Nghệ An: Kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở chăm sóc sắc đẹp
(Baonghean.vn) - Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là ở thành phố Vinh, số lượng cơ sở kinh doanh chăm sóc sắc đẹp (spa), xoa bóp, massage, săn sóc da mặt... mọc lên như nấm.
Nhiều vi phạm
Nhằm kiểm soát, chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ sở dịch vụ làm đẹp trên địa bàn, trong tháng 11 - 12/2022, UBND thành phố Vinh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp. Đoàn đã đến kiểm tra đột xuất 7 cơ sở dịch vụ làm đẹp nằm trên địa bàn các phường Trường Thi, Hưng Bình và Hưng Phúc và phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm; thực hiện lập biên bản vi phạm, đình chỉ hoạt động, đề nghị UBND thành phố Vinh ra quyết định xử phạt hành chính.
Một bệnh nhân bị hỏng mí mắt do sử dụng dịch vụ cắt mí chui tại cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: Internet |
Ngày 24/11/2022, từ nguồn tin báo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra đột xuất Cơ sở Thẩm mỹ ST Diamond có địa chỉ số 18, ngõ 1, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi do bà Lê Thị Phương Thảo (sinh năm 1988, địa chỉ cư trú ở thôn 1, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn) làm chủ. Đây là một cơ sở nằm trên tầng 3 của toà nhà 3 tầng, không có biển hiệu. Khi vào kiểm tra, đoàn đã phát hiện cơ sở đang thực hiện phẫu thuật cắt 2 mí mắt cho 01 khách hàng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. (Tại cơ sở còn có 02 khách hàng khác đang chờ thực hiện dịch vụ, nghi vấn thực hiện hút mỡ bụng).
Kiểm tra giấy phép kinh doanh cơ sở Thẩm mỹ ST Diamond thì phạm vi hoạt động của cơ sở chỉ bao gồm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường, gội đầu, làm móng… Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vinh đã lập biên bản vi phạm hành chính; yêu cầu cơ sở Thẩm mỹ ST Diamond chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã có tờ trình gửi UBND thành phố Vinh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này theo quy định.
Ngày 25/11/2022, Chủ tịch UBND thành phố Vinh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Lê Thị Phương Thảo với mức tiền phạt 45 triệu đồng. UBND thành phố Vinh yêu cầu bà Lê Thị Phương Thảo thực hiện nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước thành phố Vinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt… Điều đáng nói, sau khi bị phát hiện vi phạm, cơ sở Thẩm mỹ ST Diamond đã đóng cửa, chuyển đi và bản thân chủ cơ sở vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt.
Quyết định xử phạt hành chính đối với bà Lê Thị Phương Thảo - Chủ cơ sở thẩm mỹ ST Diamond. Ảnh: Thành Chung |
Bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế thành phố Vinh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Ngoài cơ sở Thẩm mỹ ST Diamond, còn có 01 cơ sở trên đường Nguyễn Văn Cừ có dấu hiệu vi phạm khi kiểm tra thực tế tại đây đoàn có phát hiện dung dịch tiêm, bơm kim tiêm, bông gạc… Sổ sách ghi chép có ghi khách hàng từng làm đầy rãnh, phun xăm. Ở thời điểm kiểm tra, nhân viên không có chứng chỉ hành nghề và cơ sở không có khách hàng thực hiện dịch vụ. Đoàn đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương để giám sát.
Cũng theo bà Hồ Thị Hoa: Qua kiểm tra, những vi phạm phổ biến tại các cơ sở dịch vụ làm đẹp đó là hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; nhân viên chưa được tập huấn phòng chống lây nhiễm qua đường máu, sinh học; không thông báo hoạt động lên cơ quan có chức năng, thẩm quyền… Đoàn đã yêu cầu các cơ sở dừng các hoạt động, dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép; yêu cầu các cơ sở hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định.
Phòng Y tế thành phố Vinh cho biết: Thời điểm này, toàn thành phố mới chỉ có 53 cơ sở dịch vụ làm đẹp thực hiện thông báo lên cơ quan chức năng. Hiện nay, phòng đã yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát, thống kê số lượng cơ sở để đưa vào quản lý, kiểm soát.
Phân định, phân cấp quản lý
Song hành cùng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vinh, trong tháng 12/2022, đoàn thanh tra của Sở Y tế cũng đã tiến hành thanh tra 02 cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp trên đường đại lộ Lê Nin. Ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn cho hay: Điểm ghi nhận là 2 cơ sở này có cơ sở vật chất tốt. Điểm tồn tại là 2 cơ sở chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, chưa làm thủ tục công bố. Có một số dịch vụ kỹ thuật vượt qua phạm vi hoạt động chuyên môn. Bên cạnh những vi phạm, đoàn còn nhận thấy một số loại chứng chỉ nghề của nhân viên có nhiều nghi vấn, tính xác thực và tính hợp pháp không cao. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm và tiến hành các bước xử lý theo đúng quy định.
Nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp đang sử dụng dịch vụ xâm lấn vượt quá phạm vị hoạt động cho phép. Ảnh: Thành Chung |
Hiện nay, bản thân chủ các cơ sở dịch vụ làm đẹp vẫn chưa phân biệt được các khái niệm spa, cơ sở làm đẹp thông thường, cơ sở thẩm mỹ… cũng như các quy định pháp luật, điều kiện kinh doanh ngành nghề. Hoặc bản thân chủ cơ sở hiểu nhưng cố tình vi phạm. Vậy nên rất nhiều cơ sở chỉ được phép kinh doanh các dịch vụ làm đẹp thông thường như xoa bóp, chăm sóc da nhưng vẫn cố tình hoặc không cố tình kinh doanh các dịch vụ xâm lấn ngoại, nội khoa như phẫu thuật, tia, đốt. Bên ngoài các cơ sở vẫn treo biển spa, massage nhưng thực tế bên trong kinh doanh các dịch vụ do ngành y tế quản lý.
Theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành nghề kinh doanh thì ngành nghề đăng ký kinh doanh spa bao gồm kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật; cắt tóc, làm đầu, gội đầu, massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm. Như vậy, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa) là hoạt động chăm sóc sắc đẹp không gây chảy máu, không thực hiện phẫu thuật trên cơ thể con người giống như bệnh viện hay thẩm mỹ viện…
Còn theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp lại không nằm trong nhóm hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngành Y tế chỉ thực hiện công tác quản lý với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ…
Qua thanh tra, đoàn Thanh tra Sở Y tế phát hiện nhiều chứng chỉ có nghi vấn về tính xác thực, hợp pháp. Ảnh: Thành Chung |
Bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế thành phố Vinh nêu rõ: Với các quy định này, những cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường lại không thuộc ngành Y tế quản lý. Khi muốn kiểm tra các cơ sở này thì bắt buộc phải thành lập đoàn liên ngành. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở chăm sóc sắc đẹp thông thường hoạt động quá phạm vi cho phép (kinh doanh dịch vụ xâm lấn) lại không dễ bởi yêu cầu bắt buộc là phải bắt quả tang. Trong khi đó, nhân lực thực hiện kiểm tra mỏng. Các cơ sở làm dịch vụ xâm lấn thường thực hiện nơi kín, bên ngoài có camera theo dõi nhằm phát hiện các đoàn kiểm tra. Khi đoàn đến kiểm tra, cơ sở kịp thời đóng kín cửa nơi thực hiện dịch vụ hoặc tẩu tán khách hàng, tang vật.
Ở thời điểm này, việc quản lý, kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là rất khó. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm bởi những vi phạm của các cơ sở này đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Ông Nguyễn Hữu Lê cho hay: Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, cũng như chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thanh, kiểm tra và giám sát liên tục. Ngành Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân lực cho các địa phương. Trong năm 2023 này, ngành Y tế sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, phân định rõ trách nhiệm cho các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Bởi sẽ không ai rõ hơn hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn của mình.
Các chuyên gia khuyến cáo: khi người dân có nhu cầu làm đẹp thì nên tìm đến các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ… có các bác sĩ để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.