Ngành Y tế Nghệ An: 10 sự kiện nổi bật năm 2021

(Baonghean.vn) - Năm 2021, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả. Nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên môn sâu tiếp tục được áp dụng triển khai. Mạng lưới y tế tiếp tục phát triển, nâng tầm và khẳng định vị trí ở khu vực.

1. Công tác tham mưu phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả, “trúng” và “đúng”:

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đưa ra các chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các Kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch phù hợp, thích ứng với từng diễn biến của dịch và đạt kết quả cao. Ngành Y tế cũng đã tích cực, chủ động tham mưu và xây dựng đầy đủ, chi tiết các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn chuyên môn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh với phương châm “chống dịch như chống giặc”, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Lãnh dạo Tỉnh Nghệ An thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Tư liệu
Lãnh dạo tỉnh Nghệ An thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Tư liệu

2. Các hoạt động chuyên môn trong phòng chống dịch COVID-19 đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng theo diễn biến dịch bệnh:

Ngành Y tế đã thiết lập hệ thống đáp ứng dịch thường trực 24/24 từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, kịp thời triển khai việc giám sát, đánh giá nguy cơ, phát hiện, truy vết, khoanh vùng các ổ dịch, tổ chức cách ly và xét nghiệm phù hợp. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch với tình huống xấu nhất và chủ động nâng cao tối đa năng lực truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị.

 
Thành phố Vinh là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc tiêm phòng cho học sinh THCS. Trong ảnh: Tiêm phòng cho học sinh Trường THCS Lê Mao. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Thành phố Vinh là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc tiêm phòng cho học sinh THCS. Trong ảnh: Tiêm phòng cho học sinh Trường THCS Lê Mao. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Với hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế về nguồn vắc-xin, sự vào cuộc của cả hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở và phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay kịp thời, an toàn và hiệu quả, toàn tỉnh cơ bản đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho cộng đồng với 99,1% người từ đủ 18 tuổi trở lên tiêm đủ liều cơ bản, 98,2% số trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Cùng với đó là sự chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, với giải pháp 5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân cùng các trụ cột như: xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhanh; cách ly phù hợp hiệu quả cho từng đối tượng; Thiết lập hệ thống điều trị theo phân tầng điều trị: Các cơ sở thu dung điều trị tuyến huyện tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhân nhẹ; các bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân vừa và 02 cơ sở điều trị tích cực sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, nặng phải nhập viện, tử vong.

3. Công tác phối kết hợp giữa ngành Y tế với các sở ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả:

Có thể thấy sự thành công trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua là kết quả của cả hệ thống chính trị từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, cũng như sự phối hợp chủ động của các sở, ngành, đơn vị và các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an, giao thông vận tải trong việc kiểm soát di biến động dân cư, phát hiện người trở về từ các địa phương trong nước và các quốc gia có dịch trên thế giới qua các cửa khẩu, các tuyến đường bộ, đường sắt và hàng không; Sự phối hợp của ngành Y tế với các sở, ngành khác trong việc giám sát, xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, các địa điểm tập trung đông người như chợ, chợ đầu mối, siêu thị, địa điểm du lịch, trường học,... Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho người dân thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho người dân thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung

Bên cạnh đó để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, toàn thể lãnh đạo ngành, các phòng chức năng của Sở Y tế, CDC tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên bám sát, có mặt và hỗ trợ kịp thời tại các địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đồng thời huy động tổng lực nhân viên y tế từ công lập đến tư nhân, tham gia phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động như xét nghiệm, tiêm chủng, cách ly,... Đặc biệt, ngành đã chi viện 7 đoàn công tác với 304 nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch cho các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

4. Nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên môn sâu tiếp tục được áp dụng triển khai ở các tuyến:

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở luôn chủ động, tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu đáp ứng yêu cầu cứu chữa người bệnh nặng và nguy kịch như: Áp dụng hiệu quả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), phẫu thuật nội soi cắt gan, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, ghép tạng, phẫu thuật Robot,... Hoàn thiện, áp dụng thường quy nhiều kỹ thuật cao tuyến trên tại các đơn vị khám chữa bệnh tuyến huyện: kỹ thuật nội soi các lĩnh vực Sản khoa, Tiết niệu, Tiêu hóa, xét nghiệm sàng loc, khẳng định SARS- CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR...

5. Mạng lưới y tế tiếp tục phát triển, nâng tầm và khẳng định vị trí ở khu vực:

Bộ Y tế công nhận và giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh khu vực Bắc Trung bộ cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thuộc các chuyên khoa: Ngoại khoa, Nội khoa, Sản khoa. Các đơn vị: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được công nhận hạng I. Sáp nhập Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Trung tâm Phục hồi chức năng Giao thông 4 vào Bệnh viên Phục hồi chức năng... Qua đó hướng tới xây dựng Nghệ An thành trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung bộ.

Thực hiện ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Tư liệu

6. Đẩy mạnh vai trò y tế cơ sở và nâng cao chất lượng y tế dự phòng:

Với mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước cũng như trong tỉnh, ngành Y tế vẫn luôn song hành với nhiệm vụ chống dịch và việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở với trên 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 50% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế 93,26%, vượt 3,26% so với chỉ tiêu (tương đương 429 xã).

 
Cán bộ, nhân viên rà soát lại danh sách các F1, F2 của ca bệnh ngay tại Trạm Y tế xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: PV
Cán bộ, nhân viên rà soát lại danh sách các F1, F2 của ca bệnh ngay tại Trạm Y tế xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: PV

Thường xuyên tập trung chỉ đạo, chủ động và tích cực phòng chống các bệnh truyền nhiễm, khống chế có hiệu quả dịch bệnh như dịch COVID-19, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết,… không để dịch chồng dịch. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm đã được quan tâm và triển khai đến tận tuyến xã như phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường,… từng bước triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến xã theo nguyên lý y học gia đình. Công tác tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, suy dinh dưỡng,… trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.

7. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có bước chuyển quan trọng:

Trong năm 2021, Sở Y tế đã cử đi đào tạo 306 người (Tiến sĩ, CKII 67 người; Thạc sĩ, CKI: 126 người; Đào tạo liên thông đại học: 113 người) trong đó tuyến huyện 87 người (CKII 4 người; Thạc sĩ, CKI: 41 người; Đào tạo liên thông đại học: 42 người). Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các đơn vị, Sở Y tế đã phối hợp với các Trường đại học Y, Dược trong cả nước mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt là phối hợp với Trường đại học Y Hà Nội mở lớp chuyên khoa I chuyên ngành Tâm thần (12 học viên) và lớp chuyên khoa II chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (22 học viên).

 8. Công tác dân số Nghệ An 60 năm xây dựng và phát triển góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững quê hương, đất nước:

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, công tác Dân số tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,78 con năm 1961 xuống 2,76 con năm 2021. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,45% năm 1961 xuống còn 1,2% năm 2021. Cơ cấu dân số tỉnh Nghệ An trong 60 năm qua có sự chuyển dịch tích cực. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.

Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình là một trong 2 nhiệm vụ của ngành dân số Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình là một trong 2 nhiệm vụ của ngành dân số Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Nghệ An có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2021. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những thành tựu của công tác dân số góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cơ hội học tập, tăng cường bình đẳng giới.

9. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tiếp tục triển khai hiệu quả tại các đơn vị, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh:

Năm 2021, Nghệ An có 03/26 bệnh viện trên cả nước triển khai Bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, Bệnh viện Sản Nhi.

Tổ chức rà soát lại toàn bộ công tác đón tiếp, phục vụ, tạo tiện ích cho người bệnh. Ảnh tư liệu: Thành Chung
Tổ chức rà soát lại toàn bộ công tác đón tiếp, phục vụ, tạo tiện ích cho người bệnh. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Việc ứng dụng công nghệ thông tin từng bước số hóa các hoạt động khám, chữa bệnh, đây là bước “đột phá” trong cải cách hành chính, giảm phiền hà tối đa cho người bệnh. Đến nay, 95,5% thủ tục hành chính của Sở Y tế (85/89) triển khai dịch vụ công cấp 4, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

10. Các chỉ tiêu chính công tác y tế đều hoàn thành, đạt mục tiêu đề ra:

Trong năm, với sự đồng lòng khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã thực hiện cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu chính đề ra như: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1.2%; Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 95%; Tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế 93,26 %; Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt 90%; Đạt 11 bác sỹ/1 vạn dân; 35,72 giường bệnh/1 vạn dân; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 15,3%.

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.