Nghệ An: “Mổ xẻ” các chỉ tiêu môi trường đạt thấp so yêu cầu

Mai Hoa 20/04/2019 06:13

(Baonghean) - Ngày 8/12/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08/NQ-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau hơn 1 năm triển khai, đã tạo chuyển biến nhưng một số chỉ tiêu còn đạt thấp so với yêu cầu của giai đoạn 2017 - 2020.

Chuyển động

Điều được khẳng định, chưa có nhiệm kỳ nào, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) lại được đặt ra với một thái độ quyết tâm, quyết liệt như ở nhiệm kỳ này với một quan điểm rất rõ ràng: Không vì phát triển mà “lơ” đi yếu tố môi trường; yếu tố môi trường là vấn đề được ưu tiên hàng đầu để cân nhắc, lựa chọn các chương trình, dự án đầu tư phát triển.

Môi trường dọc kênh Bắc (TP. Vinh) được cải thiện đáng kể sau hoàn thành Tiểu dự án đô thị Vinh. Ảnh tư liệu
Môi trường dọc kênh Bắc (TP. Vinh) được cải thiện đáng kể sau hoàn thành Tiểu dự án đô thị Vinh. Ảnh tư liệu

Theo ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, soi vào 18 chỉ tiêu môi trường mà Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra cho giai đoạn 2017 - 2020, thì đến nay có 3/18 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Bao gồm, chỉ tiêu 75% khu đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động đáp ứng các tiêu chí về các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT; 85% chất thải y tế tuyến huyện, tỉnh được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Cùng đó có 5 chỉ tiêu gần đạt mục tiêu, gồm tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ dân số đô thị loại V được dùng nước sạch; tỷ lệ dân số đô thị loại IV trở lên được sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị; tỷ lệ diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị, khu dân cư.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Nam Cấm. Ảnh tư liệu
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Nam Cấm. Ảnh:Mai Hoa

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU. Theo đó, các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được xác định rõ, gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã để cùng vào cuộc. Đặc biệt, các ngành, địa phương chú trọng nâng cao công tác phòng ngừa ô nhiễm bằng những việc làm cụ thể.

Đơn cử Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND. Cùng với đó là chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng CCN, các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, vệ sinh môi trường trong CCN. Đến thời điểm này đã có 8/22 CCN có hệ thống nước thải tập trung và 2 CCN đang tiếp tục xây dựng.

Với Sở Y tế, đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 786/KH-UBND về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp giảm thiểu, phân loại, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định và đến nay đảm bảo 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh được xử lý đúng quy định.

Nghĩa Đàn lắp đặt hàng trăm bể đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học và chất bảo quản nông sản trong sản xuất nông nghiệp; gắn với việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV đúng quy chuẩn đạt 83%.

Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản về BVMT thì đã chú trọng khâu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT chi tiết, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản, xác nhận kế hoạch BVMT, đề án BVMT đơn giản thuộc thẩm quyền. Song song với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành BVMT của các tổ chức, cá nhân...

Đối với cấp huyện và xã, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân đã có 8 huyện, thành, thị xã phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động BVMT, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý kịp thời về BVMT. Có 17 huyện, thành, thị xây dựng được các mô hình về phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt, rác thải bao bì thuốc BVTV...

Các địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, gắn với chú trọng thu hút đầu tư các dự án “sạch” hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đối với khu dân cư...

Gắn với xây dựng NTM, nhiều địa phương đã chăm lo công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: Mai Hoa
Gắn với xây dựng NTM, nhiều địa phương đã chăm lo công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: Mai Hoa

Khó khăn

Soi vào các chỉ tiêu BVMT theo Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kế hoạch số 99/KH-UBND cho giai đoạn 2017 - 2020 thì có một số chỉ tiêu tiến độ thực hiện chậm, trong khi thời gian thực hiện của giai đoạn đầu 2017 - 2020 chỉ còn hơn 1 năm rưỡi nữa. Nổi lên là mới chỉ có 35% dự án được xác nhận hoàn thành công trình BVMT so với mục tiêu 100% vào năm 2020. Theo Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Hồ Sỹ Dũng, trong 65% dự án chưa được xác nhận hoàn thành công trình BVMT, nghĩa là chừng đó dự án đi vào vận hành mà chưa hoàn thành các công trình BVMT đã được phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp so với trước khi có Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kế hoạch số 99/KH-UBND chưa có sự thay đổi, mới chỉ có 2 CCN được khởi động xây dựng và mới chỉ 40% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn so với mục tiêu 100% đến năm 2020.

"Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 6 CCN khai thác khoáng sản đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây chính là lý do dẫn đến ô nhiễm trên địa bàn khá lớn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân".

Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp

Đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên núi Lan Toong (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) bị vỡ. Ảnh tư liệu
Đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên núi Lan Toong (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) bị vỡ. Ảnh tư liệu

Về tỷ lệ điểm ô nhiễm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật được điều tra, khoanh vùng, lập dự án xử lý mới chỉ đạt 27% so với mục tiêu 100% đến năm 2020. Mặt khác, chất thải bao bì thuốc BVTV trong quá trình sản xuất nông nghiệp phát sinh trên địa bàn không lớn; tuy nhiên việc thu gom, xử lý không triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, đất và tác động trở lại cây trồng, đe dọa đến sức khỏe của con người.

"Rác thải bao bì thuốc BVTV phát sinh trên địa bàn tỉnh, bình quân khoảng 3 tấn/năm, trong đó tỷ lệ thu gom, xử lý đạt quy chuẩn là 83%, số còn lại cũng đang đặt áp lực đến môi trường".

Ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh

Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường ở các địa phương đang khá nan giản. Bởi theo ông Hoàng Thanh Ngọc - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tại Quyết định số 494/QĐ-UBND.ĐTXD ngày 4/2/2013. Theo đó, ở cấp huyện, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 15 bãi rác tập trung, trong đó có 9 địa phương đã đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.

Người dân đổ rác thải xuống cảng cá lạch Vạn. Ảnh tư liệu
Người dân đổ rác thải xuống cảng cá lạch Vạn. Ảnh tư liệu

Trong 9 bãi rác tập trung cấp huyện đó thì chỉ có 4 bãi rác quy trình xử lý cơ bản đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường. Đối với các địa phương chưa có bãi rác tập trung thì các điểm tập kết, trung chuyển rác thải ở các xã lại trở thành “bãi rác” bất đắc dĩ (theo Quyết định số 494, các xã không được quy hoạch bãi rác mà chỉ được quy hoạch 2-3 điểm tập kết, trung chuyển rác) và phương pháp xử lý tại các xã đều là chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm môi trường lớn.

Một vấn đề nữa là công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục các điểm “đen” về ô nhiễm môi trường phát sinh ở một số địa bàn, một số thời điểm cũng chưa kịp thời và triệt để...

Rõ ràng, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là còn nhiều chỉ tiêu môi trường đạt thấp so với yêu cầu của giai đoạn 2017 - 2020 mà Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra. Điều này đặt ra trách nhiệm cho các cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan tiếp tục trăn trở, đưa ra các giải pháp, biện pháp nhằm đẩy nhanh hơn việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2017 - 2020.

Nghệ An: “Mổ xẻ” các chỉ tiêu môi trường đạt thấp so yêu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO