Nghệ An ban hành nhiều chính sách tạo động lực, thúc đẩy phát triển
(Baonghean.vn) - Kể từ khi chính thức “vận hành” nhiệm kỳ mới 2021 - 2026 đến thời điểm kết thúc năm 2021 đúng tròn 6 tháng hoạt động, HĐND tỉnh đã tiến hành rà soát, ban hành 43 nghị quyết, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách mang tính động lực, thúc đẩy phát triển.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thành Cường |
Ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển
Kể từ khi HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức “vận hành” đến thời điểm kết thúc năm 2021 đúng tròn 6 tháng hoạt động. Chừng đó thời gian, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà đã ghi nhận những thay đổi mang tính tích cực trên nhiều phương diện, nội dung hoạt động của HĐND tỉnh, thể hiện sự trăn trở, sẻ chia trước những vấn đề thực tiễn dân sinh của cơ quan HĐND và mỗi đại biểu dân cử.
Trong tổ chức kỳ họp, cách điều hành của Thường trực HĐND tỉnh rất khoa học, linh hoạt, hiệu quả; ý kiến tham gia của các đại biểu HĐND tỉnh trách nhiệm, thể hiện sự sâu sát cơ sở, lắng nghe, chuyển tải được “tiếng lòng” của cử tri, Nhân dân.
Lựa chọn các vấn đề đưa ra “mổ xẻ” công khai nhằm tìm ra giải pháp tổng thể, gắn trách nhiệm các cấp, các ngành. Điều này thể hiện rõ thông qua phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 về thực hiện chế độ, chính sách cho gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác quản lý khoáng sản; phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào hồi tháng 9 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những vấn đề được HĐND tỉnh quan tâm rà soát để ban hành chính sách mới gồm 9 nhóm mang tính động lực. Ảnh: Mai Hoa |
Phiên thảo luận tại hội trường ở các kỳ họp, HĐND tỉnh không né tránh những vấn đề đang gây nhiều băn khoăn, lo lắng, bức xúc trong Nhân dân, như chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm; giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp nâng cao, giá đầu ra thấp; thiếu đất sản xuất của người dân miền núi; xử lý dự án chậm tiến độ; sử dụng vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19… Đó là những điểm cộng để cử tri, Nhân dân tiếp tục đặt niềm tin, gửi gắm kỳ vọng đối với HĐND tỉnh ở nhiệm kỳ mới này.
Hòa cùng “nhịp đập” sôi động của các cấp, các ngành đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, HĐND tỉnh cũng tiến hành rà soát, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách.
Cụ thể, tại 3 kỳ họp của nhiệm kỳ mới (2 kỳ họp thường lệ, 1 kỳ họp đột xuất), HĐND tỉnh đã ban hành 43 nghị quyết về kinh tế - xã hội. Điều được dư luận đánh giá cao là các nghị quyết ban hành đều tạo đồng thuận cao của các đại biểu HĐND tỉnh, tạo “chỗ dựa” vững chắc cho cử tri, Nhân dân; khẳng định HĐND tỉnh luôn trăn trở vì sự phát triển chung của tỉnh, luôn đồng hành hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Chính sách phát triển công nghiệp vừa được HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp thứ 4, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong ảnh, toàn cảnh khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường |
Trong đó, có nhiều nghị quyết tạo động lực thúc đẩy phát triển chung của tỉnh, như nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách hỗ trợ đầu tư; cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ TX. Cửa Lò và TX. Thái Hòa phát triển kinh tế - xã hội; chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập…
Bên cạnh đó là các nghị quyết tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong đời sống xã hội, như quy định giá dịch vụ xét nghiệm SAR-CoV-2; hỗ trợ học phí trẻ em mầm non và học sinh phổ thông do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội; chế độ cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm…
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thăm quan mô hình cam phủ màn tại huyện Thanh Chương. |
Đổi mới việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
Bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2026, quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh là tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cử tri, Nhân dân. Việc tổ chức tiếp xúc 2 cấp nhằm giảm việc tổ chức hội nghị ở cơ sở và hạn chế đi lại của cử tri khi cùng một vấn đề phản ánh tại 2 diễn đàn (Quốc hội và HĐND). Kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh gửi về các huyện, thành, thị xã thông báo đến cử tri.
Mỗi đại biểu HĐND tỉnh khi thực hiện tiếp xúc cử tri đều có trách nhiệm thông báo trực tiếp đến cử tri kết quả giải quyết những kiến nghị ở kỳ họp trước liên quan đến địa bàn tiếp xúc. Việc công khai kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri, khẳng định sự tôn trọng, quan tâm giải quyết các kiến nghị cử tri của chính quyền. Mặt khác, qua công khai cũng để cử tri giám sát, phản hồi chất lượng giải quyết của các cơ quan chức năng để HĐND tỉnh được biết và giám sát.
Cử tri huyện Thanh Chương đề xuất tỉnh quan tâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân sau chuyển đổi ruộng đất. Ảnh: Mai Hoa |
Ngoài công khai để cử tri giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cũng giao các ban HĐND thẩm tra kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh và các ngành theo từng nhóm lĩnh vực.
Những kiến nghị giải quyết còn chung chung, chưa đúng trọng tâm, chưa đưa ra được giải pháp, lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể, đều được Thường trực HĐND tỉnh đưa vào dự thảo nghị quyết kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trình HĐND thông qua tại kỳ họp, thể hiện tinh thần “theo đuổi” đến cùng và tạo “sức nặng” cho các cấp, các ngành giải quyết triệt để hơn.
Bộ phận trực đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh các kiến nghị được tổng hợp thông qua tiếp xúc cử tri, các phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân qua đường dây điện thoại trực tuyến tại các kỳ họp cũng được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, công khai trước các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo tỉnh và các huyện tham dự tại các kỳ họp HĐND tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có ý kiến cho rằng, cách làm này đã tạo “sức ép” đối với các cấp, các ngành phải vào cuộc giải quyết các kiến nghị của cử tri nghiêm túc, chất lượng hơn.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: Giải quyết các kiến nghị của cử tri tốt, vừa đảm bảo yên dân, vừa nâng cao năng lực, kỹ năng giải quyết công việc, kể cả công tác dân vận của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước; góp phần củng cố niềm tin của cử tri, Nhân dân vào cơ quan dân cử.
Bởi vậy, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đặt ra yêu cầu cao và đổi mới hơn hoạt động này. Bên cạnh trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, về phía cơ quan dân cử các cấp cũng cần thể hiện rõ thái độ thẳng thắn, chấp nhận sự va chạm để theo đuổi, đốc thúc việc giải quyết đến cùng các kiến nghị của cử tri; từ đó “thúc ép” các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, công chức kịp thời hơn trong giải quyết các kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như các bất cập, mâu thuẫn, hạn chế đặt ra trong đời sống xã hội./.