Mỹ, Belarus sắp khôi phục trao đổi đại sứ sau 11 năm đóng băng
(Baonghean) - Theo DW ngày 18/9, Mỹ và Belarus đang có kế hoạch trao đổi đại sứ sau 11 năm “đóng băng”. Động thái hâm nóng quan hệ này diễn ra trong bối cảnh Belarus tìm cách xoa dịu tình thế bị cô lập tại phương Tây, đồng thời cân bằng mối quan hệ mật thiết của nước này với Nga. Mỹ và Belarus rút đại sứ về nước vào năm 2008.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Imago |
David Hale, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị đã có cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 17/9 tại thủ đô Minsk, trong lúc 2 bên mong muốn khôi phục quan hệ.
“Cuộc gặp hôm nay của chúng tôi đánh dấu một thời cơ lịch sử trong quan hệ Mỹ -Belarus. Tôi vinh hạnh được thông báo rằng chúng tôi chuẩn bị trao đổi đại sứ trong bước tiếp theo để bình thường hóa quan hệ”, nhà ngoại giao của Mỹ cho biết.
Mỹ đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Minsk năm 2008, sau khi quốc gia từng thuộc Liên Xô áp đặt lệnh cắt giảm nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Washington áp lên Belarus với lý do hồ sơ nhân quyền của nước này. Kể từ đó, đại sứ quán của cả 2 nước đều do tham tán điều hành.
Thường bị gọi là “nền độc tài cuối cùng của châu Âu”, nên Belarus trở thành mục tiêu nhắm đến của các đòn trừng phạt của phương Tây. Song ông Lukashenko đã tìm cách xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ và Liên minh châu Âu, trong lúc nỗ lực giải quyết quan hệ với Nga, đồng thời giảm nhẹ thế cô lập của mình tại phương Tây.
Washington và EU đã giảm nhẹ trừng phạt Minsk năm 2016. Giới chuyên gia cho rằng Belarus đang ngày càng “theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, đa chiều”, theo đó tìm cách cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Nga và Belarus đã hình thành một “liên minh” trên danh nghĩa năm 1996 và có quan hệ hợp tác chặt chẽ về kinh tế và quân sự. Nhà lãnh đạo 65 tuổi Lukashenko là đồng minh thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Từng có đồn đoán rằng Tổng thống Putin có thể đang cân nhắc khôi phục Nhà nước liên minh Nga và Belarus, song ông Lukashenko đã bác bỏ lời đồn đại này.