Nghệ An: Bệnh nhân đột quỵ, viêm phổi tăng do rét đậm rét hại

Thành Chung - Đức Anh 10/01/2021 17:36

(Baonghean.vn) - Rét đậm, rét hại đã khiến cho nhiều người cao tuổi, trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp - viêm phổi và đặc biệt là đột quỵ. Lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý nói trên chiếm phần lớn trong tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh, khiến cơ sở y tế quá tải.

Thời điểm này, Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh có 27 bệnh nhân đang điều trị. 1/2 trong số đó là các bệnh nhân bị viêm phổi. Ảnh: Đức Anh

Bệnh nhân viêm phổi tăng

Vào thời điểm này, Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đang thực hiện điều trị cho 27 bệnh nhân. Chiếm 1/2 trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, bị viêm phổi nặng, kết hợp với nhiều bệnh lý khác như thoái hóa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản, viêm họng mũi mạn tính... Với những bệnh mãn tính kéo dài này, về mùa lạnh thường tái phát hoặc nặng thêm, càng làm cho sức khỏe người cao tuổi suy giảm dễ mắc viêm phổi - Bác sĩ Ngô Nam Hải - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho hay.

Theo bác sĩ Ngô Nam Hải: Thời tiết ở Nghệ An lúc này rất lạnh, là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh dễ phát triển, trong đó có các vi sinh vật gây bệnh ở đường hô hấp. Mùa lạnh, rét, người cao tuổi nếu mặc không đủ ấm, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tắm rửa bằng nước lạnh, phòng ngủ có gió lùa và thiếu chăn, đệm càng dễ mắc bệnh viêm phổi. Nếu người cao tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc sống ở vùng có nhiều khói bụi, vệ sinh môi trường kém vào mùa lạnh bệnh viêm phổi càng dễ xuất hiện... Đây chính là những nguyên nhân khiến bệnh nhân viêm phổi tăng trong đợt này.

Rét đậm, rét hại khiến những người cao tuổi có sẵn các bệnh mãn tính dễ mắc viêm phổi. Ảnh: Đức Anh
Do sức đề kháng của người cao tuổi đã suy giảm nên sự thể hiện của bệnh viêm phổi đôi khi không điển hình. Vì vậy, khi thấy mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, ho cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Ngô Nam Hải - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa TP Vinh khuyến cáo:

Về phòng bệnh, người cao tuổi cần tránh lạnh đột ngột cho nên hàng ngày việc tắm, rửa cần có nước ấm, tắm ở buồng kín gió, tắm xong cần lau khô người, đầu tóc, mặc quần áo ngay và không nên tắm lâu. Nếu người cao tuổi sức yếu không tự tắm được, hoặc tinh thần không minh mẫn nên có sự hỗ trợ của người nhà, người giúp việc. Hàng ngày NCT cần vệ sinh sạch sẽ họng miệng bằng hình thức đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Người cao tuổi có hàm răng giả, cần vệ sinh hàng tuần hoặc vài ba ngày một lần.

Vào mùa lạnh, mưa rét, người cao tuổi nên hạn chế đi ra đường, nếu công việc không thể trì hoãn, cần thiết mặc ấm, chân tay cần có tất, cổ quàng khăn ấm, đầu đội mũ ấm và đeo khẩu trang. Đồng thời nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng và không nên hút thuốc. Nên vận động cơ thể hàng ngày bằng các động tác tập thể dục buổi sáng và tập hít thở đều (hít sâu, thở ra từ từ).

Tương tự như ở Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp chiếm khoảng 70% bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây. Rất nhiều trẻ bị phế quản, viêm phổi, viêm tai, viêm họng...

Số trẻ mắc bệnh đường hô hấp chiếm 70% số bệnh nhân đến khám điều trị. Ảnh Đức Anh
Số trẻ mắc bệnh đường hô hấp chiếm 70% số bệnh nhân đến khám điều trị. Ảnh: Đức Anh

Thạc sĩ, Bác sĩ Đậu Thị Hội, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chia sẻ bí quyết bảo vệ trẻ mùa lạnh để tránh viêm phổi:

Các bậc phụ huynh cần giữ ấm trẻ đúng cách. Trẻ cần mặc thật sự đủ ấm như phải mang cả găng tay, tất, mũ hoặc khăn quàng cổ…, đặc biệt tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm lạnh nếu không thật sự cần thiết. Lưu ý, tránh sử dụng các phương tiện giữ ấm có thể gây hại cho trẻ như mặc quần áo quá dày. Trẻ càng ho, quần áo quá dày khiến trẻ thở ra khó khăn hơn.

Giữ vệ sinh là điều cần thiết và cũng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài. Lạnh vừa phải, chúng ta có thể tắm cho trẻ vào thời điểm ấm nhất trong ngày. Khi tắm cho trẻ phải cố gắng đóng cửa tránh gió lùa. Không nên ngâm hết cả mình trẻ vào trong nước mà nên tắm từng phần. Tắm đến đâu lau khô người đến đó và sau đó cho trẻ mặc quần áo khô thoáng, tay dài đủ ấm.

Ngoài ra, phụ huynh cần nên tránh cho trẻ tiếp xúc gần với một người đang mắc bệnh cảm ho. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, giúp tăng đề kháng cho trẻ chống lại mọi bệnh tật, chứ không chỉ riêng hô hấp. Cần tiêm ngừa cúm, phế cầu sớm vì hiệu quả của chủng ngừa phải mất hơn ba tuần lễ, đặc biệt trẻ có bệnh mạn tính, người lớn tuổi, bệnh nhân hen suyễn, vì trong thời tiết lạnh, bệnh cúm và cả viêm phổi có thể đến bất cứ lúc nào.

Nhiều người nhập viện do đột quỵ

Trung tâm Đột quỵ Nghệ An hiện đang điều trị cho 103 bệnh nhân bị đột quỵ. Lượng bệnh nhân liên tục vào ra. Ảnh: Đức Anh

Trời chuyển lạnh sâu, rét đậm rét hại đang là nguyên nhân khiến Trung tâm Đột Quỵ Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An quá tải. Thời điểm này, Trung tâm đang điều trị cho 103 bệnh nhân (thường ngày số bệnh nhân ở đây rơi vào khoảng 80-85 người).

Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Văn Dương, Trung tâm Đột Quỵ Nghệ An cho hay: Đại đa số người bệnh là người cao tuổi. Nhập viện vào đây trong tình trạng bệnh nặng, mang theo nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, từng bị đột quỵ nay bị lại. Đợt này số bệnh nhân nhập viện tăng là do thời tiết lạnh khiến bệnh nhân bị thay đổi huyết áp đột ngột dẫn đến đột quỵ. Bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm có 2 thể bệnh chính, đó là nhồi máu não và chảy máu não.

Số bệnh nhân đột quỵ đang vào ra liên tục tại Trung tâm Đột Quỵ Nghệ An. Do tình trạng quá tải ở Trung tâm nên còn có một số bệnh nhân đang phải nằm điều trị tại một số khoa khác của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An như Khoa Nội A, Lão khoa, Hồi sức Tích cực...

Trung tâm Đột Quỵ Nghệ An hiện đang quá tải bệnh nhân. Ảnh: Đức Anh

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Đôt quỵ Nghệ An khuyến cáo: Với thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người cần lưu ý để phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Người cao tuổi luôn mặc ấm, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tránh việc tiếp xúc lạnh đột ngột như tắm, ra khỏi nhà tập thể dục buổi sáng. Các nhà đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi nên được che kín để giữ nhiệt trong nhà, không nên mở toang cửa để khí lạnh lùa vào nhà.

Những người bị các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch... cần tuân thủ điều trị và uống thuốc đều đặn. Việc uống các viên thuốc được quảng cáo là viên thuốc phòng chống đột quỵ được bán trên thị trường là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, thậm chí còn "tiền mất tật mang". Mọi người nên uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể.

Khi phát hiện có một trong các dấu hiệu như: miệng méo sang một bên, nói khó, tay chân một bên bị tê yếu... thì ngay lập tức đưa bệnh nhân vào bệnh viện mà không nên trì hoãn. Đừng dại dột chích máu đầu ngón tay và ngón chân để làm cho bệnh nhân đau đớn hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng./.

Mới nhất
x
Nghệ An: Bệnh nhân đột quỵ, viêm phổi tăng do rét đậm rét hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO