Nghệ An đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách
(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương; Nghệ An quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Xã hội hóa nguồn lực
Một trong những đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn phải kể đến huyện Nghi Lộc.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghi lộc cho biết, trước khi có Chỉ thị 40, lãnh đạo huyện Nghi Lộc đã rất quan tâm đến nguồn vay cho đối tượng chính sách, năm 2007 ngân sách huyện đã chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng CSXH huyện 500 triệu đồng.
Thực hiện tinh thần Chỉ thị 40, hàng năm huyện đều cố gắng chuyển 300 - 500 triệu đồng, trong đó, năm 2019 năm cao nhất chuyển 700 triệu đồng cho Ngân hàng CSXH huyện. Riêng trong quý I/2021, tổng số tiền đã chuyển sang Ngân hàng CSXH ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn là 535 triệu đồng, trong đó, ngân sách huyện là 300 triệu đồng, ngân sách xã 235 triệu đồng. Nghi Quang là xã trích nhiều nhất, đến nay đã trích 150 triệu đồng. Như vậy, đến nay tổng số dư ngân sách huyện, xã đã chuyển sang Ngân hàng CSXH ủy thác cho vay là trên 3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, người dân nghèo, đối tượng chính sách đã đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Điển hình như hộ anh Phan Thanh Bình, sản xuất mộc ở khối 1, thị trấn Quán Hành, những năm qua gia đình theo nghề mộc nhưng thiếu vốn nên không mở rộng được quy mô. Năm 2021, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Hiện nay, cơ sở của anh Bình giải quyết việc làm cho 4 lao động, hàng tháng ngoài tiền lương cho lao động, đầu tư sản xuất, anh đều trích hơn 1 triệu đồng để trả lãi và tiết kiệm để tái tục nguồn vốn.
Anh Bình chia sẻ: Nhờ có vốn ngân hàng đã giúp gia đình thêm nguồn lực sản xuất, tuy nhiên vẫn mong muốn ngân hàng tăng thêm vốn vay để tiếp tục đầu tư nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Từ vốn vay của NHCSXH, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư trang trại phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Huyền |
Tại huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Công tác huy động vốn tại địa phương được chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách địa phương có bước khởi đầu khá tốt, trong quý 1/2021 đã huy động được 505 triệu đồng từ ngân sách huyện, Quỹ Thanh niên lập nghiệp của Huyện đoàn và ngân sách địa phương 2 xã (Thanh Yên và Thanh Mỹ). Đồng thời, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong quý, tiền gửi thông qua tổ tăng gần 5 tỷ đồng, nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường tăng hơn 1 tỷ đồng.
Vốn vay đã giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác xây dựng và sửa chữa được 496 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp 32 lao động có việc làm và duy trì việc làm, 6 hộ thu nhập thấp xây nhà ở từ vốn nhà ở xã hội, 738 hộ nghèo, cận nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh phát triển kinh tế...Theo Ngân hàng CSXH Nghệ An, nguồn lực tài chính đầu tư cho tín dụng chính sách không ngừng được tăng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến hết quý I/2021, toàn tỉnh đã nhận 26,7 tỷ đồng/kế hoạch giao 25 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó: Ngân sách tỉnh chuyển 15 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, cấp xã chuyển 7,3 tỷ đồng; bổ sung từ nguồn tiền lãi trong quý 1,1 tỷ đồng và nhận ủy thác của các tổ chức khác 3,3 tỷ đồng.
Đoàn công tác NHCSXH tặng quà gia đình chính sách ở Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Thu Huyền |
Kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thật sự đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 29 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm cụ thể hóa quy định của Đảng về lãnh đạo đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện tại các địa phương, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho UBND các huyện, thành, thị và đôn đốc thực hiện việc trích chuyển ngân sách hàng năm ủy thác sang Ngân hàng CSXH các cấp để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cán bộ NHCS Quỳ Hợp thăm gia đình chị Vi thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái (Quỳ Hợp) - hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền |
Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả, tạo ra thu nhập ổn định cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điển hình như mô hình: trồng cây chanh leo cho thu nhập cao tại các xã thuộc huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương; các dự án trồng hoa màu tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc; chăn nuôi đại gia súc sinh sản, lấy thịt, chăn nuôi gà đen tại huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; các dự án trồng rừng sản xuất quy mô lớn tại các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương; các mô hình kinh tế trang trại, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế lớn tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành; các mô hình trồng cây công nghiệp, vùng cây nguyên liệu giá trị cao (cà phê, cao su, chè, mía...) tại các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương,…
Các dự án vay vốn đầu tư phát triển làng nghề truyền thống góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương, như: nghề làm tương tại huyện Nam Đàn, nghề mây tre đan tại huyện Yên Thành, dệt thổ cẩm tại huyện Con Cuông, chế biến thủy, hải sản tại các huyện ven biển Cửa Lò, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu, trồng dâu nuôi tằm thuộc các xã ven sông Lam của huyện Đô Lương,...
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách. Hàng năm, nguồn vốn ngân sách địa phương đang chiếm tỷ trọng thấp (2%) so với tổng nguồn vốn (trong khi bình quân cả nước chiếm 8,6%), một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác Ngân hàng CSXH cho vay…
Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Tiến Cường xóm 2 xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Thu Huyền |
Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị 40 đã tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng CSXH hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách dành cho người nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, những hạn chế cần được các địa phương, tổ chức xã hội nhìn nhận, khắc phục, để tín dụng cho đối tượng người nghèo, chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả.