Ngành đường sắt vật lộn 'giữ chân' công nhân trước làn sóng bỏ việc
Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam bày tỏ "rất băn khoăn, trăn trở" về thu nhập của công nhân gác chắn, duy tu, phục vụ trên tàu.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty Đường sắt có 130 người chấm dứt hợp đồng lao động trước một tháng đến 12 tháng khi đủ tuổi nghỉ hưu; 52 người khác tự chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tổng công ty Đường sắt đã chi trả hơn 13 tỷ đồng trợ cấp thôi việc trong 6 tháng, trong khi đó, chi trả cả năm 2016 cùng khoản này chỉ là 16 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt qua nội đô Hà Nội và các tuyến đi Hải Phòng, Lạng Sơn, cho hay từ đầu năm 2016 đến nay đơn vị đã có 139 lao động xin nghỉ việc và một số người xin tạm hoãn hợp đồng, nhưng "khi tạm hoãn thì không ai quay lại làm việc"; hiện đơn vị đang thiếu hơn 20 lao động.
Nguyên nhân lao động đường sắt bỏ việc chủ yếu do thu nhập chưa cao, công việc nặng nhọc. |
Phần lớn lao động nghỉ việc là người trẻ, đã làm việc ở đơn vị trong khoảng 7 năm trở lại đây, gồm công nhân duy tu, gác chắn đường ngang ở các khu vực Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên, Giáp Bát, Văn Điển, Lạc Đạo...
"Nguyên nhân lao động bỏ việc chủ yếu do thu nhập chưa cao, công việc nặng nhọc. Công nhân duy tu đường phải dùng sức lao động như bê tà vẹt, bê đá... Ngoài ra, nhiều người còn lo ngại giảm quyền lợi do doanh nghiệp đã cổ phần hóa", ông Vượng nói.
Năm 2015, Công ty đường sắt Hà Hải có thu nhập bình quân đầu người là 5,6 triệu đồng mỗi tháng; năm 2016 là 6 triệu đồng; năm 2017 dự kiến là 6,7 triệu đồng. "Mặc dù thu nhập bình quân cao năm sau cao hơn năm trước song so với xã hội còn thấp. Trừ phần đóng góp cho nhà nước thì lao động nhận về được ít hơn, nên họ cần mức lương tăng lên 7-8 triệu đồng", ông Vượng nói.
Để giải quyết lao động thiếu hụt do nghỉ việc nhiều ở địa bàn Hà Nội, Công ty đường sắt Hà Hải đã phải điều chuyển nhiều lao động duy tu, gác chắn từ Hải Dương, Thái Nguyên về Thủ đô; công nhân điều chuyển được tăng phụ cấp, công tác phí. Tuy nhiên, ông Vượng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, về dài hạn là phải tuyển dụng đủ lao động, song "từ đầu năm hầu như chưa tuyển được thêm người do lương thấp".
Từ 1/10, Công ty sẽ tăng thu cho lao động từ 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng dựa vào các nguồn thu nhập từ việc duy tu, bảo trì ngoài ngành. "Chúng tôi đề nghị Nhà nước tăng đơn giá tiền lương để thu nhập của lao động tăng cao hơn", ông Vượng nói.
Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân mỗi tháng của khối vận tải và khối kết cấu hạ tầng là 6,6 triệu đồng.
Theo ông Hoạch, lao động tuần đường, gác chắn được coi là vất vả song do đặc thù công việc là chức danh lao động hưởng lương theo bậc thợ, không có năng suất lao động nên không có cơ sở để nâng lương so với mức lương cơ bản. Số lao động này chỉ có thể tăng lương khi doanh nghiệp có thêm lợi nhuận.
Theo Tổng công ty Đường sắt, thu nhập bình quân của công nhân khối hạ tầng đường sắt là 6,6 triệu đồng/tháng. |
Mỗi năm, Tổng công ty đường sắt được đầu tư trên 2.000 tỷ đồng cho việc bảo trì hạ tầng đường sắt, thông qua việc giao đơn giá sản phẩm duy tu bảo trì do Bộ Giao thông duyệt. Phần chi phí trả lương cho người lao động đã được tính toán trong đơn giá đó.
"Lãnh đạo Tổng công ty rất băn khoăn, trăn trở về mức thu nhập của công nhân, nhất là công nhân gác chắn, duy tu, phục vụ trên tàu. Chúng tôi đang nỗ lực đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng sản lượng để tăng doanh thu, từ đó mới tăng thu nhập cho anh em", ông Hoạch nói.
Tổng công ty đường sắt cũng đã kiến nghị với Nhà nước nâng mức đầu tư từ ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt lên 1,3 lần mức hàng năm, bắt đầu từ năm 2018, qua đó để đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt và có cơ hội tăng việc làm cho các đơn vị bảo trì, tăng thu nhập cho người lao động.
Với lực lượng tuần đường gác chắn, Tổng công ty kiến nghị Bộ Lao động áp dụng chế độ tiền lương tương tự với của nhân viên gác đèn biển ở lĩnh vực bảo đảm hàng hải.
Trước mắt, để đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường, an toàn trong thời điểm thiếu lao động, Tổng công ty đã chỉ đạo doanh nghiệp thành viên có giải pháp đảm bảo các vị trí làm việc theo ban kíp phải bố trí đầy đủ; đồng thời tăng cường kiểm tra an toàn tại các vị trí liên quan đến chạy tàu.
Các đơn vị cũng thực hiện việc điều chuyển công nhân duy tu đã được đào tạo nghiệp vụ gác chắn, chuyển sang hỗ trợ gác chắn tại các điểm đang thiếu nhân lực.
TIN LIÊN QUAN |
---|