Ngăn ngừa tranh chấp, ổn định quan hệ lao động

15/12/2015 10:43

(Baonghean)- Không nắm vững các quy định của pháp luật khiến rất nhiều người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp đã và đang chịu không ít thiệt thòi về quyền lợi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động trong doanh nghiệp....

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Chị Nguyễn Thị Nga là công nhân của một công ty vật liệu xây dựng ở Khu Công Nghiệp Nam Cấm, trong quá trình làm việc do bất cẩn chị bị máy xay cắt đứt tay phải. Khi tai nạn xảy ra, công ty đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng và đền bù cho chị 10 triệu đồng. Lúng túng, không am hiểu về luật lao động, chị tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn ( Liên Đoàn Lao động tỉnh) xin tư vấn. Tại đây, chị được tư vấn hướng giải quyết, giúp lập hồ sơ giám định thương tật và trực tiếp làm việc với công ty nơi chị làm việc. Kết quả với thương tật 61%, chị Nga đã được cấp sổ hỗ trợ thương tật hàng tháng, toàn bộ chi phí điều trị, tiền hỗ trợ đền bù của doanh nghiệp.

Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết, làm việc cho một công ty ở Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú ( thành phố Vinh), do đứa con nhỏ 3 tuổi bị ốm nên chị xin nghỉ phép ( bằng miệng) 5 ngày để chăm con. Thế nhưng khi trở lại công ty, chị Tuyết bị ban lãnh đạo sa thải vì nghỉ việc không lý do. Bên cạnh đó còn bị phạt 1 tháng tiền lương cuối cùng không được thanh toán. Khi chị đến trung tâm tư vấn hỏi về trường hợp của mình, qua nghiên cứu, xem xét hồ sơ Trung tâm phát hiện công ty chị Tuyết không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, sa thải, kỷ luật người Lao động không đúng quy định của pháp luật...Với sự giúp đỡ của cán bộ tư vấn, tổ chức công đoàn, chị Tuyết đã nắm được các quy định pháp luật liên quan và đấu tranh để được nhận trở lại công ty làm việc và hưởng các quyền lợi liên quan.

Cán bô công đoàn tư vấn pháp luật cho công nhân, người lao động
Cán bô công đoàn tư vấn pháp luật cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp Bắc Vinh ( ảnh Minh Nguyệt)

Chị Hoàng Thị Thu Hương- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết: hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm pháp luật lao động, vi phạm chính sách tiền lương, BHXH, BHYT, trong khi người lao động lại thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật liên quan dẫn đến chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Tuy nhiên cũng có trường hợp người lao động không nắm các quy định, nhận thức pháp luật hạn ch dẫn đến tranh chấp lao động. Bởi vậy các hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trong năm 2015, ngoài việc biên soạn và phát hành 3.200 bộ tờ rơi về pháp luật lao động đến tận công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp FDI, khu công nghiệp trên địa bàn; tổ chức 17 cuộc tư vấn pháp luật lưu động tại doanh nghiệp và khu nhà trọ cho 2.425 lượt công nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn đã thực hiện tư vấn miễn phí cho 171 lượt tập thể và cá nhân về pháp luật lao động. Trong đó bảo vệ thành công 11 CNLĐ trong 11 vụ tranh chấp lao động cá nhân, trong đó có 01 vụ hòa giải tại tòa, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao độngnước ngoài.

Trên thực tế thông qua các hoạt động này, trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đã giúp nhiều người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi có tranh chấp xảy ra. Như trường hợp ông Trần Văn Tùng- Ngân hàng Eximbank Vinh sau khi khiếu nại về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đã được bồi thường 9,4 triệu đồng, ông Trần Minh Thành khiếu nại Công ty CP XNK Dịch vụ Nghệ An không trả sổ bảo hiểm dù đã chấm dứt HĐLĐ và đã được trả lại sổ BHXH. Nổi bật là vụ việc tranh chấp lao động tại Ban Quản lý Quảng trường Hồ CHí Minh về việc kéo dài thời gian thử việc và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Kết quả có 02 người được ký hợp đồng lao động 24 tháng, 02 người được đền bù tổng cộng 15 triệu đồng để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng...

Ngăn ngừa tranh chấp

Xác định một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động. Bởi người lao động hiểu biết quyền và lợi ích của mình sẽ biết tự bảo vệ bản thân và tôn trọng pháp luật. Vì vậy, những năm qua, tổ chức công đoàn các cấp đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNLÐ với những hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về pháp luật lao động với các chuyên đề về hợp đồng lao, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động, luật Bảo hiểm xã hội, luật Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn, phòng chống ma túy, HIV/AIDS …

công nhân, người lao động được tư vấn pháp luật ngay tại phòng trọ
công nhân, người lao động được tư vấn pháp luật ngay tại phòng trọ ( ảnh Minh Nguyệt)

Như ở Khu Kinh tế đông Nam hiện có hơn 60 doanh nghiệp, trên 16.000 lao động. Để đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người lao động trong các doanh nghiệp, công đoàn khu kinh tế đã tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền như giao lưu, sân khấu hóa, tuyên truyền lưu động tại các khu nhà trọ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho công nhân, viên chức, lao động. Các buổi truyền thông chủ yếu diễn ra vào các buổi tối, ngày nghỉ hoặc cuối giờ làm việc....

Chị Minh Nguyệt- Phó chủ tịch công đoàn Khu Kinh Tế Đông Nam cho hay: Hiện nay,một số doanh nghiệp đã từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chú trọng công tác ATVSLĐ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ như: Điều kiện làm việc còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại; hàng năm không tổ chức huấn luyện định kỳ về an toàn vệ sinh lao động, sử dụng máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn, trang bị đồ bảo hộ lao động không đầy đủ, công nhân không được khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người lao động và chủ sử dụng lao động, chúng tôi còn phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật tại các doanh nghiệp. Từ đó yêu cầu các đơn vị xây dựng, bổ sung, sửa đổi nội qui lao động, thang lương, bảng lương, thoả ước lao động tập thể; Lập danh sách đề nghị Sở Lao động thương binh xã hội tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp trong KCN....

Năm 2015, công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đã tư vấn qua điện thoại cho 130 trường hợp về chế độ chính sách tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ phép năm. Tổ chức 02 cuộc tư vấn pháp luật lao động tại các khu nhà trọ với 140 công nhân lao động tham gia. Phát 4.000 tờ rơi về tuyên truyền pháp luật cho người lao động, thực hiện tư vấn lưu động trong doanh nghiệp thu hút 450 người tham gia.

Bên cạnh đó, để hạn chế và phòng ngừa tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh còn chủ trương thành lập các tổ tư vấn pháp luật tại một số khu kinh tế, tập huấn, đào tạo nghiệp vụ tư vấn pháp luật, giải quyết lao động, tranh chấp dân sự cho đội ngũ cán bộ công đoàn, cán bộ nhân sự và công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Riêng năm 2015, đã đào tạo 435 cán bộ công đoàn cơ sở, trong đó đào tạo cấp chứng chỉ về nghiệp vụ tư vấn pháp luật, giải quyết đình công cho 35 cán bộ công đoàn, cán bộ nhân sự các doanh nghiệp FDI. Các cấp công đoàn cũng đã chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động trong các vụ đình công. Ví dụ như vụ đình công tại công ty SBE( Nam Cầm) với gần 5.000 lượt CNLĐ tham gia. Sau đối thoại 1 ngày công nhân đã đi làm trở lại. Còn tại Công ty Matric Vinh, do sớm nắm bắt được thông tin CNLĐ chuẩn bị đình công, các cấp công đoàn đã tư vấn cho doanh nghiệp ra thông báo giải quyết kiến nghị và lùi thời gian làm việc nên đã không để xảy ra đình công.

Doanh nghiệp và NLĐ chưa mặn mà

Thực tế cho thấy, hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn.Vì áp lực lợi nhuận nên nhiều chủ doanh nghiệp không muốn, ít tạo điều kiện bố trí thời gian cho hoạt động tuyên truyền của các tổ chức công đoàn. Mặt khác, một số doanh nghiệp không mặn mà với hoạt động này bởi trên thực tế họ đang sử dụng những chiêu “ lách luật” trong việc sử dụng lao động mà không muốn bị phát giác. Về phía công nhân, người lao động vì áp lực công việc, cộng với nhận thức hạn chế nên nhiều người chưa ý thức được sự cần thiết cập nhật những kiến thức liên quan đến pháp luật nhất là Luật lao động, bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của mình. ặt khác kinh phí dành cho công tác tuyên truyền còn nhiều hạn hẹp, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu tư vấn viên chuyên sâu …cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Những hoạt động tư vấn tại chỗ như thế này chưa được doanh nghiệp và cả người lao động hưởng ứng nhiệt tình ( ảnh Minh Nguyệt)
Những hoạt động tư vấn tại chỗ như thế này chưa được chủ sử dụng lao động và cả người lao động hưởng ứng nhiệt tình ( ảnh Minh Nguyệt).

Vì vậy, để đưa pháp luật đến gần hơn với NLĐ trong doanh nghiệp, ngoài việc quan tâm vấn đề kinh phí, nhân lực, các ngành liên quan cũng như tổ chức công đoàn các cấp cần phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để tạo sức hấp dẫn, thu hút. Bởi các chính sách, văn bản luật thường khô khan, khó nhớ trong khi hình thức tuyên truyền nhàm chán cũng là lí do khiến các doanh nghiệp và NLĐ không mặn mà với công tác này. Thế nhưng, điều quan trọng là làm sao để NLĐ nhận thức được việc trang bị kiến thức pháp luật chính là “vũ khí” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Về phía chủ sử dụng lao động cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ, thực hiện tốt quy chế lao động, kỷ luật lao động, ngăn ngừa tranh chấp lao động là yếu tố chủ đạo giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Ngày 24-2-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2009, phê duyệt Ðề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012. Tổng LÐLÐ Việt Nam được giao thực hiện Tiểu Ðề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật Công đoàn và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngăn ngừa tranh chấp, ổn định quan hệ lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO