Nâng cao hoạt động thẩm định văn bản, tránh chồng chéo quy định

An Quỳnh 16/10/2020 12:27

(Baonghean.vn) - Sáng 16/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng chí Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì điểm cầu Nghệ An. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương; các sở, ngành có liên quan.

Hội nghị đã triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành ngày 18/6/2015.

Điểm cầu Nghệ An. Ảnh: An Quỳnh

Tuy nhiên, quá trình thi hành bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc do luật chưa quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Từ yêu cầu trên, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Luật sửa đổi, bổ sung 68 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật năm 2015.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành quy phạm pháp luật.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành quy phạm pháp luật.

Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản như: Quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; bổ sung làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã được sửa đổi theo hướng: Cho phép HĐND cấp huyện ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành Quyết định QPPL để thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới; bổ sung trường hợp “Nghị quyết của Quốc hội giao” thì HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành VBQPPL.

Ngoài ra, Luật năm 2020 còn có nhiều điểm mới đáng chú ý khác như: Thu hẹp phạm vi loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, soạn thảo VBQPPL; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL…

Tại hội nghị, các điểm cầu nêu lên một số vướng mắc về Luật sửa đổi, bổ sung. Các vướng mắc của các đại biểu được đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp tiếp thu và giải đáp.

Tại hội nghị, đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp tổng kết một số vấn đề nổi bật như: Thiết lập cơ chế phối hợp trong cơ quan pháp luật, giảm bớt thủ tục hành chính; Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến người dân hoặc các đối tượng chịu tác động văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hoạt động thẩm định văn bản tránh các quy định chồng chéo nhau; xây dựng đội ngũ pháp chế trong các sở, ngành./.

Mới nhất

x
Nâng cao hoạt động thẩm định văn bản, tránh chồng chéo quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO