Nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện

Mỹ Nga 13/03/2019 06:06

(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị 05 gắn với 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huyện ủy Nghĩa Đàn chú trọng xây dựng các chuyên đề về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần tự giác, tính chủ động, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt.

Đặt lợi ích của nhân dân trên hết

Xóm Sình, xã Nghĩa Thắng có 153 hộ với 563 nhân khẩu, trong đó có trên 53% đồng bào dân tộc Thổ. Triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Chi bộ xóm Sình đưa nội dung chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng quý trong sinh hoạt chi bộ, xây dựng mô hình “Trong ấm ngoài êm”.

Hội phụ nữ xã Nghĩa Thắng hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình Nguyễn Thị Hợi ở xóm Sình để nuôi bò, thoát nghèo. Ảnh tư liệu

Để mô hình này thành công, chi bộ xác định rõ phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm. Định hướng 3 mũi sản xuất chính gồm: trồng lúa, mía và chăn nuôi. Làm theo Bác, chi bộ đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay xóm Sình có 36 ha mía, 100% hộ trong xóm có diện tích đất bãi đều đã chuyển sang trồng mía.

Đồng chí Ngô Sỹ Thành - Bí thư Chi bộ xóm Sình, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn)

Dễ nhận thấy, năng suất hiệu quả kinh tế từ mía cao hơn trồng màu nên bà con rất phấn khởi. Riêng trong năm 2018, toàn xóm thu được 1,6 tỷ đồng mía nguyên liệu. Chi bộ còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể xã hội như: Chi hội Phụ nữ đảm nhiệm mô hình “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; Chi hội Cựu Chiến binh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự; Chi hội Hội Nông dân phát triển mô hình chăn nuôi gà sạch, đến nay tổng đàn gà của xóm đã lên đến 4.000 con. Đời sống ổn định, nhân dân gắn bó đoàn kết, mọi chủ trương, đường lối đều nhận được sự đồng thuận cao. Đơn cử như trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sau 2 đợt phát động quyên góp, người dân đã đóng góp được 500 triệu đồng, hiến 10.000m2 đất, 400 cây có giá trị. Nhờ đó đến nay, xóm Sình đã bê tông hóa 80% đường liên xóm.

Nông dân huyện Nghĩa Đàn thu hoạch mía. Ảnh tư liệu

Tại xã Nghĩa Hồng, đều đặn sáng thứ Hai hàng tuần, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ được phát phiếu giao việc, khối lượng công việc được niêm yết rõ ràng, giúp mỗi cán bộ, công chức bám sát, có trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ, phá vỡ thói quen chểnh mảng, thiếu ý thức.

Trọng tâm thực hiện Chỉ thị 05 là việc mỗi cán bộ, đảng viên đi trước nêu gương trong việc cải cách hành chính và siết chặt kỷ cương, kỷ luật, hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tất cả với phương châm “3 không, 3 đúng, 3 cần, 3 chống”.

Đồng chí Nguyễn Đình Thái - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn)

Với cách siết chặt đầu mối này, người đứng đầu đánh giá chính xác được “sản phẩm đầu ra” của mỗi cán bộ. Không chỉ vậy, để hạn chế vấn đề nảy sinh từ cơ sở, tất cả các thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều tham gia sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, trong giải quyết các thủ tục hành chính, xã Nghĩa Hồng nêu cao tinh thần “đặt lợi ích của nhân dân trên hết”.

98% người dân đều cảm thấy hài lòng khi đến giao dịch tại Bộ phận một cửa xã Nghĩa Hồng. Ảnh Mỹ Nga

Khi tiếp cận với người dân, mỗi cán bộ đều có thái độ tận tình, nhã nhặn, giải thích ngắn gọn, thấu đáo, giúp người dân hiểu rõ vấn đề và cùng hợp tác giải quyết; dù xã có lượng giao dịch lớn giữa người dân với các đơn vị, nhưng ít xảy ra tình trạng tồn đọng vụ việc.

Theo khảo sát đánh giá năm 2018, có 98% người dân sau khi đến giao dịch tại Bộ phận một cửa của xã đều cảm thấy hài lòng.

Học tập và làm theo Bác, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức trên địa bàn huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, gắn bó, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; thực hiện tốt quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, giải quyết kịp thời hơn những vấn đề về tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không để xảy ra những điểm nóng, phức tạp. Ví như, Đảng bộ xã Nghĩa Thịnh tập trung giải quyết vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, kiến nghị lên cấp trên có thẩm quyền để việc khai thác đúng quy định, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; Đảng bộ xã các Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn quan tâm đến vấn đề môi trường, tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án.

Huyện Nghĩa Đàn lắp đặt hơn 50 thùng thu gom rác thải thuốc BVTV tại các cánh đồng. Ảnh tư liệu

Nêu cao chuẩn mực đạo đức

Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn, các địa phương, đơn vị đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của đơn vị mình để chủ động, sáng tạo trong xây dựng các chuẩn mực đạo đức. Đồng thời, việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, nội quy của các cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện".

Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn xây dựng các chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo. Các nội dung chuẩn mực, khẩu hiệu học tập và làm theo được công khai, niêm yết tại nơi trang trọng, trụ sở làm việc, là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi chiếu và rèn luyện mỗi ngày.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang cho bà con. Ảnh: Tư liệu

Gương mẫu đi đầu, Đảng bộ cơ quan Huyện ủy đề ra 3 tiêu chí: “Vững niềm tin theo Đảng - Chống chủ nghĩa cá nhân - Khoa học và dân chủ”. Trong khi đó, Chi bộ Tòa án thực hiện cải cách hành chính tư pháp, tận tụy phục vụ nhân dân; Công an huyện với diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” với phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin", đổi mới tác phong, văn hóa ứng xử với tiêu chí “4 đúng, 4 phải, 3 sát" nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; Hội Nông dân huyện xây dựng “Phong cách tác phong người đứng đầu", chủ động và sáng tạo trong hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên; Hội Phụ nữ các cấp thực hiện các phẩm chất của người phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”...

Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, giáo dục bằng hình thức nêu gương, phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một giải pháp cơ bản để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sâu rộng trong cán bộ, đảng viên toàn huyện.

Theo đó, yêu cầu những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nhất là các lãnh đạo chủ chốt các cấp cũng đề cao tinh thần tự giác, tính chủ động, sáng tạo, xây dựng cho mình kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện “theo Bác” qua những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với nhiệm vụ, lĩnh vực công tác.

Thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Học tập và làm theo Bác, nhận thức của cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Cán bộ, đảng viên và công chức, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đối với công việc được giao, dần khắc phục được hạn chế, sai phạm.

Đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn

Nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO