Nghệ An: Làm giàu từ nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện

Tiến Đông 13/03/2021 08:35

(Baonghean.vn) - Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn tại các lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở các huyện Quế Phong, Tương Dương đã đẩy mạnh mô hình nuôi cá lồng. Điều này đã góp phần cải thiện nguồn thu nhập và tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.

Con thoát nghèo

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.250 hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, với hàng triệu m2 mặt nước, là điều kiện lý tưởng cho việc nuôi cá lồng.

Tại khu vực xã Thông Thụ và Đồng Văn của huyện Quế Phong, từ khi lòng hồ thủy điện Hủa Na tích nước đến nay đã có khoảng 80 hộ dân tham gia nuôi cá lồng với 326 lồng cá các loại, từ cá trắm cỏ, cá leo, cá vược... Với giá cả ổn định, từ 50.000 đồng/kg trở lên, lại có thể nuôi được nhiều, nhờ vậy mà việc nuôi cá lồng thực sự đã trở thành một sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.

Lồng bè nuôi cá của người dân thấp thoáng trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: TĐ
Lồng bè nuôi cá của người dân trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: T.Đ

Anh Lang Văn Sáng - bản Pù Duộc (xã Đồng Văn) cho biết: Ngày trước, gia đình anh cũng đã nuôi vài lồng cá trên sông Chu, tuy nhiên kiểu nuôi cá lồng nhỏ lẻ đó chỉ đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho gia đình. Do không nắm vững kỹ thuật, nên nhiều khi cá bị bệnh chết sạch, vừa không có thu hoạch, lại mất vốn. Sau khi lòng hồ tích nước, gia đình anh đã quyết định đầu tư làm lồng bằng sắt, nhựa tổng hợp để nuôi cá.

Đến nay, gia đình anh đã có 20 lồng, được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp và khoa học, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, với 20 lồng cá trắm và cá leo, mỗi năm gia đình anh Sáng thu hoạch được hàng chục tấn cá. Sau khi thu hoạch, cá được các nhà hàng ở TP.Vinh, TX.Thái Hòa… lên tận nơi thu mua.

Cá lồng chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ, cá mương băm nhỏ. Ảnh: TĐ
Cá lồng chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ, cá mương băm nhỏ. Ảnh: TĐ

Anh Trần Văn Thuận, bản Piềng Văn (xã Đồng Văn) có 60 lồng cá các loại cho biết, với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu được hơn 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có lãi khoảng gần 200 triệu đồng. Từ chỗ đói ăn, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Anh Thuận chia sẻ: Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả vẫn không cao, nhiều lúc cá bị bệnh mà không biết cách chữa nên chết cả loạt, thiệt hại rất lớn. Sau này các cơ quan, ban, ngành đã hướng dẫn cụ thể nên cá ít bị bệnh hơn, mà có bệnh cũng biết cách chữa ngay.

Ngoài các loại cá như trắm cỏ, cá leo, nhiều người còn nuôi cả cá bống bớp có giá trị kinh tế cao. Ảnh: TĐ
Ngoài các loại cá như trắm cỏ, cá leo, nhiều người còn nuôi cả cá bống bớp có giá trị kinh tế cao. Ảnh: TĐ

Tại lòng hồ Hủa Na, người dân nuôi cá chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ và cá mương nhỏ xay ra. Giống cá được bà con nhập từ các thương lái ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Mỗi lồng thả từ 200 - 300 con, thông thường 1 năm sau khi thả sẽ cho thu hoạch. Nhưng tùy nhu cầu của khách mua mà họ có thể chọn tỉa bán dần trong lồng.

Không riêng gì ở huyện Quế Phong, tại huyện Tương Dương, việc nuôi cá lồng cũng được người dân địa phương triển khai nhiều, chủ yếu là ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, lòng hồ thủy điện Khe Bố. Tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, tính hết năm 2020, đã có 338 lồng cá các loại được người dân các xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông và một số hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ Ngọc Lâm (Thanh Chương) quay lại lòng hồ tham gia nuôi.

Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao. Ảnh: Tiến Đông
Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao. Ảnh: TĐ

Ông Lô Văn Chương - trước đây ở xã Luân Mai, sau khi được tái định cư xuống xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), ông sinh sống một thời gian rồi gửi con cái ở lại ăn học, còn mình và vợ đi về quê cũ, dựng lán vừa chăn nuôi bò, lợn và đóng ít lồng nuôi cá trong lòng hồ. Ông Chương cho biết, việc nuôi cá không tốn kém nhiều công sức, thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ nên cũng dễ kiếm. Mỗi năm, từ chăn nuôi bò và lồng cá, gia đình ông Chương cũng có thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng mà không phải lo thiếu đói.

Chưa chủ động được con giống

Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (Quế Phong) chia sẻ: Hiện tại xã Đồng Văn có 4/6 bản nằm xung quanh lòng hồ, chính vì thế người dân trong xã đã chủ động trong việc nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Đây cũng được xem là mũi nhọn phát triển của địa phương. Chỉ tính riêng xã Đồng Văn đã có hơn 30 hộ tham gia nuôi cá.

Theo ông Quý, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà các hộ dân nuôi cá đã đỡ được phần lớn chi phí ban đầu. “Nhận thấy được hiệu quả to lớn của việc nuôi cá lồng nên hầu như khi nào có chương trình hỗ trợ, người dân đều đăng ký ngay” - ông Quý cho biết thêm.

Sau 1 năm thả nuôi, người dân đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cá lồng. Ảnh: TĐ
Sau 1 năm thả nuôi, người dân đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cá lồng. Ảnh: TĐ

Mặc dù đầu ra của con cá lồng không đáng lo, nhưng điều mà người dân băn khoăn đó chính là việc ở các huyện Tương Dương, Quế Phong không có trại ươm giống cá quy mô lớn, chính vì thế người dân còn phải phụ thuộc con giống từ các thương lái ở dưới xuôi. Vì thế mà khi vận chuyển xa, một số loài cá không thích nghi được với điều kiện khí hậu thời tiết vùng núi, do vậy chất lượng con giống không cao, cá chậm phát triển ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất của hộ dân tham gia nuôi cá lồng.

Mỗi con cá khi thu hoạch nặng từ 3-5kg, với giá thấp nhất 50.000 đồng/kg như hiện nay, thì con cá đã trở thành con thoát nghèo của người dân khu vực xung quanh các lòng hồ thủy điện. Ảnh: TĐ
Mỗi con cá khi thu hoạch nặng từ 3-5kg, với giá thấp nhất 50.000 đồng/kg như hiện nay, thì con cá đã trở thành con thoát nghèo của người dân khu vực xung quanh các lòng hồ thủy điện. Ảnh: TĐ

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương mới manh nha mô hình ươm con giống nhưng hiệu quả không cao. Việc bị động trong cung cấp các giống cá khiến cho quy mô nuôi cá lồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất, vì thế mà một diện tích lòng hồ rộng lớn còn bỏ trống.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong thì cho biết thêm: Người dân nuôi cá lồng vẫn còn mang nặng tập tục sản xuất của địa phương, cá nuôi gối vụ qua nhiều năm, nhiều lứa nên hiệu quả nuôi trồng thủy sản chưa cao. Hơn nữa do trình độ dân trí không đồng đều, thiếu kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bên cạnh đó mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất./.

Mới nhất

x
Nghệ An: Làm giàu từ nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO