhân của dân mót quặng đều diễn ra trong đường hầm tăm tối này. Nước sinh hoạt được chắt từng giọt thấm từ ngách đá chảy xuống.

“Sợ lắm chứ. Nhưng không biết làm nghề gì nữa. Mà suốt ngày làm trong bóng tối như thế này cũng quen rồi”, chị nói. Xung quanh núi Lan Toong này, vẫn còn nhiều công ty chuyên khai thác quặng thiếc, khi được hỏi “sao không làm cho công ty?”, chị Thành nói rằng, công ty thường phải làm việc sớm, giờ giấc đều đặn. Chị và nhiều người dân ở đây không chịu được kỷ luật như vậy.

Phần lớn thiếc trong các đường hầm này đã được doanh nghiệp tận thu hết, chỉ còn sót lại những mảnh nhỏ ẩn bên trong các tảng đá lớn bên vách hầm. Dân mót quặng sẽ dùng đèn pin rọi vào, những người làm nghề mới nhận ra đâu là đá bình thường, đâu là thiếc.

Họ sau đó sẽ dùng búa đục đẽo, nếu không khéo hoặc đụng phải những vết nứt có sẵn, đường hầm sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, do bỏ hoang đã lâu, những cọc chống bằng gỗ ở trong hầm cũng đã bị mục rỗng, nhiều cọc gãy nát nằm chỏng chơ. Ở dưới lòng núi này, tai nạn lao động luôn là một hiểm họa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, người dân mót quặng trên núi Lan Toong chủ yếu thuộc bản Chảo, bản Huống… Chính quyền địa phương đã làm mọi cách tuyên truyền, kêu gọi bà con không lên đây làm việc nhưng bất lực. Ở bản Chảo, thậm chí gần như nhà nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc xe máy cà tàng - phương tiện để người dân lên núi mót quặng.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức truy quét, đẩy đuổi. Nhưng lên thấy họ làm cũng chỉ nhắc nhở đi về. Tuy nhiên, ngày hôm sau họ lại lên núi tiếp”, ông Long nói và cho rằng, giải pháp khả thi nhất hiện nay là cần phải đánh sập các đường hầm do doanh nghiệp ngừng khác thác bỏ lại trên núi Lan Toong.


Mới nhất
x
Mưu sinh giữa lòng “âm phủ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO