Ngân hàng đua lãi suất

20/05/2016 11:35

Khi các ngân hàng đang trong cuộc đua cạnh tranh lãi suất quyết liệt nhằm hút vốn thì các doanh nghiệp đứng ngồi không yên trước nguy cơ một đợt sóng tăng lãi vay trước mặt.

Các ngân hàng đang bị áp lực tăng lãi suất huy động
Các ngân hàng đang bị áp lực tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng đua lãi suất

Lãi suất (LS) huy động cao nhất trên thị trường hiện nay là ở Ngân hàng (NH) TMCP Tiên Phong với mức lên đến 8,4%/năm. Các NH khác cũng đang bám theo sát sườn. Nhưng đó chỉ là LS được công bố chính thức, mức lãi “ngầm” cao hơn. Anh Q.Trung (Q.7, TP.HCM) cho biết cách đây một tuần, một NH quy mô vừa điều chỉnh tăng LS tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 5,8%/năm lên 6,12%/năm và kỳ hạn 1 năm là 7,5%/năm, tăng mạnh so với LS trước đó là 6,8%/năm.

Đáng chú ý, hiện nay không chỉ có các NH vừa và nhỏ cạnh tranh LS để gọi vốn mà nhiều NH có vốn nhà nước, quy mô hàng đầu cũng đang có biểu LS cạnh tranh mạnh mẽ. Chẳng hạn, BIDV đang có LS cao hơn 0,2 - 0,3%/năm so với ACB ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài.

Điều này khiến các NH nhỏ bị “đuối” trong cuộc đua về LS. Trưởng phòng khách hàng cá nhân một NH TMCP quy mô lớn cho biết, NH đã chịu áp lực lớn từ 2 - 3 tháng nay khi một mặt phải tính chuyện giảm lãi cho vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một mặt phải bám sát nhất cử nhất động của những nhà băng lớn trên thị trường.

“Việc các NH lớn tăng LS là một dấu hiệu lạ và bất bình thường. Trừ khi NHNN muốn hút tiền trong lưu thông, chứ từ trước đến nay tôi chưa thấy NH thương mại nhà nước cạnh tranh vốn quyết liệt như vậy”, ông này nhận định.

Không chỉ khiến các NH nhỏ hơn chạy theo, mà quan trọng hơn, LS hấp dẫn giúp các NH lớn hút vốn mạnh trên thị trường. “Điều này nếu kéo dài lâu hơn sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến thanh khoản của NH. Chúng tôi cũng buộc phải nâng LS lên để giữ vốn lại, giá vốn tăng càng làm tăng áp lực hoạt động cho NH và doanh nghiệp (DN).Bởi các NH TMCP chỉ mới phát triển 20 năm nay, trong khi những ông lớn có chiều dài phát triển hơn 50 năm như Vietcombank, thì làm sao cạnh tranh lại lượng dữ liệu, khách hàng, thị trường”, lãnh đạo một NH khác phân tích.

Trên thực tế, các NH đã phải điều chỉnh LS tiền gửi đối với những khách hàng lớn với mức phổ biến thêm 0,5%/năm. Đây là sự điều chỉnh cực kỳ lớn. Vì với mức LS này, cộng thêm biên lợi nhuận của NH từ 2 - 3% thì LS cho vay các hợp đồng mới trong thời gian tới chắc chắn sẽ leo thang.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những lý do tăng lãi suất huy động hiện nay là do ngân hàng đang khan vốn
Các chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những lý do tăng lãi suất huy động hiện nay là do ngân hàng đang khan vốn.

Doanh nghiệp gánh lãi cao

Theo công bố của NHNN, trong tuần đầu tiên của tháng 5, mặt bằng LS cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm.

Riêng LS cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy nhiên, một số DN cho biết họ vẫn phải gánh chịu LS cao hơn mặt bằng chung này.

Cụ thể như Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đang phải trả LS vay ngắn hạn đến 10%/năm từ đầu năm 2016 đến nay. Mỗi tháng, gỗ Trường Thành phải trả lãi vay khoảng 5 tỉ đồng. “LS cho vay nếu giảm được về còn ở mức 7%/năm thì sẽ hỗ trợ DN rất nhiều, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các nước xung quanh để xuất khẩu hàng hóa ra thế giới”, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty gỗ Trường Thành, mong muốn.

Còn theo ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty TNHH thép Khương Mai, công ty đang trả LS vay ngắn hạn 7,5 - 8%/năm và dài hạn 9 - 10%/năm. Mức LS này được áp dụng gần cả năm qua và chưa có thay đổi mới. “Đây là mức LS cao hơn rất nhiều LS các nước trong khu vực ASEAN. Tôi chỉ mong LS ở mức khoảng 6%/năm như đang được áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên để DN dễ thở hơn. Bởi chi phí vốn cao sẽ đẩy giá thành sản phẩm cao và không thể cạnh tranh được với DN các nước trong khu vực, thậm chí ngay tại sân nhà”, ông Khương nói.

Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti), thì đang lo ngại xu hướng LS sẽ tăng trong thời gian tới bởi nhiều yếu tố như lạm phát tăng cao hơn năm trước, LS huy động đầu vào đang tăng cao... Đặc biệt, việc LS cả năm qua đều giữ nguyên ở mức 8%/năm cho thấy hàng trăm ngàn DN kinh doanh sản xuất bình thường như Miti càng khó có cơ hội tiếp cận được mức LS thấp hơn. “Bản thân các DN đều bị thụ động và phải chấp nhận LS NH đưa ra khi vay vốn. Nhưng nếu LS vay giảm còn khoảng 6%/năm là hợp lý hơn và giúp các DN tiết kiệm được chi phí sản xuất, hoạt động hơn”, ông Kiên phân tích.

Lãi suất chưa dừng lại

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong hơn 3 tháng nay, các NH đã điều chỉnh LS huy động trong bối cảnh kỳ vọng LS tăng cao và trần tăng trưởng tín dụng được nới. Vì vậy, NH chủ yếu điều chỉnh ở kỳ hạn trung dài hạn. Điều này cũng tạo điều kiện cho đường cong LS đúng chuẩn hơn, thay vì lâu nay LS ngắn và trung dài hạn cứ ngang bằng nhau làm biến dạng thị trường tài chính. Bên cạnh đó, hiện tượng các NH có vốn nhà nước tăng LS huy động một phần là do họ đổ nhiều tiền vào trái phiếu chính phủ.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, có nhiều yếu tố thúc đẩy NH tăng LS. Thứ nhất là thanh khoản, thứ hai là cầu vốn và thứ ba là hoạt động tăng quỹ dự phòng rủi ro. Đặc biệt, hiện nay khi Chính phủ phải cân đối ngân sách và bù đắp việc thiếu hụt nguồn thu bằng cách phát hành trái phiếu trong nước cũng hút một lượng tiền lớn từ hệ thống NH. Từ đó kéo theo việc các NH tăng LS để huy động thêm nguồn vốn. Lực vay dồn vào trong nước thông qua phát hành trái phiếu, đưa LS trái phiếu lên cao và khó lòng giảm trong thời gian tới. Đây cũng là lý do khiến dù hiện nay lạm phát chưa cao mà LS đã nhảy vọt. “Người mua trái phiếu trên thị trường chiếm đến hơn 80% là các NH. Trong bối cảnh này, đặc biệt là lạm phát có xu hướng quay trở lại, thì LS sẽ còn đi lên”, ông Ngô Trí Long nhận định.

Theo Thanh Niên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngân hàng đua lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO