Nghệ An kiến nghị Quốc hội 13 nhóm vấn đề về kinh tế - xã hội
(Baonghean.vn) - Từ thực tiễn điều hành, quản lý có những bất cập, UBND tỉnh đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến Quốc hội, Chính phủ 13 nhóm vấn đề liên quan đến tài chính – ngân sách; giao thông – vận tải; tài nguyên – môi trường; du lịch; tư pháp; y tế; giáo dục – đào tạo.
Chiều 19/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc với UBND tỉnh trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tham gia cuộc làm việc, có các đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”
Tại cuộc họp, UBND tỉnh báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Quốc hội.
5 tháng đầu năm, các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Năng suất lúa xuân năm 2020 trên địa bàn tỉnh tăng hơn năm ngoái, đạt hơn 6,7 tấn/ha và hiện các địa phương đang tích cực chỉ đạo gieo trồng vụ hè thu. Diện tích rừng trồng và tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ.
Chương trình xây dựng NTM đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt ở các địa phương, nhất là 36 xã và 2 huyện đăng ký về đích trong năm 2020.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề xuất một số kiến nghị trọng tâm đối với Quốc hội, Chính phủ. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một số nhóm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại bị đình trệ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh…
Nghệ An cũng đang thể hiện quyết tâm, quyết liệt, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và đề ra nhiều giải pháp trong nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu và hứa sẽ chuyển tải toàn bộ kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Ảnh: Mai Hoa |
Đề xuất Quốc hội 13 nhóm vấn đề
Từ thực tiễn điều hành quản lý, tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành đã đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến Quốc hội, Chính phủ 13 nhóm vấn đề liên quan đến tài chính – ngân sách; giao thông – vận tải; tài nguyên – môi trường; du lịch; tư pháp; y tế; giáo dục – đào tạo; tiêu chí xây dựng NTM; chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự quan tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thời gian qua đã đồng hành với tỉnh Nghệ An trong việc chuyển các kiến nghị của UBND tỉnh cũng như ý kiến cử tri đến Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, đồng chí Lê Hồng Vinh kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến Quốc hội và Chính phủ có cơ chế kích cầu đầu tư công để thúc đẩy phát triển; cơ chế hỗ trợ “hậu” Covid-19 đối với loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú theo hình thức miễn hoặc giảm thuế trong vòng một năm, bởi thực tế có nhiều cơ sở lưu trú hiện chưa kinh doanh trở lại.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Chính phủ cần xem xét chỉnh sửa một số tiêu chí về xây dựng NTM để đảm bảo tính thực tiễn và sự phát triển bền vững như đường GTNT, thủy lợi, tiêu chí nhà văn hóa thôn, xóm, bản, điện sinh hoạt…
Liên quan đến tinh giản biên chế và tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, hiện nay ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đồng thời phải thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và đưa công an chính quy về xã nên số biên chế dôi dư là 694 người. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế để tháo gỡ cho số cán bộ cơ sở dôi dư này.
Mặt khác việc thực hiện tinh giản biên chế theo cơ chế “ra 2, vào 1” đang tạo bất cập đối với một số lĩnh vực, chuyên môn.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông nêu bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện hiện nay. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh đó Quốc hội, Chính phủ cũng cần có quy định về cơ chế quản lý chuyên môn, quản lý nhân lực đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển đổi sang mô hình tự chủ….
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành; trên cơ sở đó phân loại và những vấn đề thuộc hệ thống luật pháp thì kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật; các vấn đề thuộc các văn bản quy phạm dưới Luật thì kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xử lý.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An kiến nghị Trung ương có cơ chế cân đối để đảm bảo nguồn chi ngân sách cho tỉnh trong điều kiện thu ngân sách khó khăn do ảnh hướng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa |
Ngoài văn bản tổng hợp chung gửi Quốc hội, ở từng lĩnh vực, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng sẽ có những văn bản riêng kiến nghị với các Bộ, ngành có liên quan; đồng thời theo dõi việc xử lý và gửi trả lời cho tỉnh cùng các sở, ngành.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phân công cán bộ, chuyên viên cùng tham gia tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội để vừa giải trình trực tiếp, vừa tiếp tục để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xử lý kịp thời các kiến nghị cử tri nêu, tránh một nội dung được cử tri kiến nghị đi kiến nghị lại nhiều lần.